Ông Đặng Văn Khoái cho biết, mình giúp mà chưa hề biết mặt thí sinh. |
Bà Nguyễn Thị Sửu: “Kính thưa ông chưa bị lộ”
Mở đầu câu chuyện, bà Sửu (Phó phòng GDĐT huyện Ứng Hòa) nói:
- Trong đợt thi vừa qua, tôi được phân công làm trưởng ban ra đề thi, nằm trong Hội đồng tuyển dụng. Quả thực với tình cảm nên ai cũng thế thôi, thấy người này làm được, người kia làm được thì ới một câu, được thì được, không được thì thôi chứ không đặt nặng vấn đề đâu. Bây giờ bao nhiêu người, bạn bè, hàng xóm, con cháu nhờ thì tôi cứ vâng vâng thế thôi chứ có làm gì đâu.
- Cụ thể, chị nhờ cho mấy trường hợp?
- Tôi chỉ có một thôi. Cháu này thì không phải cùng làng. Đó là con chị bạn học cùng, quê ở Minh Đức. Đó là chị bạn thân mà con gái của chị ấy đang dạy hợp đồng bên Phú Xuyên, muốn thi về bên này cho gần nhà.
Chị ấy chỉ gọi điện nhờ: “Cháu nó thi đấy, dì xem thế nào giúp cho cháu thi đỗ”. Tôi phụ trách bên mầm non, chứ có phụ trách mảng tiểu học đâu. Do vậy, tôi mới nhờ cô Hiền (bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Lỗ (PV) giúp được cho cháu được thì được, không thì thôi. Kết quả cháu chỉ được có 81 điểm.
Những người được nâng phải là từ 90 điểm trở lên, còn dưới 90 điểm là không có nâng đâu. Tôi không dám đặt vấn đề. Đến lúc thi, cũng không ngó nghê gì đến. Cháu nó thi ngày nào tôi cũng không biết. Điểm của cháu không được nâng đâu, vì điểm thấp mà. Khi mà có ý định nâng thì phải đạt 95 điểm trở lên. Cuối cùng cháu không đỗ.
- Đấy. Chắc là lúc đó cô ấy nói như thế rồi. Ai nhờ thì cô ấy khai tất. Khổ nhất là anh Ngọc Anh (Trưởng phòng GDĐT - PV) cũng thế thôi. Có một cháu là con của thầy giáo cũ, người cùng làng, cùng quê nhờ. Thế mà bây giờ chấp nhận thôi huyện ủy viên, giáng chức xuống phó phòng, nằm im một chỗ để chờ về hưu.
- Thế còn anh Khoái - phó phòng?
- Tôi là trưởng ban ra đề thi, anh Khoái phó ban. Anh Khoái cũng nhờ cho một trường hợp. Cũng không được nâng điểm đâu. Tôi còn mấy năm nữa cũng về hưu thôi. Gần 30 năm công tác, từ giáo viên rồi lên quản lý. Là hiệu trưởng gần như trẻ nhất tỉnh Hà Tây. Nhiều lần được khen trên báo rồi. Các kỳ thi giáo viên duyên dáng, thi về đạo đức đều được giải.
- Tại sao cả chị và anh Khoái đều nhờ một đầu mối là chị Hiền?
- Vâng. Hiền sinh năm 1973, còn trẻ, xinh xắn lắm, nhanh nhẹn, tháo vát, mới lên hiệu trưởng được mấy năm. Hiền cũng thật thà, chất phác. Mà có thật thì mới làm như thế. Ai lại đi ghi sổ như thế bao giờ. Rõ từng bác ra, rõ ông này gửi bà này, ông kia gửi bà kia. Khổ thế chứ.
- Chị Hiền có trong hội đồng thi không?
- Không. Hiền là giám thị chấm thi thôi. Các chị lấy tất cả hiệu trưởng các trường đi chấm thi. Các cô ấy phải chuyên môn tốt, khả năng, thành tích thấp nhất phải là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trở lên, giáo viên giỏi cấp thành phố.
- Chị có thấy áp lực khi tham gia tổ chức kỳ thi công chức?
- Mệt mỏi lắm. Tỉnh, huyện gọi điện về ầm ầm. Ông nọ, ông kia từ trên gọi điện xuống. Các trường, các nơi, các đầu mối đều gọi điện về nhờ. Áp lực lắm. Nhiều khi con em trực tiếp thì không phải.
- Chị có biết ai lấy được sổ ghi các trường hợp nhờ chị Hiền để sau đó tố cáo không?
Sổ thì tôi không nắm được. Chắc là thù vặt nhau nhưng họ cũng không nghĩ đến mức to như thế này đâu. Bọn nó cũng có ý thù vặt, tức nhau trong cơ quan nhưng không phải là trong cơ quan tôi.
Thực ra là bên Phòng Nội vụ kia. Bên tôi thì không có vấn đề gì đến mức anh em không hài lòng với nhau. Tôi không hằn thù ai mà người ta còn ơn mình nhiều.
- Chị có hỏi chị Hiền là đưa quyển sổ cho ai không?
- Nó không đưa cho ai cả. Nó bảo đi nộp bài thi thì bị rút trộm mất. Họ có ý đồ trước rồi. Chắc là quyển sổ tay nhỏ để trong túi đeo ở vai. Từ ngày đó, tôi cũng không gặp lại Hiền. Tôi rất buồn, trót nói nhờ cô ấy một câu rồi, bây giờ cô ấy nói ra thì nhận thôi.
Bao nhiêu năm công tác, huân, huy chương vì sự nghiệp giáo dục. Làm ở dưới xã thì phong trào lên ầm ầm. Hiện nay, công việc ở phòng tôi cũng tham gia tích cực, có trách nhiệm. Anh Khoái thì mới lên phó phòng từ 1.9.2012.
- Như vậy là mâu thuẫn tố cáo nhau ở chỗ khác?
- Chỗ khác “đánh” nhau mà chúng tôi ở giữa chết chẹt. Anh Ngọc Anh cũng vậy. Người ta không chủ định đánh anh Anh. Khổ cái là lần này ông Trần Trọng Dực (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy - PV) lại phát biểu câu nói ấy nên lại càng nặng nề.
- Lúc anh Nguyễn Đức Bình - Trưởng Phòng Nội vụ - bị luân chuyển xuống xã thì đã có dư luận tố cáo tiêu cực chưa?
- Thì đấy, có dư luận như vậy thì Bình mới phải chuyển đi. Chú Bình không phải là huyện ủy viên nên không do Thành ủy quản lý.
- Theo chị, hiện tượng như ở Ứng Hòa có phổ biến?
- Thông cảm cho tôi nói câu này. Kính thưa ông chưa bị lộ. Tôi nói thật đấy. Chúng tôi là làm không khéo mới dẫn đến như thế này. Nhiều nơi họ làm tinh vi, khôn ngoan.
Mà không chỉ riêng ngành giáo dục đâu, tất cả các ngành khác. Các cụ bảo rồi, 'vạch áo cho người xem lưng'. Bên trong đoàn kết, bảo nhau thì làm gì có việc gì. Đây là tai nạn nghề nghiệp.
Ông Đặng Văn Khoái:
“Tôi chưa hề biết mặt thí sinh”
Trao đổi với PV chiều qua, ông Đặng Văn Khoái - Phó phòng GDĐT huyện Ứng Hoà, người bị đề nghị kỷ luật do có liên quan đến việc vi phạm quy chế thi tuyển cán bộ công chức - khẳng định: Đã làm kiểm điểm và đã tự nhận hình thức kỷ luật. Ông Khoái cho hay, ông không tham gia ban chấm thi, không tham gia hội đồng thi.
- Ông đã nhờ cô Hiền giúp nâng điểm ra sao?
- Tôi đã vô tình gọi điện cho cô Hiền có một lần để nhờ thôi (bà Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Lỗ). Tôi chỉ nhờ cô Hiền là nếu như chấm phải thì xem hộ. Sau này, sếp nói là mình là người trong ngành mà lại làm như vậy là không nên. Thực ra, tôi cũng không biết cô ấy có chấm không và kết quả thì thí sinh đó bị trượt”.
- Thí sinh mà ông “nâng đỡ” tên là Trang và ông chỉ tình cờ biết qua một người bạn. Như vậy là ông đã giúp một người mà mình chưa hề quen biết sao?
- Thí sinh chưa qua lại nhà tôi lần nào, tôi chưa biết mặt cô thí sinh ấy ra sao. Lý do là có anh bạn tôi nhờ, nói rằng nếu anh biết thì anh xem hộ tình hình thế nào thôi. Tôi cảm thấy việc của mình như thế hơi nặng. Tôi bị lây.
Theo ông Khoái, ngay cả với cô giáo Hiền mà ông đã nhờ nâng đỡ thí sinh, ông cũng không biết nhà. “Về phía người chấm khai ra thế nào thì đó là việc của người ta, vì có thể họ bị áp lực này kia”- ông nói.
Nhiều nơi cũng thế chứ không riêng Ứng Hòa Ai càng làm to càng nhiều khuyết điểm. Chúng tôi có khi chỉ một người nhờ, các ông làm to hơn thì có khi 5-6 người nhờ. Các cụ dạy rồi 'một người làm quan, cả họ được nhờ'. Mà bây giờ hết con thì đến cháu, rồi đến anh em. Người ta nhờ thì làm thế nào. Bây giờ không may thì như thế, chứ có phải ở riêng Ứng Hòa đâu. Nhiều nơi cũng thế chứ không phải riêng Ứng Hòa”- bà Nguyễn Thị Sửu. |
Theo Laodong