PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế . |
Bộ trưởng Y tế từng trả lời chất vấn trước Quốc hội rằng tình trạng yếu kém về mặt y đức của một bộ phận cán bộ ngành y có nguyên nhân từ sự tác động tiêu cực của xã hội, từ việc thu nhập của cán bộ ngành y thấp trong khi áp lực công việc cao... Theo ông, liệu đấy có phải là những nguyên nhân thuyết phục khi, hơn ai hết, một người đã bước chân vào ngành y, phải hiểu rằng y đức là một điều rất quan trọng?.
Hãy quan niệm rộng rằng trong cuộc sống hàng ngày cũng như công việc đều gắn liền với y đức. Hay nói cách khác, mỗi nghề đều có đặc thù riêng và đều cần có đức, đó chính là “tâm nghiệp”. Ngành y rõ ràng rất cần y đức.
Theo tôi hiện nay làm nghề y mới chỉ dừng lại ở chỗ chăm sóc chu đáo, ân cần, nhã nhặn, không trục lợi từ người bệnh. Như vậy chưa đủ, cần phải tìm được phác đồ, chọn được kỹ thuật phù hợp nhất cho người bệnh. Thậm chí y đức còn thể hiện cao hơn ở chỗ thầy thuốc phải tìm được người giỏi hơn bản thân mình để chữa cho bệnh nhân.
Như vậy có vẻ như ảnh hưởng đến uy tín của bác sĩ nhưng người thầy thuốc có đức phải biết đặt quyền lợi người bệnh lên trên hết, không được giấu dốt. Không nên vì lý do kinh tế khó khăn mà hưởng lợi không chính đáng trên người mình phục vụ, đặc biệt, đấy lại là người bệnh.
Chăm sóc trẻ sơ sinh ở BV Phụ sản T.Ư. |
Thưa ông, sự thiếu trách nhiệm, thiếu lương tâm của cán bộ ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều gây hậu quả xấu, nhưng trong ngành y, một bác sĩ yếu kém về y đức có thể sẽ gây hậu quả khó lường với người bệnh. Phải chăng một số bác sĩ không ý thức được điều đó?
Đã là bác sĩ thì ai cũng hiểu thiếu nhiệt tình, thiếu trách nhiệm, thiếu kiến thức và kinh nghiệm sẽ ảnh hưởng rất xấu tới người bệnh. Muốn chữa bệnh cứu người đạt được kết quả tốt thì người làm công tác y tế phải đủ tâm, đủ tài.
Lựa chọn đi học và sẽ làm trong ngành y tế đã là một quyết định mang đầy tính nhân văn trong thời kỳ hội nhập, vì thực tế là các bạn trẻ cũng đã hiểu rất rõ cuộc sống sau khi ra trường như thế nào so với các ngành nghề khác.
Tôi có lời khuyên cho bác sĩ trẻ là: bạn đã lựa chọn đúng, hãy tu dưỡng đạo đức, làm lớn hơn nữa cái tâm của mình, luôn học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, hãy phục vụ với hết trái tim và tâm hồn của mình.
Hiện nay, vấn đề y đức được đề cập trong đại học y cũng như trong các cơ sở y tế như thế nào so với các vấn đề về chuyên môn, thưa ông?
Trước đây, vấn đề y đức vẫn được lồng ghép vào nhiều môn học, xuyên suốt từ năm thứ nhất đến năm thứ 6. Nhưng hiện nay y đức đã được đưa vào giảng dạy trong trường Y và coi đó là một nội dung trong chương trình đào tạo.
Tại Đại học Y Hà Nội, bộ môn y đức dạy cho sinh viên những kiến thức cơ bản về lịch sử Y học Việt Nam, lịch sử Y học thế giới, các quy tắc ứng xử đạo đức từ năm thứ nhất.
Sinh viên cũng được học những kỹ năng mềm, nghệ thuật giao tiếp với bệnh nhân, những tham vấn về tâm lý khi gặp ức chế trong công việc. Tuy nhiên việc học lý thuyết tại giảng đường là một chuyện, mỗi sinh viên trường y hay mỗi nhân viên y tế đều phải rèn luyện y đức suốt đời.
Cùng với đó nâng cao y đức tại cơ sở khám chữa bệnh là ưu tiên hàng đầu của ngành y tế, vì đây là nơi trực tiếp đón và điều trị cho bệnh nhân, nếu không thực hiện tốt y đức sẽ không có hiệu quả cao trong khám chữa bệnh.
Do đó lãnh đạo ngành y tế đã có chỉ thị cho các địa phương giảm tải tại các bệnh viện sẽ góp phần giảm áp lực công việc lên cán bộ y tế, nhờ đó có thể giúp những người thầy thuốc tránh được thái độ, hành vi chưa đúng mực với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Ngành y đã có lời thề Hypocrat nhưng mới đây một số đơn vị trong ngành đã phải có quy định riêng cho mình về vấn đề y đức. Phải chăng lời thề Hypocrat không còn ý nghĩa trong thời buổi ngày nay, thưa thứ trưởng?
Lời thề Hypocrat có ý nghĩa sâu sắc cho mọi thời đại đối với ngành Y. Vấn đề là thấm nhuần lời thề này không như nhau đối với mọi người mà thôi.
Với tư cách là chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực sản phụ khoa hiện nay tại Việt Nam, ông đánh giá thế nào về các tai biến sản khoa trong năm vừa qua? Dư luận cho rằng ít nhiều những tai biến đó liên quan đến vấn đề y đức?
Lĩnh vực sản phụ khoa đạt được rất nhiều thành công trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Thống kê 9 tháng đầu năm 2012 có 86 trường hợp tử vong mẹ, so với những năm trước đã giảm hơn rất nhiều.
Việt Nam được thế giới đánh giá cao, là 1 trong 4 nước trong khu vực đạt mục tiêu thiên niên kỷ, đặc biệt giảm nhanh tỷ lệ tử vong mẹ.
Tuy nhiên, nếu nhân viên y tế cố gắng hơn nữa trong theo dõi, nâng cao năng lực, kỹ năng cấp cứu, với tinh thần trách nhiệm cao nhất thì số tử vong mẹ còn giảm nữa.
Tôi mong các thầy thuốc hãy cố gắng hết mình, trách nhiệm cao nhất, tích cực học tập nâng cao trình độ và hãy coi bệnh nhân như người ruột thịt của mình, vì chỉ một trường hợp tử vong cũng gây bàng hoàng, đau đớn cho cả gia đình, dòng họ người bệnh.
Cảm ơn ông!
Theo Tienphong