‘Sờ gáy’ công chức có vấn đề

Thứ bảy, 29/12/2012, 21:18
Nhận thức về việc một bộ phận công chức không làm tốt nhiệm vụ, nhiều tỉnh thành đã có những biện pháp chấn chỉnh. Theo đó, yêu cầu công chức không chỉ chấp hành nghiêm các quy định của công sở mà còn phải gương mẫu thực hiện nếp sống văn hóa.    

Đáng kể nhất là tỉnh Nghệ An bắt đầu “sờ gáy” những công chức bị dư luận cho rằng có biểu hiện tiêu cực. Đây cũng là một trong những nội dung được quan tâm đưa ra trong đợt kiểm điểm theo nghị quyết trung ương 4 về xây dựng Đảng.

cong chu

Lật lại các “nghi án”

Trong đợt kiểm điểm, phê bình và tự phê bình theo nghị quyết trung ương 4, Tỉnh ủy Nghệ An chỉ đạo làm rõ một số trường hợp nguyên là chủ tịch UBND huyện đã ký các quyết định được cho là bất bình thường.

Đó là trường hợp ông Lê Cao Bính - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, nguyên chủ tịch UBND huyện Thanh Chương (2006-2010). Lúc đang làm chủ tịch UBND huyện này, ông Bính ký nhận 127 giáo viên hợp đồng từ mầm non, tiểu học đến THCS.

Phó bí thư Huyện ủy Thanh Chương Đặng Anh Dũng xác nhận: “Việc ký nhận này sai quy định, các trường đã đủ biên chế nhưng huyện vẫn ký nhận hợp đồng thêm khiến huyện phải nai lưng trả tiền lương từ nguồn kinh phí của phòng giáo dục”.

Sau khi Ban thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu kiểm điểm, ông Bính cho biết số giáo viên hợp đồng nêu trên không phải riêng ông nhận mà do một số chủ tịch UBND huyện trước đó nhận, tồn đọng lại. Theo ông Bính, sở dĩ ông nhận là do phòng giáo dục - đào tạo đề nghị.

Tương tự, ông Trần Đình Hường - nguyên chủ tịch UBND huyện, nguyên bí thư Huyện ủy Nam Đàn, nay chuyển về làm phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh - cũng bị dư luận xôn xao về việc nhận người ồ ạt. Cụ thể, năm 2009 nhận tổng cộng 310 người, bao gồm người mới và cả số hợp đồng lẫn nhân viên phục vụ đang dôi dư. Việc này được thanh tra Sở Nội vụ kết luận “một số trường hợp tuyển dụng không đúng quy trình”.

Riêng trường hợp ông Nguyễn Đình Yên - nguyên chủ tịch UBND huyện Quế Phong (2004-2009), hiện làm phó Ban dân tộc và miền núi tỉnh Nghệ An - lại rơi vào tình huống khác.

Ông Hương được thông báo điều chuyển vào năm 2009. Khi đang chờ quyết định chính thức, ông Yên tranh thủ ký chỉ định thầu 41 dự án xây dựng kiên cố hóa trường học trị giá hàng chục tỉ đồng và cấp sai 1.000m2 đất ở thị trấn Kim Sơn cho người thân. Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Lữ Đình Thi cho biết: “Sau khi kiểm tra 41 dự án do ông Yên chỉ định thầu không đúng quy trình, UBND huyện đã hủy bỏ quyết định này”.

Trao đổi về vấn đề nhận người ồ ạt của một số chủ tịch UBND huyện, giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An Cao Thị Hiền khẳng định hiện toàn tỉnh còn có 2.900 giáo viên hợp đồng và nhân viên phục vụ dôi dư.

“Theo tôi, huyện nào nhận người thì trả lại huyện xử lý. Ai có năng lực giỏi, bằng cấp chuẩn thì xem xét cho tiếp tục làm việc, ai không đạt yêu cầu buộc phải loại ra. Trường hợp đã hợp đồng lâu năm có thể cho đi học tiếp để có đủ khả năng tuyển dụng, nếu năng lực quá yếu phải chấm dứt hợp đồng luôn” - bà Hiền nói.

Khảo sát để chấn chỉnh

Ông Trần Thành Nghiệp - chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Cần Thơ - cho biết cách đây một năm, hội được Sở Nội vụ TP Cần Thơ “đặt hàng” khảo sát bộ phận một cửa ở 85 xã phường, chín quận huyện và một số sở ngành “nhạy cảm”, liên quan trực tiếp đến người dân của TP Cần Thơ.

Cán bộ khảo sát được bố trí bàn ngay bộ phận một cửa và khi thấy người dân đến làm thủ tục là “bắt” vào hỏi chuyện. Qua 12.000 phiếu thăm dò với bốn mức độ: rất hài lòng, hài lòng, không hài lòng và chán nản thì kết quả thu được là 15,02% “không hài lòng” và 0,34% chán nản. Ông Nghiệp cho rằng con số 15,02% người dân chưa hài lòng có thể chưa phản ảnh đúng thực tế, bởi có không ít người dân được hỏi không dám nói thật.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - chủ tịch UBND TP Cần Thơ, khi có kết quả khảo sát của Hội Cựu chiến binh, UBND TP đã chỉ đạo tăng cường cơ sở vật chất cho phường xã, đồng thời với việc tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp cho cán bộ.

UBND TP cũng chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra việc thực thi công vụ của cán bộ công chức. Qua kiểm tra đã phát hiện một số trường hợp chưa đảm bảo giờ giấc, hướng dẫn dân làm thủ tục không tới nơi tới chốn, dân tới làm hồ sơ thì hẹn nhiều lần...

“Tổ kiểm tra đã phê bình, chỉ ra sai sót ngay tại chỗ, đồng thời nhắc nhở thủ trưởng cơ quan ngay. Đến nay 46/85 xã phường đã có một cửa điện tử, tình trạng cán bộ công chức vi phạm có chuyển biến rõ nét” - ông Sơn nói.

Kêu gọi công chức thực hiện nếp sống văn minh

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc vừa có văn bản yêu cầu thực hiện nghiêm chủ trương không sử dụng phương tiện công để đi lễ hội. Theo văn bản này, tất cả cán bộ công chức, viên chức của TP không sử dụng giờ hành chính trong các ngày làm việc để đi lễ hội.

UBND TP cũng kêu gọi cán bộ công chức, viên chức và người lao động gương mẫu thực hiện nếp sống văn hóa lễ hội. Trong quá trình tổ chức lễ hội phải ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, thực hiện theo đúng tinh thần tiết kiệm, không lãng phí tiền của Nhà nước.

Văn bản trên có được thực hiện nghiêm hay không thì cần phải chờ đến mùa lễ hội. Còn hiện nay ở Hà Nội cũng có không ít chuyện liên quan tới việc công chức “ăn cắp” giờ hành chính để làm việc riêng.

Theo ghi nhận của ngày 26-12, quán cà phê Tre nằm bên hông và đối diện cổng phụ của trụ sở UBND quận Thanh Xuân có một nhóm khách ngồi sâu trong góc trái của quán buôn chuyện rôm rả.

Theo tìm hiểu, đó là những cán bộ, nhân viên làm việc trong UBND quận và là khách quen của quán. Sau khi buôn đủ chuyện, nhóm người rời khỏi quán cà phê, tiến thẳng vào trụ sở của UBND quận lúc 14g, chậm một giờ so với giờ làm việc được quy định là 13g.

Hơn 10g ngày 27-12 tại quán cà phê trong khuôn viên Sở Giao thông vận tải Hà Nội có ba người gồm một nam (nhân viên làm việc trong sở) và hai nữ say sưa buôn chuyện. Khoảng 20 phút sau, một người khác - cũng là nhân viên của Sở Giao thông vận tải - bước vào gọi đồ uống và cùng buôn chuyện.

Cũng tại quán này, từ 10g-11g còn có nhiều người khác từ các phòng làm việc của sở vào gọi nước uống, đồ ăn, đọc báo hoặc điện thoại tán gẫu... Theo nhân viên của quán, khách quen ở quán này hầu hết là người làm việc trong Sở Tư pháp và Sở Giao thông vận tải Hà Nội. “Khoảng thời gian đông nhất là từ 8g-9g và 11g-13g” - nhân viên này cho biết.

Chiều cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Hùng - giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội - thừa nhận có hiện tượng nhân viên của sở ngồi trong quán cà phê trong khuôn viên của sở, tuy nhiên chủ yếu là ăn sáng, ăn trưa hoặc tiếp khách hàng. Khi chúng tôi nói có ghi nhận được một số trường hợp “ăn cắp” giờ làm việc để vào quán, ông Hùng khẳng định “sẽ kiểm tra, nhắc nhở”.

Theo Tienphong

Các tin cũ hơn