Khẳng định như thế, thì còn gì để bàn luận, để trao đổi? Nhưng nói đến Tết, "động chạm" đến Tết (Tết Âm lịch) là động đến một cái gì rất thiêng liêng từ trong sâu thẳm của mỗi người Việt Nam, là văn hóa đã tồn tại từ ngàn đời nay. Vì thế cần hết sức thận trọng, nếu không sẽ có thể kéo theo nhiều hệ lụy từ "phản ứng" của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, và của ngay những người đang sống.
Tết ta có từ bao giờ ?
Sự tích bánh chưng, bánh dầy từ thời Vua Hùng có thể là "mốc" của Tết người Việt? Và không chỉ người Việt (người Kinh) mà hầu hết các dân tộc cùng sinh sống trên dải đất hình chữ S đều chọn "ba ngày Tết" cho mình vào cùng thời điểm, ngày cuối cùng của lịch theo tuần trăng và mấy ngày tiếp sau.
Lịch sử dân tộc đã bao phen thăng trầm, chìm nổi, đã chứng kiến biết bao đổi thay của nhiều triều đại với không ít niềm kiêu hãnh, tự hào, và cũng không ít tủi hổ vì những đấng ngu quân. Đã có rất nhiều đổi thay khác trong đời sống văn hóa, tâm linh nhưng Tết thì vẫn như từ khi xuất hiện, và càng ngày càng phong phú hơn, hấp dẫn hơn.
Những năm tháng chiến tranh trong thế kỷ 20 vừa qua, đêm Giao thừa nơi chiến trường, nín thở đón đợi thơ chúc Tết của Bác Hồ và nghĩ về cha mẹ, ông bà, tổ tiên mới cảm nhận hết sự thiêng liêng của Tết, để rồi sau đó, không hề nghĩ tới bản thân, mà lao vào chiến đấu. Mới thấy sức mạnh tâm linh và tinh thần của Tết đến nhường nào.
Tết của nghĩa quân Vua Quang Trung hành quân thần tốc ra Bắc diệt 20 vạn quân xâm lược nhà Thanh cách nay hơn 200 năm. Tết Mậu thân 1968 "đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào" là minh chứng của sức mạnh của cả người đã sống, người đang sống, người đã khuất và người sẽ ra đời, sức mạnh của Hồn nước được kết tinh vào Tết để giành độc lập tự do, giành chiến thắng.
Sao phải thay Tết "ta" bằng Tết "tây"? Ảnh minh họa |
Ở những không gian khác, xa hơn, nơi đất khách quê người, những năm chiến tranh cũng như hòa bình, nhiều triệu người Việt xa Tổ quốc vì nhiều lí do khác nhau. Nhưng dù sống giữa văn minh nước người, với cuộc sống vật chất đầy đủ, với Noel, Tết "tây" huyền ảo, cả triệu người Việt vẫn đau đáu hướng về quê hương, tổ chức ăn Tết "ta" trong băng tuyết mà vẫn đầy đủ bánh chưng, bánh tét, hoa mai, hoa đào...
Trước bàn thờ tổ tiên xứ người vẫn thầm hứa một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, cầu mong cho nước nhà "dân giàu, nước mạnh"...
Tết đã nhiều thay đổi
Vậy thì làm sao có thể bỏ Tết "ta" được?
Bỏ Tết "ta", ăn Tết "tây" phải chăng chỉ là ý kiến nông nổi, hời hợt, hay đằng sau ẩn chứa điều gì?
Tết giờ đây không chỉ có ăn, chạy quanh chúc tụng, mà phong phú hơn trong không gian rộng hơn, ý nghĩa hơn. Vừa giữ được hồn cốt Tết của tổ tiên, vừa "thổi" luồng khí mới của thời đại. Không còn chỉ về nhà, về quê, bo bo nơi xó nhà, hay chạy quanh chúc tụng nhiều khi rất... vô duyên, mà như vừa tạm kể ra ở trên đủ thấy Tết bây giờ phong phú, đa dạng mà vẫn rất thiêng liêng. |
Từ mươi năm trở lại đây, kinh tế đất nước tăng trưởng, cơ cấu việc làm nhiều thay đổi, Nhà nước cho phép viên chức, công chức nghỉ Tết Dương lịch từ bốn đến năm ngày, Tết Âm lịch từ chín đến 10 ngày.
Với khoảng thời gian nghỉ khá dài người lao động đã có đủ điều kiện để sắp xếp việc đi lại hợp lí, nghỉ ngơi, thăm hỏi hợp lí. Nói chung dư luận hài lòng. Nhiều người còn cho là "hơi dài". Nghỉ nhiều ngày ở nhà lại cảm thấy hơi buồn (?)
Nhiều gia đình, không chỉ các gia đình thế hệ 7X, 8X mà nhiều thế hệ trước đã tổ chức ăn tết khá thú vị. Ngày 30, rồi mồng Một ở nhà làm các thủ tục với ông bà, tổ tiên. Mồng hai "xuất hành", du lịch những nơi chưa đến trên đất nước mình để con cháu "thêm yêu đất nước".
Một bộ phận gia đình có điều kiện hơn thì du lịch nước ngoài, để "xem thiên hạ người ta ăn tết thế nào". Sau tuần nghỉ Tết, mọi thành viên gia đình gắn kết với nhau hơn, và làm việc, học tập tốt hơn.
Như thế, Tết giờ đây không chỉ có ăn, chạy quanh chúc tụng, mà phong phú hơn trong không gian rộng hơn, ý nghĩa hơn. Vừa giữ được hồn cốt Tết của tổ tiên, vừa "thổi" luồng khí mới của thời đại.
Không còn chỉ về nhà, về quê, bo bo nơi xó nhà, hay chạy quanh chúc tụng nhiều khi rất... vô duyên, mà như vừa tạm kể ra ở trên đủ thấy Tết bây giờ phong phú, đa dạng mà vẫn rất thiêng liêng.
Vậy thì tại sao phải thay Tết "ta" bằng Tết "tây"? Tại sao phải thay cái đã có cả ngàn đời vốn quen thuộc, tốt đẹp bằng cái chưa thật quen và còn khá nhạt?
Mọi thay đổi, nên để từ thực tiễn lựa chọn.
Theo Vietnamnet