Làm rõ quyền về đất đai trong Hiến pháp

Chủ nhật, 06/01/2013, 09:02
Các nội dung về đất đai luôn làm nóng diễn đàn QH. Tại phiên thảo luận sửa đổi Hiến pháp ở kỳ họp cuối năm vừa qua, có nhiều ý kiến góp ý về sở hữu đất đai.

Sở hữu toàn dân

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo (ĐB Hà Nội) tán thành quy định sở hữu đất đai tại dự thảo, theo đó khẳng định "đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật".

Ông Thảo đưa ra các lý do: Thứ nhất, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, Nhà nước thay mặt toàn dân quản lý và phân bổ đất đai, đảm bảo điều tiết quá trình phân phối địa tô công bằng, ngăn ngừa khả năng số ít chiếm dụng phần lớn địa tô, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận bình đẳng và trực tiếp với đất đai, xóa bỏ tình trạng dùng độc quyền sở hữu đất đai bóc lột người sử dụng đất.

luat dat dai

Ông Đinh Xuân Thảo: Sở hữu toàn dân có thể ngăn ngừa chiếm dụng địa tô. Ảnh: Minh Thăng

Thứ hai, ghi nhận thành quả cách mạng về đất đai của dân tộc ta, dù đất đai là tự nhiên, vốn đất đai quý báu ngày nay có được là do công sức, mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam.

Thứ ba, Việt Nam là nước nông nghiệp, khoảng 70% là nông dân, bình quân đất sản xuất thấp nhất thế giới. Do đó, đất đai là điều kiện vật chất đảm bảo việc làm, đời sống ổn định cho nông dân.

Thứ tư, nội hàm quyền sử dụng đất theo quy định hiện hành không hạn chế quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng đất, mà gần như quyền của một chủ sở hữu ở các nước có đa sở hữu về đất đai.

Thứ năm, quy định này giữ được ổn định quan hệ đất đai, ngăn ngừa xung đột, phức tạp về mặt xã hội, lịch sử có thể nảy sinh nếu thay đổi hình thức sở hữu đất đai.

Quy định đủ quyền của người sử dụng đất

Tuy vậy, nhiều ĐB thấy trong tình hình các quan hệ đất đai ngày càng trở nên phức tạp như hiện nay, Hiến pháp cần quy định cụ thể và rõ ràng hơn.

Điều 58 tại dự thảo hiện đang quy định: "Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn. Người sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích; được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ".

ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) thấy quy định "được chuyển quyền sử dụng đất" chưa bao hàm hết các quyền của người sử dụng đất như quyền thừa kế, tặng, cho, chuyển đổi quyền sử dụng đất... Ông Tiến đề nghị sửa thành "có các quyền sử dụng đất".

Về thu hồi đất, dự thảo hiện đang quy định: "Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội".

Nội dung "các dự án phát triển kinh tế - xã hội" mới được bổ sung để thống nhất với dự thảo sửa đổi luật Đất đai dự kiến được QH thông qua trước dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đề nghị "để vẹn toàn, đầy đủ ý nghĩa và dễ cho việc hướng dẫn sau này", nên thêm các khái niệm "trưng mua", "trưng dụng" bên cạnh khái niệm "thu hồi" đối với đất đai.

Theo Vietnamnet

Các tin cũ hơn