Chạy công chức 100 triệu: Nói thật, làm thật sẽ sáng tỏ

Thứ năm, 03/01/2013, 21:46
“Chạy quyền, chạy chức, chạy thi công chức… là một thực trạng rất đau lòng. Nếu quyết tâm, phải nói thật, làm thật và đi đến cùng mới có thể tìm ra sự thật”- Chia sẻ của ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội xung quanh câu chuyện chạy thi công chức ở Hà Nội giá 100 triệu được bàn đến trong thời gian qua.

Chạy thi công chức, chạy chức… là có thật

Dư luận xôn xao về thông tin chạy vào công chức ở Hà Nội không dưới 100 triệu đồng/suất; người dân cho rằng đó là giá quá rẻ. Ông nghĩ sao về hiện tượng này ?

-Tôi nghĩ câu chuyện ấy là có thật, vì người cung cấp thông tin là ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội. Thông tin này đã gây sốc cho các đại biểu HĐND TP Hà Nội trong ngày họp cuối cùng (7/12). Chúng ta hãy nghe ý kiến của ông Trần Trọng Dực:

- Bây giờ người ta nói dưới 100 triệu đồng không có chuyện đỗ được vào đâu! Đây chỉ là “mức giá sàn” để có cơ hội trở thành công chức Thủ đô. Còn chạy được vào đâu là chuyện của Trưởng phòng Nội vụ các quận huyện...

Đó là việc rất đau lòng của Thành phố chúng ta, nhưng đây là thực trạng đang tồn tại. Bên trong và đằng sau việc thi công chức còn nhiều việc phải bàn...

tham nhung

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Ông có tin rằng vụ việc sẽ được làm sáng tỏ, công khai minh bạch?

- Lãnh đạo Hà Nội hứa sẽ làm rõ vụ việc này. Tôi nghĩ rằng nếu họ quyết tâm thì có thể làm  và sẽ làm được. Nhưng cái lớn hơn, mang tính bản chất để loại trừ tệ nạn này thì phải giải quyết một loạt vấn đề cơ bản mà tôi sẽ đề cập ở phần sau.

Tôi nhớ lại, cách đây hơn 5 năm, tháng 11/2007, vào dịp cùng dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX, tôi và Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị có cơ hội trao đổi với nhau ít phút. Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới nạn tiêu cực, tham nhũng đang tràn lan các cấp ở Hà Nội và quyết tâm chống tham những của Bí thư Thành uỷ. Đến nay sau 5 năm, không những không ngăn chặn được mà lại càng nghiêm trọng hơn.

Tôi tin rằng, với truyền thống ngàn năm văn hiến, lại có Luật Thủ đô mới được Quốc hội thông qua, Hà Nội không chịu bó tay ngồi chờ Trung ương mà sẽ đi tiên phong trong sự nghiệp đổi mới, đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng. 

Ngay trong các kỳ họp Quốc hội, không ít ý kiến băn khoăn về việc chạy chức chạy quyền và nhức nhối vấn đề tham nhũng, là quan chức lâu năm ở Quốc hội, ông có ý nhận xét gì về việc này và giải pháp?

- Ta thử phân tích mục đích của việc chạy chức chạy quyền là gì?

Thứ nhất là để cho oai, để có một vị thế trong xã hội, mọi người kính nể. Câu chuyện chạy bằng cấp, chạy học vị đang diễn ra khá phổ biến, cũng vậy mà thôi.

Thứ hai là, điều quan trọng hơn, khi có được chức quyền rồi thì phải tính sao cho đủ số tiền đã chi ra và sau đó là lợi nhuận. Đó là tham nhũng.

Lâu nay, ta chưa nhận thức sâu sắc vấn đề này và cũng chưa có chế tài để xử lý hiệu quả. Gần đây nhất, ngày 23/11/2012, Quốc hội đã thông qua Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi 2012), nhằm khắc phục một số điểm hạn chế tại Luật cũ, bằng việc buộc phải công khai các thông tin như:

Đối với mua sắm công và xây dựng cơ bản: phải công khai Danh mục dự án chỉ định thầu và lý do chỉ định; Danh mục và lý do của các dự án đấu thầu hạn chế, danh sách nhà thầu tham gia, kết quả lựa chọn nhà thầu.

Đối với bản kê khai tài sản của người có nghĩa vụ: phải được công khai nơi cơ quan, tổ chức đơn vị nơi người đó làm việc; đối với đại biểu Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân thì phải công khai ngay tại hội nghị cử tri.

Như vậy, Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi 2012) đã coi trọng khâu “phòng”, bổ sung những quy định mang tính “chống” còn chưa hiệu quả như trước đây.

Theo tôi, việc bổ sung như nêu trên là một bước cố gắng nhưng như thế là chưa đủ.

Bản chất của việc chống tham nhũng là phải làm rõ số tiền và của cải bất chính mà họ chiếm đoạt được.

Kê khai, truy nguồn tài sản sẽ góp phần ‘vạch’ tội

Ý ông là việc kê khai tài sản cũng là một trong những khía cạnh có thể ‘vạch’ tội tham nhũng trong chạy quyền, chạy chức, bằng, cấp…?

- Đúng là như vậy song lâu nay, việc kê khai tài sản mang tính hình thức. Người khai bao nhiêu là tùy họ, chưa có cơ chế kiểm tra đích thực tài sản của họ có đúng như vậy không!

Với tầm quan trọng đặc biệt và có rất nhiều nội dung thì cần xây dựng Bộ luật phòng, chống tham nhũng với nhiều luật cụ thể để dễ đi vào cuộc sống; trong đó có Luật kê khai tài sản.

Cũng sẽ có nhiều ý kiến chưa đồng tình với đề xuất này và cho rằng cứ để trong Luật phòng, chống tham nhũng với những bổ sung cần thiết. Theo tôi, Bộ luật phòng, chống tham nhũng có rất nhiều nội dung. Vấn đề kê khai tài sản có đề cập trong Luật phòng chống tham nhũng, nhưng mờ nhạt và chưa đủ chế tài để thực thi. Nếu vấn đề kê khai tài sản được đề cập quá sâu sẽ làm cho luật bị phân tán.

Luật kê khai tài sản cần làm rõ trình tự kê khai tài sản:

Bước 1: Các đối tượng tự kê khai tài sản. Cần xác định rõ các đối tượng phải kê khai tài sản và đều phải có kiểm tra xác minh về sự kê khai đó với mức độ hợp lý.

Bước 2: Phân loại các đối tượng: Nếu là đại biểu Quốc hội thì giao cho một cơ quan độc lập do Quốc hội cử ra để kiểm tra số tài sản mà đương sự đã kê khai. Nếu là cán bộ chuyên trách của Đảng và các đoàn thể quần chúng thì do Uỷ ban kiểm tra của Đảng kiểm tra và cũng phải tuân theo các quy định của pháp luật.

Đây là sự khác biệt rất quan trọng mà trước đây chưa được quy định rõ ràng. Việc kiểm tra này rất khó khăn vì có nhiều thủ đoạn tinh vi để cản trở và làm sai lệch; kể cả việc mua chuộc những người thi hành công vụ.

Bước 3: Nếu có dấu hiệu nghi ngờ hoặc vi phạm trong việc kê khai thì cần tiến hành điều tra theo các thủ tục quy định của pháp luật.

Bước 4: Kết luận rõ ràng cho từng người, nếu có vi phạm cần xử lý nghiêm.

Bước 5: Minh bạch và công khai. Cần tham khảo kinh nghiệm các nước: Tại sao họ dám công khai thu nhập ở cấp cao nhất là tổng thống hàng năm?

Theo ông ngoài ra có còn có cách nào để UBND thành phố Hà Nội chỉ mặt được đúng bản chất sự việc?

- Cách duy nhất là nói thật và làm thật. Bệnh nể nang và bao che là cản trở lớn, cần kiên quyết khắc phục. Làm việc gì cũng vậy thôi, phải đi đến cùng.

Có nên gắn vụ việc này với việc bỏ phiếu tín nhiệm công chức một cách khách quan, độc lập?

- Có chứ! Việc bỏ phiếu tín nhiệm đã đề ra hơn 10 năm mà vẫn chưa thực hiện được. Kỳ họp Quốc hội vừa qua đã thông qua Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Kỳ họp đầu năm 2013 Quốc hội sẽ làm thật.

Hội đồng nhân dân Hà Nội cần khẩn trương có những văn bản để triển khai việc bỏ phiếu tín nhiệm không chỉ ở Thành phố mà còn là ở các quận huyện nữa. Như ông Trần Ngọc Dực đã nói đấy: “... Còn chạy được vào đâu là chuyện của Trưởng phòng Nội vụ các quận huyện...”

Hiện nay ở Đà Nẵng đang thực hiện gắn sao cho cán bộ công chức, viên chức, theo ông có nên có chế tài để tất cả các địa phương phải áp dụng cách làm này để tránh việc công chức phiền nhiễu dân?

- Đà Nẵng đang thí điểm việc chấm điểm công chức bằng cách niêm yết công khai toàn bộ hình ảnh, tên tuổi của công chức trên mạng để người dân có thể nhận xét về họ. Người dân có thể đánh giá thái độ, cung cách làm việc của công chức bằng cách “gắn” sao.

Việc ra đời chương trình “chấm điểm công chức” đã tạo một bước ngoặt trong đánh giá hiệu quả làm việc, thái độ của công chức. Bất kỳ một thái độ, cách ứng xử của công chức lập tức sẽ bị người dân “gắn” sao.

Những năm qua, Đà Nẵng có nhiều cách làm sáng tạo được nhân dân đồng tình. Tôi hoan nghênh việc làm này. Đà Nẵng làm thí điểm rồi phải có tổng kết. Các địa phương khác cần học tập tinh thần của Đà Nẵng để sáng tạo ra cách làm của mình.

Trên cơ sở của Đà Nẵng và các địa phương khác, Trung ương sẽ đưa ra những dự thảo mang tính pháp lý cao để thực hiện trong toàn quốc.

Xin trân trọng cảm ơn cuộc trao đổi này và chúc ông sức khỏe!

Theo Baodatviet

Các tin cũ hơn