Không riêng gì các khu TĐC thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) đang bị hư hỏng nặng do các trận động đất gây ra, hầu hết khu TĐC các dự án thủy điện khác trên địa bàn tỉnh đều không có nơi nào đạt tiêu chí “nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ”.
Vấn đề TĐC các dự án thủy điện được cử tri và đại biểu rất quan tâm trong kỳ họp lần thứ 6 NĐND tỉnh Quảng Nam khóa VIII |
Đối với vấn đề này, trong phiên chất vấn tại hội trường ngày 13/12, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam - ông Nguyễn Thanh Quang - thừa nhận hiện các khu TĐC của thủy điện đã xuống cấp nghiêm trọng.
Ông Quang cho rằng đây là việc của chủ đầu tư và chỉ có chủ đầu tư mới quyết định được, một mình Sở Nông nghiệp giải quyết vấn đề rất khó, vấn đề quan trọng là phải giải quyết TĐC bền vững cho người dân.
“Hiện các khu TĐC đang còn tồn tại một số vấn đề như đất sản xuất không có, các công trình như điện, nước, trường, trạm… đều bị hư hỏng và ngày càng xuống cấp; đời sống của người dân ngày càng khó khăn dẫn đến phá rừng làm nương rẫy… Đó là những tồn tại rất nan giải”, ông Quang phát biểu.
Nhận thấy được vấn đề đó, Sở NN&PTNT cũng dã có trách nhiệm cùng với chủ đầu tư và các cơ quan liên quan giải quyết đất sản xuất cho người dân dù người dân đã nhận tiền đền bù, tổ chức lồng ghép các chương trình sản xuất ở các khu TĐC, xây dựng một số mô hình sản xuất phù hợp.
Khu TĐC thủy điện Sông Tranh 2 tại xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My bỏ hoang |
Theo ông Phong, từ khi động đất xảy ra ở vùng thủy điện Sông Tranh 2, người dân không yên tâm làm ăn sinh sống khiến tình hình sản xuất của huyện bị đình trệ, vụ mùa gặp nhiều khó khăn. Dù chính quyền đã tập trung vận động an dân, nhưng động đất vẫn diễn biến phức tạp gây thiệt hại lớn, nên người dân vẫn bất an.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của động đất nên nhiều nhà đầu tư cũng lặng lẽ bỏ đi, không xin đầu tư vào huyện nữa. Điển hình là dự án xây dựng bến xe trung tâm huyện. Dù UBND huyện đã dành mọi cơ chế ưu đãi để thu hút doanh nghiệp nhưng dự án vẫn đang dang dở. Doanh nghiệp bỏ đi khỏi địa phương mà nguyên nhân chính cũng là do lo sợ động đất.
Nhiều ý kiến cử tri gửi đến kỳ họp đề nghị cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động của thủy điện sông Tranh 2, phòng và khắc phục thiệt hại do động đất gây ra.
Chủ tịch HĐND tỉnh - ông Nguyễn Văn Sỹ - cho biết, về vấn đề an sinh đối với đồng bào vùng động đất thủy điện Sông Tranh 2, HĐND tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi, thúc đẩy UBND tỉnh, các ngành trung ương xem xét biện pháp hỗ trợ để người dân ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất.
Bên dưới chân đập thủy điện là các dòng sông chết |
Cử tri huyện Đại Lộc đề nghị tỉnh chỉ đạo các nhà máy thủy điện trên địa bàn thực hiện việc xả nước hợp lý trong mùa mưa và mùa khô vì thực tế trong mấy năm qua, đến mùa lũ thì thủy điện xả lũ làm thiệt hại tài sản cũng như tính mạng của người dân, còn về mùa khô nông dân cần nước thì thủy điện lại không xả gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – ông Nguyễn Thanh Quang trả lời: Đến cuối năm 2012, trên bịa bàn tỉnh có 14 nhà máy thủy điện đưa vào hoạt động với tổng công suất 825MW; sức chứa khoảng 1,47 tỷ m3 nước.
Đến nay, có 14 hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt Quy trình vận hành (11 hồ chứa dung tích trên 1 triệu m3 do Bộ Công Thương phê duyệt và 3 hồ chứa dung tích dưới 1 triệu m3 do UBND tỉnh phê duyệt).
Có 3 nhà máy thủy điện (A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2) thực hiện vận hành theo Quy trình vận hành liên hồ chứa theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh đang kiến nghị Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy trình vận hành liên hồ chứa, bổ sung đầy đủ các thủy điện trên cùng lưu vực.
Việc xả nước trong mùa mưa phải tuân thủ theo Quy trình vận hành hồ chứa đã được duyệt. Theo đó, phải đảm bảo các yêu cầu: Đảm bảo an toàn công trình; góp phần giảm lũ cho hạ du; cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.
Trong thời gian qua, rút kinh nghiệm từ các thiếu sót trong việc thực hiện các Quy trình vận hành hồ chứa làm ảnh hưởng, gây thiệt hại do ngập lụt vùng hạ du (huyện Đại Lộc - hạ du thủy điện A Vương năm 2009), UBND tỉnh đã có những biện pháp xử lý và có những kiến nghị các Bộ, Ngành TW điều chỉnh tăng dung tích phòng lũ cho các hồ chứa; khắc phục tình trạng xả nước xuống hạ du khi lũ ở các vùng của hạ du đã đạt đỉnh.
Bộ Công Thương đã có Quyết định số 1997/QĐ-BCT ngày 19/4/2012 tăng dung tích phòng lũ cho hồ thủy điện A Vương bằng việc hạ thấp cao trình đón lũ từ 380m xuống 376m (tăng khoảng 40 triệu m3);
Về xả nước trong mùa khô, việc xả nước trong mùa khô thực hiện theo Nghị định 112/2008/NĐ-CP ngày 20/10/2008 của Chính phủ quy định dòng chảy tối thiểu, đáp ứng nhu cầu nước cho sinh hoạt, nông nghiệp, môi sinh, môi trường… cho vùng hạ du.
Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể để xác định dòng chảy tối thiểu, làm cơ sở xem xét quy hoạch, thiết kế, kiểm tra việc thực hiện dòng chảy tối thiểu của các nhà máy thủy điện đã đưa vào hoạt động; UBND tỉnh đã kiến nghị các Bộ, ngành TƯ sớm ban hành hướng dẫn về vấn đề này.
Trong khi chờ các văn bản hướng dẫn từ các Bộ, Ngành TƯ, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo kịp thời trong việc khắc phục tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn vùng hạ du trong mùa khô.
Cụ thể: UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì tổ chức họp bàn với 4 nhà máy thủy điện A Vương, Sông Tranh 2, Đăk Mi 4 và Sông Côn 2 thống nhất chế độ vận hành phù hợp với tình hình sản xuất nông nghiệp ở hạ du công trình nhằm đảm bảo đủ nước dùng cho sản xuất.
Theo Dantri