Lấy ý kiến người dân về dự luật Đất đai

Thứ bảy, 15/12/2012, 09:37
Chiều 14.12, Thường vụ Quốc hội (QH) thảo luận về dự luật Đất đai sửa đổi và thống nhất cần lấy ý kiến rộng rãi của người dân trước khi trình QH thông qua.

Theo Ủy ban (UB) Kinh tế QH, tiếp thu ý kiến đóng góp, ban soạn thảo đã chỉnh sửa, bổ sung theo hướng làm rõ hơn những bảo đảm của nhà nước đối với người sử dụng đất (SDĐ).

Trong đó có chính sách tạo điều kiện cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối không có đất sản xuất do quá trình chuyển đổi cơ cấu SDĐ và chuyển đổi cơ cấu kinh tế được đào tạo nghề, phát triển ngành nghề phù hợp.

Dự luật cũng bổ sung một mục riêng quy định về giám sát của QH, HĐND các cấp. Theo đó, QH thực hiện quyền giám sát tối cao đối với việc quản lý và sử dụng đất đai trong cả nước; HĐND các cấp thực hiện quyền giám sát việc quản lý và sử dụng đất đai trong địa phương mình…

 luat dat dai
Dự luật Đất đai sửa đổi sẽ được đưa ra lấy ý kiến người dân trước khi thông qua - Ảnh: Diệp Đức Minh

Trước đề nghị cần quy định cụ thể việc áp dụng phương pháp định giá đất đối với từng loại đất trong dự luật, UB Kinh tế lý giải: Để định giá đất phải áp dụng nhiều phương pháp khác nhau tùy theo loại đất, thông tin giá đất thị trường, thu nhập từ việc SDĐ. Vì vậy, dự thảo luật giao Chính phủ quy định cụ thể. 

 
 

Có ý kiến cho rằng, luật sửa đổi lần này phải có đột phá nhưng muốn làm như vậy thì phải thay đổi chủ sở hữu

 

Ông Nguyễn Minh Quang - Bộ trưởng Bộ TN-MT

 

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ băn khoăn xung quanh báo cáo tiếp thu giải trình của UB Kinh tế, Ban soạn thảo và đánh giá: “Dự luật còn thể hiện đơn giản lắm…

Những vấn đề lớn như đền bù thu hồi đất hay việc định giá ra sao? Quan điểm là không chia lại đất, vậy những người không có đất hoặc không dùng đến đất nữa thì giải quyết như thế nào? Những người mới sinh ra thì làm sao?".

Người đứng đầu QH lo ngại: Dự luật này mà thông qua tại kỳ họp tới còn hơi vội.

“Phải soạn thảo chi tiết như một bộ luật vì nhiều vấn đề trong đó đủ làm thành một luật riêng. Do chưa đủ kỹ, chưa đủ cơ sở để thông qua nên phải tổ chức lấy ý kiến của nhân dân”, ông nói.

Nhiều ý kiến của Thường vụ QH cũng nhất trí tổ chức lấy ý kiến người dân về dự luật này song hành cùng với với việc sửa đổi Hiến pháp, khoảng hai tháng từ khoảng tháng 2 - 4.2013.

Chủ tịch QH cho rằng: Sau khi tổng hợp ý kiến của nhân dân bằng nhiều kênh, nhiều hình thức khác nhau, Thường vụ QH tiếp tục thảo luận một phiên về dự luật trước khi trình QH vào kỳ họp tới. Tại đây, nếu dự luật thấy tốt và tán thành thì thông qua nhưng chưa tốt thì tiếp tục chuẩn bị để trình vào kỳ họp sau.

Ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng nếu nâng lên thành bộ luật thì khó cho Ban soạn thảo vì thời gian không cho phép; đồng thời bày tỏ mong muốn dự luật được thông qua vào ngay kỳ họp QH tới “vì nhân dân đang rất mong chờ”.

“Có ý kiến cho rằng, luật sửa đổi lần này phải có đột phá nhưng muốn làm như vậy thì phải thay đổi chủ sở hữu”, ông Quang nói.

Ông Quang cũng cho biết, trong quá trình xây dựng dự luật, ban soạn thảo cũng dự kiến sẽ soạn thảo khoảng 5 nghị định hướng dẫn thi hành luật để trình Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, Chủ tịch QH bày tỏ nghi ngờ về số nghị định này và cho rằng: với những gì dự luật thể hiện thì phải có khoảng 200 văn bản hướng dẫn thì mới thực thi được. Chính vì vậy, ông nhắc lại cần phải chỉnh lý lại dự luật một cách kỹ lưỡng hơn.

Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn