Hà Nội: Cháu của lái xe được nâng đỡ vào công chức

Thứ năm, 03/01/2013, 22:08
 "Kết quả xác minh của Thanh tra huyện cho thấy có tới 12 cán bộ của huyện liên quan đến tiêu cực thi tuyển công chức. Nhưng tất cả là nhờ vả, quen biết chưa phát hiện dấu hiệu đưa, nhận tiền trong quá trình thi tuyển...", Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa (Hà Nội) Nguyễn Quyết Chiến cho biết.

"Chỉ là nhờ vả, quen biết"

Liên quan đến thông tin “chạy” công chức, kết quả xác minh của Thanh tra huyện Ứng Hòa cho thấy có tới 12 cán bộ của huyện liên quan đến tiêu cực thi tuyển công chức.

Cụ thể, Trưởng phòng Nội vụ Nguyễn Đức Bình nhận đã nâng đỡ cho 3-4 người, trong đó có cả cháu của lái xe.

Trưởng phòng Giáo dục cũng nâng đỡ cho 3-4 người. Tổng cộng có 16 trường hợp được nâng đỡ qua việc nâng điểm thi; trong đó có 7 trường hợp đỗ còn 9 trường hợp trượt.

chay chuc

Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Quyết Chiến

Nhiều trường hợp mặc dù điểm thi được nâng lên cao nhưng điểm thi ở các giai đoạn trước lại quá thấp nên vẫn trượt.

Ông Chiến cho biết, các trường hợp bị phát hiện nhờ vả để được nâng điểm đều là mối quan hệ quen biết, người này nhờ người kia.

"Chúng tôi phát hiện được sự việc từ một người đã cung cấp bằng chứng là một quyển sổ giáo viên ghi lại chuyện nhờ vả lẫn nhau. Từ đó đã làm rõ. Những người vi phạm không thể chối cãi được...", ông Chiến cho biết thêm.

Sau khi nhận được phản ánh về biểu hiện tiêu cực trong thi tuyển, vi phạm quy chế thi, ngày 3/10/2012, UBND huyện Ứng Hòa đã có quyết định thành lập đoàn kiểm tra, xác minh thông tin.

Sau hơn một tháng làm việc, đoàn kiểm tra kết luận có 16 trường hợp thí sinh dự thi được tác động thay đổi điểm thi, ở 16 phần thi thực hành giảng bài. Trong đó, có 7 thí sinh, đã trúng tuyển. Tuy nhiên, trong quá trình xác minh, các cặp chấm khẳng định không xác định được điểm thực tế của từng bài thi.

Do vậy, UBND huyện đã báo cáo đề nghị với tập thể Ban Thường vụ giữ nguyên kết quả trúng tuyển để đảm bảo ổn định tình hình tại địa phương.

"Chưa thấy dấu hiệu chạy tiền"

Từ kết luận trên, ông Chiến cho biết, UBND huyện đã báo cáo và xin ý kiến Thường trực huyện ủy để xem xét, xử lý các sai phạm. Ngày 20/12, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ra thông báo xem xét kỷ luật đối với 12 cán bộ liên quan.

Theo đó, Chủ tịch UBND huyện kiêm Chủ tịch Hội đồng thi tuyển và Phó Chủ tịch huyện kiêm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thi tuyển đã nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm trong chỉ đạo dẫn tới một số cán bộ trong hội đồng thi tuyển để xảy ra những sai phạm.

Cảnh cáo về Đảng và chính quyền, điều chuyển về cơ quan khác đối với ông Nguyễn Đức Bình - Trưởng Phòng Nội vụ.

Kỷ luật cảnh cáo về Đảng, giáng chức, điều chuyển công tác khác đối với ông Đỗ Ngọc Anh - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện. Kỷ luật khiển trách, cảnh cáo Đảng và chính quyền đối với các cán bộ, lãnh đạo liên quan.

Ông Chiến cũng cho biết, trong quá trình xem xét kỷ luật, thì hiện tại chưa phát hiện tổ chức, cá nhân nào có hành vi nhận tiền và lợi ích vật chất khác từ các thí sinh, người nhà thí sinh trong quá trình thi tuyển viên chức.

Tại báo cáo của công an huyện Ứng Hòa cũng kết luận, chưa phát hiện được trường hợp nào đưa tiền hoặc nhận tiền để nâng điểm thi tuyển.

Trước đó, phát biểu tại phiên họp HĐND thành phố Hà Nội, ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy phản ánh tình trạng tiêu cực trong thi tuyển cán bộ công chức của Hà Nội.
 
“Bây giờ người ta nói dưới 100 triệu đồng không có chuyện đỗ đâu. Còn chạy vào đâu? Đó là chỗ trưởng phòng nội vụ các quận, huyện.
 
Tôi xin mách với các đồng chí lãnh đạo quận huyện là trưởng phòng nội vụ các quận huyện đang là đầu mối thu hút việc tiếp nhận hồ sơ, nhận tiền chạy của các thí sinh để đỗ công chức và không dưới 100 triệu đồng. Nói đến điều này là rất đau lòng cho thành phố chúng ta, nhưng đây là thực trạng đang tồn tại”- Ông Dực nói.
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu thành phố Hà Nội phải tiến hành thanh tra, kiểm tra thông tin chạy công chức tại cấp quận, huyện của Hà Nội.
 
“Khi một đồng chí lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy nêu tiêu cực ở cấp trưởng phòng nội vụ quận, huyện thì chúng ta phải thanh tra, kiểm tra thế nào. Chứ không phải cứ nói như vậy rồi không làm gì nữa đâu. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan phải vào cuộc. Chúng ta có để tình trạng như vậy được không? Do vậy, phải khắc phục, chấn chỉnh”- Phó Thủ tướng nói.
 
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, yêu cầu xây dựng một nền hành chính trong sạch, thông suốt, hiệu quả. Trong đó, quan trọng nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Bộ máy hành chính để người dân, doanh nghiệp kêu thì cần xem xét trách nhiệm lãnh đạo.
 
Sáng 21/12, trao đổi với báo chí về thông tin chạy công chức không dưới 100 triệu đồng tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ Nội vụ đã lập tổ công tác để xác minh. Sau thanh tra, nếu phát hiện sai phạm đủ yếu tố để truy tố hình sự thì sẽ gửi sang cơ quan pháp luật để truy tố.

TheoTPO/NDT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích