Ghép gan khẩn cấp, cứu sống bé trai 5 tuổi

Thứ sáu, 14/12/2012, 22:14
Bị suy gan cấp, bệnh nhi Ngô Quang Đ (Từ Sơn, Bắc Ninh) được điều trị nội khoa, lọc máu, lọc gan nhân tạo nhưng tình trạng không tiến triển, nguy cơ tử vong cao. Các bác sĩ BV Nhi TƯ đã quyết định ghép gan cấp cứu để cứu sống bệnh nhân.

Bỗng dưng… suy gan

Người nhà bé Đ cho biết, từ khi sinh ra, bé Đ hoàn toàn khỏe mạnh, ăn uống tốt và thể trạng cũng rất tốt. Bé đang đi học mẫu giáo lớn ở trường, không có biểu hiện gì về vấn đề sức khỏe.

Tuy nhiên, đầu tháng 11, bé Đ. bỗng nhiên xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, vàng da vàng mắt tăng dần, nước tiểu sẫm màu, phân bạc màu. Sau 10 ngày tình trạng ngày càng nặng hơn, gia đình đã đưa đến BV tỉnh và được điều trị tại đây với chẩn đoán viêm gan cấp nhưng sau 4 ngày tình trạng vẫn không được cải thiện.
 
hon me
Bệnh nhi Ngô Quang Đ trong tình trạng hôn mê vì suy gan cấp. Ảnh: BS cung cấp

TS.BS Nguyễn Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi TƯ cho biết, bệnh nhân được chuyển đến BV Nhi TƯ trong tình trạng suy gan tối cấp chưa rõ nguyên nhân. Các chỉ số xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị hủy hoại tế bào gan mạnh. Theo đó, chỉ số đánh giá vàng da lên đến 208 (bình thường dưới 40), men gan tăng gấp 100 lần, lên tới 2008 (bình thường dưới 20).

Bệnh nhi ngay lập tức được điều trị theo phác đồ của viêm gan cấp nhưng không chuyển biến, bắt đầu xuất hiện dấu hiệu về thần kinh: la hét, mệt mỏi, lơ mơ và hôn mê. “Chúng tôi đánh giá bệnh nhân ở tình trạng hôn mê gan độ 2 - 3, chỉ số đánh giá hôn mê gan tăng lên đến 190 (bình thường khoảng 50)”, TS Điển nói.

Ghép gan cấp cứu

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV Nhi TƯ cho biết: “Trước tình trạng của bệnh nhân ngày càng tiến triển nặng, hủy hoại tế bào gan, chỉ số đông máu chỉ đạt 35% - rất thấp, gây nguy cơ chảy máu toàn thân (từ não, tim, phổi…) rất cao, đe dọa tính mạng người bệnh, chúng tôi đã tính đến phương án lọc máu nhân tạo cho bệnh nhân để chuẩn bị ghép gan cấp cứu”.

Sau khi được tiến hành lọc gan cấp cứu, các chỉ số đã tốt hơn bởi “Gan nhân tạo” thải hết chất độc ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Tuy nhiên phương pháp này chỉ có thể giúp ổn định tình trạng người bệnh, tạo điều kiện tái sinh gan trong thời gian nhất định nhưng không phải là phương pháp có thể cứu sống bệnh nhân bởi gan đã bị tổn thương, hủy hoại hoàn toàn.

Trong khi đó, chỉ số đông máu của bệnh nhi không được cải thiện. Trước lọc gan chỉ số này là 35% đã là rất thấp, nay chỉ giảm xuống còn 10%, nguy cơ chảy máu rất cao. Vì thế, các bác sĩ đã quyết định nhanh chóng tiến hành ghép gan cấp cứu cho người bệnh.

Sau khi thăm dò gan từ bố và mẹ bệnh nhân, gan của người mẹ hòa hợp và người mẹ đã đồng ý cho con một phần gan trái, ca ghép gan đã được thực hiện hôm 27/11.

Sau 11 tiếng đồng hồ tiến hành phẫu thuật ghép gan (từ 7h tối ngày 27/11 đến 8h sáng ngày 28/11), ca ghép gan đã hoàn thành. Sau 6 tiếng ghép gan, bệnh nhân đã tự thở được, được bỏ thở máy. Sau 5 ngày bệnh nhi đã tự ăn uống và được chuyển thuốc dùng đường uống, khối gan ghép có dấu hiệu hoạt động tốt. Và đến hôm nay, sau 15 ngày được ghép gan bệnh nhân đã hoàn toàn khỏe mạnh nhưng vẫn cần phải theo dõi trong phòng cách ly.
 
Bệnh nhi Ngô Quang Đ
Bệnh nhi khỏe khoắn, tự ngồi, tự ăn uống sau 15 ngày được ghép gan từ
người cho gan là mẹ đẻ. Ảnh: BS cung cấp

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết, ghép gan cấp cứu là giải pháp cuối cùng để cứu sống bệnh nhân suy gan cấp và tối cấp. Lọc gan nhân tạo là giải pháp tốt trong thời gian chờ đợi ghép gan. Các kỹ thuật ghép gan cấp cứu, lọc máu, lọc gan nhân tạo đều được thực hiện tốt tại BV Nhi TƯ.

Tuy nhiên, để thực hiện ghép gan cấp cứu còn nhiều khó khăn bởi ghép từ người sống cho bệnh nhân bình thường còn có thời gian chuẩn bị, còn với bệnh nhân suy gan cấp, phải hết sức khẩn trương. Thứ hai, gan người nhận đang ở tình trạng không còn hoạt động nữa nên khó khăn hơn rất nhiều so với ghép gan cho bệnh nhân suy gan mãn.

“Đáng mừng dù ghép gan là kỹ thuật cao, phức tạp nhưng Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật, không còn cần sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài nên chi phí ghép gan đã giảm xuống rất nhiều. Hiện còn ở mức 500 - 600 triệu đồng/ca ghép và bệnh nhân này được bệnh viện miễn phí.

Đây là ca ghép gan thứ 3 BV Nhi TƯ thực hiện thành công, Riêng với ca bệnh này, GS Liêm đánh giá thành công này là rất quan trọng. “Thành công này giúp mở ra hướng điều trị mới cho bệnh nhân suy gan, đưa ghép gan cấp cứu vào thường quy, như vậy, chắc chắn nhiều bệnh nhân suy gan cấp được cứu sống. Còn trước đây, hầu hết bệnh nhân suy gan cấp đều tử vong”, GS Liêm nói.

Theo Dantri

Các tin cũ hơn