Bộ Công thương đề nghị: Loại tiếp 324 dự án thủy điện nhỏ

Thứ sáu, 14/12/2012, 17:07
Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng về kết quả rà soát quy hoạch và đầu tư xây dựng các thủy điện. Theo đó, đề nghị tiếp tục loại khỏi quy hoạch 324 dự án thủy điện nhỏ.
Dự án thủy điện
Đập thủy điện Đăk Mek 3 (Kon Tum) vỡ ngày 22-11 khi đang thi công lại một lần nữa báo động về chất lượng và hiệu quả của các công trình thủy điện nhỏ - Ảnh: Hữu Khá

Tại văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công thương khẳng định từ tháng 12/2009 đến nay, bộ đã phối hợp với UBND các tỉnh rà soát, đánh giá quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án thủy điện trên cả nước.

Các tỉnh đã thống nhất loại khỏi quy hoạch 117 dự án thủy điện, không xem xét bổ sung vào quy hoạch 156 vị trí đã xác định. Như vậy, so với kết quả rà soát quy hoạch đã được báo cáo hồi tháng 5/2012, Bộ Công thương cho biết các tỉnh đã thống nhất loại bỏ thêm 64 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất trên 226MW.

Chưa phải con số cuối cùng

Theo Bộ Công thương, ngoài số dự án đề nghị loại bỏ trên đây, cả nước vẫn còn tới 1.110 công trình, dự án thủy điện, trong đó 294 dự án đang nghiên cứu đầu tư và 360 dự án chưa có nhà đầu tư đăng ký hoặc chưa giao nghiên cứu đầu tư. Bộ Công thương công nhận hầu hết các dự án này đều có quy mô nhỏ, hiệu quả thấp, chưa thuận lợi về giao thông và đấu nối điện...

Vì vậy, chưa thỏa mãn với con số dự án được các tỉnh đồng tình loại thêm khỏi quy hoạch là 64, Bộ Công thương còn đề nghị Thủ tướng chỉ đạo loại bỏ thêm 260 dự án thủy điện nhỏ (với công suất 434MW) và ba vị trí tiềm năng (13,5MW), chủ yếu có công suất dưới 3MW, chưa có nhà đầu tư đăng ký từ khi phê duyệt quy hoạch hoặc đã nghiên cứu đầu tư nhưng hiệu quả thấp...

Về lý do đề nghị loại bỏ mạnh các dự án thủy điện nhỏ, một quan chức Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) cho biết không hẳn vì dư luận bức xúc xung quanh thủy điện Sông Tranh 2 và Đăk Mek 3... mà việc rà soát, loại khỏi quy hoạch vẫn luôn được xác định là việc làm thường xuyên.

Quan chức trên khẳng định con số 324 dự án bị đề nghị bổ sung vào danh sách loại khỏi quy hoạch vẫn chưa phải con số cuối cùng. Bộ Công thương sẽ tiếp tục rà soát, đề nghị loại bỏ thêm.

Thủy điện nhỏ không hiệu quả

Cũng tại văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công thương đã công nhận tính không hiệu quả của nhiều thủy điện nhỏ. Chẳng hạn, việc đầu tư khai thác các dự án thủy điện nhỏ, ngoài nguồn vốn của chủ đầu tư dự án cho xây dựng công trình, còn đòi hỏi nguồn vốn nhà nước để đầu tư xây dựng công trình lưới điện (đường dây và trạm biến áp) để thu gom và truyền tải công suất của các nhà máy này.

Trong khi đó, các dự án thủy điện nhỏ lại phân bố rải rác, chủ yếu thuộc các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, hạ tầng giao thông và lưới điện còn nhiều hạn chế; nhu cầu phụ tải tại chỗ thấp nên phải truyền tải điện năng đi xa, gây tổn thất lớn, làm giảm hiệu quả đầu tư.

Đặc biệt, Bộ Công thương cho rằng các thủy điện nhỏ thường có hồ chứa bé, khả năng điều tiết kém hoặc không có khả năng điều tiết nước.

Do hiện nay có nhiều dự án thủy điện nhỏ phải tạm dừng hoặc giãn tiến độ do khó khăn về nguồn vốn, tăng trưởng nhu cầu điện chỉ khoảng 10%/năm nên Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh tạm dừng cho đầu tư mới và chỉ xem xét cho phép đầu tư xây dựng thủy điện nhỏ từ sau năm 2015 đối với 102 dự án thủy điện nhỏ khác.

Trên 56% đập chưa kiểm định

Cũng liên quan đến vấn đề thủy điện, trong văn bản gửi các đại biểu Quốc hội và Văn phòng Chính phủ mới đây, Bộ Công thương tiết lộ còn một khó khăn khác với các thủy điện, đó là khó kiểm định đập.

Với các lo ngại về chất lượng đập thủy điện và yêu cầu cần kiểm định đập, Bộ Công thương cho biết đã ban hành chỉ thị về việc kiểm định an toàn đập thủy điện và quy định sẽ không huy động công suất của các nhà máy không kiểm định an toàn.

Tuy nhiên, kết quả Bộ Công thương cho biết tính đến tháng 10/2012, trong số 66 đập thủy điện đến kỳ kiểm định chỉ có 22 đập đã kiểm định xong, 7 đập đang kiểm định, 37 đập chưa kiểm định (chiếm 56%).

Đánh giá, Bộ Công thương cho rằng chế tài về kiểm định đập chưa đủ. Do chi phí kiểm định đập lớn (như thủy điện Tuyên Quang: 1,87 tỉ đồng, thủy điện Srepok 3: 1,5 tỉ đồng, các thủy điện nhỏ chi phí cũng khoảng vài trăm triệu đồng một đập) nên Bộ Công thương cho biết không ít chủ đập còn chần chừ, chưa thực hiện kiểm định đúng thời hạn.  

Khi cần không có điện, khi có không cần

Ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, cho rằng không chỉ cần rà soát, loại các thủy điện nhỏ có công suất dưới 3MW mà nên mở rộng rà soát cả các thủy điện nhỏ cỡ 5-7MW.

Thủy điện cỡ này nên thôi không cho làm, chỉ trừ những thủy điện nằm dưới bậc thang các thủy điện lớn đã được xây dựng hoặc có chỉ số hiệu quả rất cao.

Lý do, theo ông Ngãi, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) hiện nay cũng ít mua điện của các thủy điện này, bởi các thủy điện nhỏ hầu hết phụ thuộc lớn vào nguồn nước.

Trong khi đó vào mùa mưa, EVN đã có hàng loạt nhà máy thủy điện lớn. Nghĩa là lúc thủy điện nhỏ có thể phát thì thực tế nhu cầu từ hệ thống điện không đáng kể, còn khi mùa khô, hệ thống điện cần nguồn bổ sung thì các nhà máy thủy điện nhỏ lại không có khả năng phát điện do không có hồ chứa hoặc hồ chứa bé.

Theo ông Ngãi, chưa kể đến khả năng an toàn cho hạ du, làm thủy điện nhỏ còn gây hệ quả lớn về môi trường. Thủy điện nhỏ cũng có thể chiếm đến cả trăm hecta rừng, không chỉ khu vực làm thủy điện mà cả diện tích phải phá để làm đường.

 

Theo Tuoitre

Các tin cũ hơn