ÐBQH thảo luận về việc sửa đổi Hiến pháp 1992 ngày 16/11. |
Cụ thể, Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Luật HTX; Luật Xuất bản.
Đặc biệt là Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng; nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Kê khai và công khai tài sản của lãnh đạo tại nơi làm việc
Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi có hiệu lực từ 1/2/2013, đang rất được đông đảo người dân quan tâm bởi những quy định mới của nó. Theo đó, tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng sẽ được quy định trong các văn kiện của Đảng.
Luật mới cũng quy định về hình thức công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị như: Nếu không có quy định về hình thức công khai thì người đứng đầu cơ quan tổ chức phải lựa chọn một hoặc một số hình thức công khai bắt buộc.
Bao gồm: Niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan tổ chức, đơn vị; thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan; phát hành ấn phẩm; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và đưa lên trang thông tin điện tử.
Luật cũng quy định về việc công khai minh bạch về việc đấu thầu, chỉ định thầu, quản lý dự án đầu tư xây dựng; quản lý sử dụng đất đai; tài sản doanh nghiệp, vốn và tài sản của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, vốn và tài sản của doanh nghiệp đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, ngoài ngành nghề kinh doanh, vốn ưu đãi, báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán, việc bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý, lương và các khoản thu nhập khác của người trong HĐTV, HĐQT, TGĐ, Phó TGĐ, KSV, kế toán trưởng...
Đối với tài sản, thu nhập, luật cũng quy định: Bản kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.
Trong bản kê khai tài sản, người có nghĩa vụ phải kê khai phải liên tục cập nhật và giải trình về nguồn gốc phần tài sản tăng thêm.
Lấy phiếu tín nhiệm vào năm 2013
Nghị quyết của QH về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đã xác định đối với QH, tổng số người lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là 49 người gồm: Chủ tịch nước, phó chủ tịch nước; chủ tịch QH, phó chủ tịch QH, chủ tịch HĐDT, chủ nhiệm UB của QH, các thành viên khác của UBTVQH; thủ tướng chính phủ, phó thủ tướng chính phủ, bộ trưởng, các thành viên khác của chính phủ; chánh án TANDTC, viện trưởng VKSNDTC, tổng Kiểm toán Nhà nước.
Nghị quyết cũng quy định việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ hằng năm kể từ năm thứ 2 của nhiệm kỳ được bầu hoặc phê chuẩn. Riêng nhiệm kỳ 2011-2016 thì việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu sẽ tiến hành tại kỳ họp QH, HĐND đầu năm 2013.
Tại cuộc họp báo, ông Ngô Tự Nam - Phó ban Công tác ĐB của QH - cũng cho biết, UBTVQH cũng đang xây dựng cơ chế để có thể bổ sung nhân sự khi một nhân sự nào đó bị bỏ phiếu không tín nhiệm và buộc phải thay thế để kịp đưa vào xem xét tại kỳ họp QH, HĐND tới.
Cũng tại buổi công bố, ông Ngô Trung Thành - Vụ trưởng Vụ Pháp luật VPQH - đã giới thiệu nghị quyết của QH về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Theo đó, từ 2/1/2013 đến 31/3/2013 sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân về toàn bộ dự thảo Hiến pháp 1992, trong đó có những nội dung như chế độ chính trị; quyền con người; quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân.
5 nhóm đối tượng được xét tặng, truy tặng danh hiệu BMVNAH Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” có hiệu lực từ 1/1/2013 đã mở rộng tới 5 nhóm đối tượng được tặng, truy tặng danh hiệu này, gồm: Có 2 con trở lên là liệt sĩ; chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sĩ và 1 con là thương binh 81% trở lên; chỉ có 1 con mà người đó là liệt sĩ; có 1 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ; có 1 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh 81% trở lên. |
Theo Laodong