1cc nước cống có tới 10 triệu vi trùng

Thứ sáu, 04/01/2013, 06:16
Đây là thông tin từ ThS Hoàng Thị Ngọc Ngân - Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng (Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM) - khuyến cáo tại hội thảo về môi trường vừa diễn ra tại TPHCM.  

nước kênh ô nhiễm

Nhiều hộ dân sống trên ghe tại quận 8 (TPHCM) sử dụng nguồn nước kênh ô nhiễm trong sinh hoạt. 

Theo đó, nguồn nước tại nhiều khu vực ở TPHCM bị ô nhiễm là nguyên nhân gây ra hàng loạt các loại bệnh về tiêu hoá, bại liệt, giun sán, bệnh ngoài da, phụ khoa, bệnh về mắt…

Ông Hoàng Cảnh Dương - Phó Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường - cũng nhìn nhận tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn thành phố rất nghiêm trọng, đặc biệt ở quận 5 - 6 - 7 và huyện Bình Chánh. Nạn xả rác bừa bãi của người dân đã vô hiệu hóa gần như toàn bộ hệ thống thoát nước của TP, gây ra tình trạng tù đọng nước gây ô nhiễm. 

Mặc dù TP đã đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng mở rộng kênh Tân Hoá – Lò Gốm; hơn 8.000 tỉ đồng cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé, kênh Đôi – kênh Tẻ nhưng qua kiểm tra, chất lượng nước chưa được cải thiện.

Kết quả kiểm tra 9 tháng đầu năm 2012 tại kênh Tân Hoá – Lò Gốm cho thấy, hàm lượng vi sinh vượt từ 200 – 400 lần quy chuẩn cho phép; chưa kể nồng độ các chỉ tiêu như COD, BOD đều vượt từ 2 – 6 lần.

Tình trạng này cũng lặp lại tại hệ thống các kênh Đôi – kênh Tẻ và Tàu Hũ – Bến Nghé. Ngoài ra, theo ông Dương, trong bùn thải nạo vét từ kênh rạch còn có các loại kim loại nặng như crôm, asen, sắt, chì, thuỷ ngân,...

Nạn lấn chiếm lòng kênh để xây nhà kèm theo lượng dân nhập cư và gia tăng dân số quá nhanh tại TP dẫn đến tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng khi nhiều kênh rạch bị san lấp hoàn toàn khiến dòng chảy bị hạn chế, gây ngập úng.

Khi có mưa, triều cường, nước ô nhiễm từ cống tràn vào nhà dân, kéo theo các ổ vi trùng gây bệnh. Cũng theo Trung tâm Y tế dự phòng, một phân khối nước cống (1cc) có từ 2-10 triệu vi trùng.

Điều đáng nói, nhiều kênh rạch khi vừa nạo vét xong thì chỉ trong một thời gian ngắn rác vẫn ngập kênh. Chỉ tính riêng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, mỗi ngày Cty môi trường đô thị phải vớt từ 9-10 tấn rác. Có những con kênh bị bao vây trọn trong khu dân cư không thể cải tạo được và trở thành những ổ chứa bệnh nguy hiểm.

Theo bà Ngân, nhóm bệnh do vi sinh vật gây ra, như bệnh về đường tiêu hoá (tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, viêm gan A), bại liệt, giun sán, bệnh ngoài da, phụ khoa, bệnh về mắt... là phổ biến nhất.

Theo nghiên cứu cho thấy, 80% nguyên nhân gây ra những bệnh này là do nguồn nước ô nhiễm. Ngoài ra, các bệnh về da, hệ thần kinh, dị tật thai nhi... cũng có nguyên nhân do nguồn nước bị ô nhiễm các kim loại nặng.

Ngoài ra, nếu trong nước có hàm lượng các khoáng chất vượt quy định sẽ dẫn đến các bệnh về da (asen), hệ thần kinh (thủy ngân, chì), chất thải hóa học khác có nồng độ cao có thể gây ngộ độc... Nguy hiểm hơn là độc tính của các hóa chất này sẽ tích lũy lâu dần gây nên các bệnh mạn tính.



Theo Laodong

Các tin cũ hơn