LS Nguyễn Hồng Bách: Chạy chức quyền sinh ra tham nhũng!

Thứ năm, 13/12/2012, 08:23
"Hiện tượng chạy chức chạy quyền, chạy vị trí là một việc làm tiêu cực và là một nguyên nhân sinh ra nạn tham nhũng" - Luật sư Nguyễn Hồng Bách – chủ tịch Hội đồng thành viên công ty luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự cho biết.
 
luat su
Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực: “20-30% cán bộ hưởng lương không đáp ứng được nhiệm vụ” - Ảnh: TTO
 
PV: - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội vừa cho biết trong cuộc họp của HĐND TP vừa qua: Đầu mối chạy vào công chức các quận, huyện chính là trưởng phòng nội vụ của các quận huyện. Số tiền chạy vào không dưới 100 triệu đồng một suất. Thưa luật sư, kết quả thanh tra kiểm tra nêu hiện tượng chạy chức chạy quyền có số liệu được công bố như thế thì có được coi là chính xác? Và sẽ phải xử lý như thế nào?
 
LS Hồng Bách: - Trước tiên, chúng ta phải hiểu chức năng của Ủy ban kiểm tra Thành ủy là một cơ quan kiểm tra chuyên trách của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Điều lệ Đảng. Tham mưu giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy về công tác kiểm tra và thi hành kỷ luật trong Đảng. 
 
"Ông chủ nhiệm đã thẳng thắn nêu lên thực trạng chạy công chức, chứng tỏ ông ấy là một người thẳng thắn. Tôi tin tưởng có chuyện đó.
 
Theo tôi, nên tiến hành điều tra. Nhưng chắc chắn việc điều tra này sẽ khó khăn và phức tạp.
 
Bởi đây là một hiện tượng làm mục nát nền hành chính quốc gia, tạo ra một đội ngũ cán bộ công chức rất tồi nhưng nếu nói đến chứng cứ bảo người ta nộp ra thì rất khó và và việc này như một tình trạng xã hội chứ không phải là hành vi đơn lẻ.
 
Có lẽ sau này, trong bộ luật hình sự cũng phải quy định một tội đó là tội chạy chức, chạy quyền.
 
Rõ ràng ở đây có hành vi phạm tội và hành vi này không chỉ xâm phạm tài sản các cá nhân vì nó còn xâm phạm đến trật tự quản lý cán bộ công chức, làm yếu nền công vụ quốc gia, tạo nên một đội ngũ công chức ngu dốt". - ĐB Đỗ Văn Đương 
Trong quá trình kiểm tra, có thể ủy ban kiểm tra đã phát hiện ra dấu hiệu của sự vi phạm pháp luật, vi phạm điều lệ đảng trong việc thực thi công việc của một số cán bộ. Do đó, khi có cơ sở thì mới dám phát biểu. 
 
Thực trạng tham nhũng đang là một vấn nạn mà Đảng và nhà nước ta đang bài trừ, đấu tranh và tiêu diệt. Nó cũng là một hiện tượng tương biến trong thực tế hiện nay.
 
Hiện tượng chạy chức chạy quyền, chạy vị trí là một việc làm tiêu cực và là một nguyên nhân sinh ra nạn tham nhũng.
 
Bởi họ đã phải mất tiền chạy chức, chạy quyền khi muốn vị trí đó nên khi đạt được chức vụ, họ sẽ nghĩ cách để thu hồi lại số tiền đã mất, thế là họ nghĩ cách để hành dân, làm khó, bắt dân, doanh nghiệp phải nộp những khoản tiền phi lý thì mới xử lý công việc và đó là việc làm mà toàn dân phản đối.
 
Hậu quả của việc chạy chức, chạy quyền là người dân mất tiền, người vào chức vụ không có năng lực, không có chuyên môn, không có tài không có đức hoặc bị hạn chế dẫn đến không giải quyết được công việc. 
 
Còn số liệu mà ủy ban kiểm tra công bố thì tôi không thể nói là chính xác hay không chính xác bởi vì tôi không được kiểm chứng số liệu đó. 
 
Tuy nhiên, phát ngôn công khai từ chủ nhiệm ủy ban kiểm tra là đáng tin cậy và tôi tin rằng nếu không có căn cứ pháp lý thì ông chủ nhiệm sẽ không nói như thế.
 
Còn nếu đó là một thực tế và có căn cứ pháp lý thì tùy theo mức độ, tính chất có thể người mắc lỗi sẽ bị kỷ luật trong đảng hoặc cơ quan này sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra xử lý.
 
PV: - Nếu thông tin đó là có cơ sở, vậy các cơ quan chức năng sẽ phải vào cuộc như thế nào?
 
LS Hồng Bách: - Như tôi đã nói, nếu có căn cứ pháp lý và có dấu hiệu phạm tội hình sự thì Ủy ban kiểm tra sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ sang cho cơ quan công an. Cơ quan công an sẽ vào cuộc để xác minh, điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can nếu có căn cứ pháp lý để chứng minh hành vi vi phạm pháp luật hình sự của một ai đó. 
 
Trên thực tế thì giai đoạn vừa qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã có rất nhiều đoàn kiểm tra và phát hiện sai phạm, sau đó kiến nghị đề nghị cách chức đảng, chính quyền với người có sai phạm và đề nghị chuyển hồ sơ cho bộ công an điều tra.
 
PV: - Ông chủ nhiệm này khẳng định là trưởng phòng tổ chức là đầu mối vậy danh sách các trưởng phòng, chắc hẳn bên ủy ban kiểm tra đó đã có chứng cứ cụ thể. Vậy tiếp theo cần làm gì với danh sách này, thưa ông?
 
LS Hồng Bách: - Tôi thiết nghĩ ông Chủ nhiệm nói như vậy chắc chắn ông sẽ có những tài liệu chứng cứ và sẽ phải chịu trách nhiệm về lời nói của ông ấy.
 
Trong trường hợp này, người đứng đầu chính quyền, Đảng thành phố Hà Nội cần yêu cầu ông Chủ nhiệm ủy ban giải trình xem cụ thể những người trong danh sách chạy chức chạy quyền là ai, công tác ở địa phương nào, tên tuổi cụ thể, số lượng tiền? Và ai là người nhận, ai là người chạy? Từ đó mới có căn cứ để xem xét, kiểm tra, điều tra. Chúng ta cần loại trừ tình trạng này khỏi đời sống xã hội hiện nay.
 
Tôi cũng rất vui khi có được quan chức dám nói lên sự thật, đối mặt với tiêu cực và có thể nói nếu vụ án này được khởi tố, điều tra xử lý thì nó là một thành công trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng mà Đảng đang phát động. Vụ án đất đai ở Đồ Sơn cũng là một vụ án đáng nói từ tiếng nói của việc đấu tranh của người dân.
 
Tôi cũng cho rằng một người giữ chức vụ chủ nhiệm ủy ban kiểm tra sẽ không thể khinh xuất khi đưa ra phát ngôn mà lại không có căn cứ, chứng cứ. Còn nếu không có căn cứ, chứng cứ thì đương nhiên vị lãnh đạo này phải chịu trách nhiệm về thông tin mà mình đưa ra bởi thông tin này làm ảnh hưởng tới cả một hệ thống các cơ quan, quan chức đang làm việc hiện nay.
 
Hiện tượng này đáng mừng và tôi cũng hy vọng nó được nhân rộng để chúng ta loại khỏi bộ máy chính quyền những người bất tài, giúp cho chính quyền thành phố Hà Nội vững mạnh, xứng đáng là thủ đô của cả nước.
 
- Xin cảm ơn ông!
 
Theo Phunutoday

Các tin cũ hơn