Đừng để tham nhũng làm xói mòn lòng tin của nhân dân

Thứ sáu, 14/12/2012, 16:53
Tình trạng người tham nhũng chạy chức, chạy quyền, lo giữ ghế để thu vén lợi riêng, thậm chí chấp nhận “hy sinh đời bố để củng cố đời con” nhưng không bị xử lý nghiêm đang làm giảm lòng tin của nhân dân vào công tác phòng, chống tham nhũng.

Vụ ông Dương Chí Dũng khi còn đương chức Chủ tịch HĐQT Vinalines mắc nhiều sai phạm nhưng vẫn được Bộ  GTVT rút về làm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam chưa kịp lắng xuống thì mới đây, dư luận lại không đồng tình với cách kỷ luật ông chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắc Lữ Ngọc Cư.

Tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa VIII nhiệm kỳ 2011-2016 vào ngày 11/12, các đại biểu thống nhất miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND và đại biểu HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa VIII đối với ông Lữ Ngọc Cư. Thực chất việc miễn nhiệm này là động tác sau cùng giúp vị lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk “hạ cánh an toàn” sau hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.

 Đắk Lắk
 Sau khi nhận kỷ luật cảnh cáo, ông Lữ Ngọc Cư, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk được điều động nhận nhiệm vụ tại Ban chỉ đạo Tây Nguyên

Những sai phạm của ông Lữ Ngọc Cư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm rõ, kết luận.

Đó là trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, ông Cư đã chủ trương cho Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Lộc Phát khảo sát lập dự án trồng cao su tại khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn; chủ trương giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý đô thị - Môi trường tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư nhiều dự án, trong đó có dự án nâng cấp, mở rộng đường Trần Quý Cáp, TP Buôn Ma Thuột sử dụng không đúng nguồn vốn đầu tư trái phiếu Chính phủ.

Ngoài ra, ông Cư còn thiếu gương mẫu trong việc đứng tên vay ngân hàng với số tiền lớn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; để vợ mua đi bán lại nhiều nhà đất, không báo cáo đầy đủ việc làm trên của vợ với tổ chức Đảng, vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm…

Điều đáng nói là mặc dù kết luận vi phạm của ông Cư là nghiêm trọng, gây thiệt hại về kinh tế và gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng và uy tín của cá nhân nhưng tại thông báo ngày 14/3 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Cư chỉ bị kỷ luật cảnh cáo.

Với mức kỷ luật này, gần 8 tháng sau, ngày 1/10/2012, ông Cư được điều động nhận công tác mới tại Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.

Đến ngày 24/10/2012, ông có đơn gửi HĐND tỉnh Đắk Lắk xin thôi giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh để nhận nhiệm vụ mới và như đã nói, ông được miễn nhiệm theo nguyện vọng.

Xem quá trình xử lý kỷ luật ông Cư, trong hơn 100 ý kiến  gửi về Báo NLĐ, hầu hết bạn đọc đều bày tỏ thái độ bất bình. Bạn đọc Phạm Khắc Khuyến nói: “Một chủ tịch tỉnh bị miễn nhiệm chức vụ chứng tỏ sai phạm không hề nhỏ thế mà lại được "đến nhận công tác tại Ban Chỉ đạo Tây Nguyên”.

Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số biện pháp cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay" chỉ rõ: Các cấp, bộ ngành, địa phương, mọi cơ quan, tổ chức người dân thực hiện, quyết tâm đẩy lùi quốc nạn tham nhũng.

Mục tiêu của nghị quyết cũng rất rõ ràng, đó là làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất “một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”.

Thế nhưng trên thực tế, trong một số vụ việc cụ thể, công tác phòng, chống tham nhũng, xử lý đảng viên, cán bộ vi phạm vẫn chưa thực sự quyết liệt, còn nể nang, bao che, dung túng.

Những trường hợp như ông Cư, ông Dũng, hay tình trạng người tham nhũng chạy chức, chạy quyền, lo giữ ghế để thu vén lợi riêng, thậm chí chấp nhận “hy sinh đời bố để củng cố đời con” nhưng không bị xử lý nghiêm đang làm giảm lòng tin của nhân dân vào công tác phòng, chống tham nhũng.

Phòng chống tham nhũng
Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội, cho rằng muốn phòng, chống tham nhũng phải xây dựng hệ thống kiểm soát quyền lực

Tham nhũng về bản chất là sự lạm dụng quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước nhằm tư lợi riêng.

Bất kỳ quốc gia, thể chế chính trị nào cũng bị tham nhũng hoành hành. Nhưng ở Việt Nam nói riêng, tham nhũng thời gian qua đã vượt ngưỡng phòng, chống  do chúng ta chưa xây dựng được hệ thống kiểm soát quyền lực, dùng sự nghiêm trị, thượng tôn pháp luật để khắc chế quyền lực. 

Vì lý do này mà theo bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, muốn phòng chống, triệu tiêu tham nhũng, phải xây dựng và vận dụng hiệu quả hệ thống kiểm soát quyền lực.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và cả Chính phủ đã nhìn nhận những hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng cũng như thấy rõ sự cấp thiết phải xây dựng hệ thống kiểm soát quyền lực để triệt tiêu tham nhũng.

Quốc hội vừa thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và giao Tổng Bí thư phụ trách Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng là cơ sở quan trọng để tiến tới thiết lập hệ thống kiểm soát quyền lực.

Đây cũng chính là một trong các nhóm giải pháp tổng thể để phòng chống tham nhũng, đặc biệt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4.

 

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn