Trên những con phố Hà Nội chật chội, ngột ngạt vì kẹt xe, vỉa hè ngập tràn những quán vịt om sấu hay bún ốc, ít ai ngờ rằng thủ đô có những chốn “xứng danh kim tiền” đến vậy.
Ấn tượng đầu tiên về khách sạn Grand Plaza Hà Nội khánh thành mới đây trên đường Trần Duy Hưng, gần Trung tâm hội nghị quốc gia, là từ sảnh lớn cho tới nhà vệ sinh đều dát kim loại màu vàng. Khách sạn có 618 phòng khách cao cấp và phòng hạng sang cùng nhiều nhà hàng mang nhiều phong cách ẩm thực, phòng tiệc, hội nghị...
Có hai phòng tổng thống với giá cao ngất: phòng 325m2 giá 3.900 USD/đêm, còn phòng 410m2 giá 6.200 USD/đêm, tức hơn 125 triệu đồng. Kim loại màu vàng dát đầy trên các chi tiết trang trí trong phòng, theo như lời kể của ban quản lý khách sạn. Bước vào căn phòng này, sờ tay vào cái giường ngủ của “tổng thống”, ta có cảm giác như mình đang bước vào một bảo tàng kim hoàn.
Nếu đã ở phòng “tổng thống” thì sao không đi ăn tối theo kiểu “hoàng đế”, với một phòng ăn được gọi là phòng vàng tại nhà hàng Long Đình trên phố Quán Sứ? Nhà hàng này nhìn bên ngoài cũng khá bình thường, nhưng có thêm những phòng ăn đặc biệt gọi là phòng vàng, phòng bạc. Những ly tách muỗng nĩa trên bàn lấp lánh màu của kim tiền. Thực đơn của quán toàn những món với tên gọi hào nhoáng và tiền thì tất nhiên cũng... xả láng. Cô Phạm Thị Vân Anh, phụ trách PR của công ty sở hữu nhà hàng này, cho biết một bát xúp vi cá giá 72 USD, một bữa tiệc có giá ít nhất cũng 800 USD.
Cua hoàng đế nhập ngoại giá 10 triệu đồng/con, bán rất chạy ở Hà Nội |
Anh Việt, một doanh nhân Hà Nội từng mời bạn hàng Trung Quốc đến nhà hàng Long Đình, kể: “Người ta đến đây để hưởng cảm giác yến tiệc hơn là để ăn. Hôm đó năm người, tôi phải thanh toán hết gần 2.000 đô...” - anh cười. Cung cách phục vụ như thế nào là tùy theo ý muốn của khách, nhưng theo giới thiệu của nhà hàng thì khi ngồi ở phòng vàng, thực khách được phục vụ như “hoàng đế”.
Bát phở giá bằng cả tạ thóc
Bát phở bò Kobe có giá 650.000 đồng, bằng giá một tạ thóc nếu tính giá cao 6.500 đồng/kg. Nhưng “có người sáng nào cũng ăn, có người kéo cả gia đình ba bốn thế hệ đến thưởng thức, thanh toán tiền ăn sáng hết vài triệu đồng là chuyện bình thường” - ông Tô Lâm, tổng giám đốc khách sạn Vườn Thủ Đô kiêm ông chủ nhà hàng trong khuôn viên khách sạn, nơi duy nhất ở Hà Nội bán loại phở bò đắt khủng khiếp này, kể về khách hàng của mình. Bãi đỗ xe nhà hàng chật ních những loại xe sang trọng, đắt tiền như Porche, Lexus...
Có gì khác biệt giữa hai loại phở? Phở Sagagyu 650.000 đồng được đặt trong tô bằng sứ có mạ vàng với một cái muỗng cong, còn bát phở bò Mỹ 125.000 đồng đặt trong tô thường, muỗng thẳng. Cũng khác biệt so với phở thường nữa là ở chỗ nhân viên chỉ mang bát phở có nước dùng ra, phần thịt bò được thái mỏng bằng máy và bọc trong một đĩa riêng để khách hàng tự tay nhúng. Khi cho vào bát phở chỉ sau chốc lát thịt bò đã chuyển từ màu đỏ sang màu sẫm. Cho vào miệng nhai có cảm giác miếng thịt tan rất nhanh, mềm, đậm đà và thơm. Ngoài ra còn có loại phở Kobe giá 500.000 đồng chế biến từ thịt bò Kobe, hoặc “mềm” hơn là phở Wagyu với thịt bò Úc có giá 220.000 đồng.
Làm khách sạn hơn 20 năm, bán phở đã năm năm nhưng chỉ hơn một năm trở lại đây ông Lâm mới bán phở bò Kobe. Ban đầu ông chỉ có mong muốn đơn giản là mang đến cho khách hàng những món ăn truyền thống đậm đà hương vị xứ Bắc. Nhận thấy thị hiếu khách hàng đất Hà thành ngày càng cao, ông quyết làm một bước đột phá: bán loại phở bò thượng hạng. Không ngờ món phở bò “quý tộc” này lại thu hút nhiều khách hàng đến vậy.
Ông Tô Lâm cho biết mặc dù đắt đỏ là vậy, nhưng nhiều hôm cả ba nhà hàng của khách sạn phục vụ 150 suất ăn một lúc vẫn bị quá tải. Lượng khách thưởng thức món phở này khá phong phú nhưng theo lời ông Lâm, hầu hết là giới doanh nhân tiếp đối tác, bàn chuyện làm ăn. Khách cuối tuần thường là gia đình giàu có.
Đứng dậy cầm hóa đơn thanh toán, dù biết trước giá cả nhưng chúng tôi không khỏi “xót ruột” khi trả hơn 800.000 đồng cho hai bát phở bữa sáng. Chợt nghĩ tới hóa đơn thanh toán của những người kéo cả gia đình đến ăn sáng bằng phở bò Kobe. Giá tiền trả cho một bát phở Sagagyu có thể đủ cho một bữa tiệc 5-6 người với vịt om sấu và rượu vodka - món ăn thuộc loại thịnh hành nhất trên vỉa hè Hà Nội hiện nay.
Hà Nội còn rất nhiều thứ xa hoa khác đang phô diễn trên những “ngõ nhỏ, phố nhỏ”, từ những chiếc xe siêu sang cho đến những cửa hiệu thời trang dành cho người có thu nhập rất cao. Những thương hiệu thời trang danh tiếng nhất trên thế giới khi vào Việt Nam vẫn chọn Hà Nội là điểm đến đầu tiên. Chẳng hạn như nhãn hiệu Hermes tại Việt Nam hiện chỉ có ở Hà thành, trong một khách sạn nổi tiếng nhất tại trung tâm thành phố. Và bây giờ là khách sạn 6.200 USD/đêm, là bữa tiệc vàng...
Còn bò Kobe hay Sagagyu? Vấn đề khiến người ta ngỡ ngàng không phải ở chỗ nó là món thịt đắt nhất vì chúng vẫn được bán nhiều trong các nhà hàng khác ở Việt Nam đấy thôi, mà là chuyện nó nằm trong một tô phở - món ăn vẫn bán đầy vỉa hè ngoài kia. Chẳng đâu xa, chỉ cần bước ra khỏi Vườn Thủ Đô mấy trăm mét, ta gặp ngay một cái bàn ven đường dưới tấm vải bạt, nơi những sinh viên, công nhân đang xì xụp những tô phở 15.000-20.000 đồng nghi ngút khói. Có cầu ắt có cung.
Không ngăn nổi hàng xa xỉ chảy về Việt Nam
Nhằm kiểm soát nhóm hàng cần hạn chế NK, Bộ Công Thương đã sử dụng nhiều biện pháp để khống chế, nhất là những mặt hàng xa xỉ như điện thoại đắt tiền, ôtô, rượu, mỹ phẩm… Tuy nhiên, bất chấp các quy định này, hàng xa xỉ vẫn “tuồn” về Việt Nam.
Các siêu xe nhập khẩu vẫn bán chạy. Ảnh: Hải quan |
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 15 ngày đầu tháng 11, NK của cả nước đạt 4,99 tỷ USD, đưa kim ngạch NK từ đầu năm đến ngày 15-11 đạt 98,72 tỷ USD, trong đó DN FDI NK tới 52,037 tỷ USD. Cụ thể số liệu NK từng mặt hàng như sau: Điện thoại các loại và linh kiện là 4,2 tỷ USD; ô tô nguyên chiếc 22.958 chiếc, trị giá 516,8 triệu USD; xe máy nguyên chiếc 33.331 chiếc trị giá gần 62 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện lên tới 11,332 tỷ USD.
Đặc biệt, hai thị trường Việt Nam NK với khối lượng lớn là Trung Quốc và Hàn Quốc. Ở thị trường Trung Quốc, trong 10 tháng, riêng điện thoại các loại và linh kiện NK gần 2,7 tỷ USD, ô tô nguyên chiếc các loại là 3.328 chiếc tương đương 123,4 triệu USD, xe máy nguyên chiếc là 4.210 chiếc bằng 2,375 triệu USD, ô tô nguyên chiếc các loại là 8.600 chiếc tương đương 117, 8 triệu USD. Ở thị trường Hàn Quốc, NK máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện lên tới 2,665 tỷ USD, điện thoại các loại và linh kiện là hơn 1 tỷ USD.
Như vậy, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, sức mua trên thị trường sụt giảm nhưng nhiều người vẫn chạy theo trào lưu mua sắm hàng xa xỉ. Nguyên nhân xuất phát từ tâm lý “sính ngoại” của một bộ phận người tiêu dùng có thu nhập khá. Theo quy luật, có cầu ắt có cung. Các loại hàng hóa đắt tiền có mặt trên thị trường cho thấy bức tranh sinh động về sự xài sang, chạy đua theo công nghệ, tiêu dùng lãng phí của một bộ phận người tiêu dùng.
Lệch cán cân thương mại
Việc NK hàng xa xỉ đã tác động trực tiếp đến cán cân thương mại của cả nước, làm cho nhập siêu tăng lên.
Theo ông Phạm Tất Thắng, cố vấn cấp cao Bộ Công Thương, trong khi sản xuất trong nước đình trệ thì tiêu dùng mặt hàng xa xỉ tăng lên. Như vậy, việc phát triển tiêu dùng hay nói cách khác là “cầu” không tạo ra kích thích sản xuất trong nước mà lại kích thích NK những mặt hàng có giá trị cao về phục vụ nhu cầu người tiêu dùng có thu nhập khá. Bởi vậy, dù không nên cấm sử dụng hàng xa xỉ nhưng vẫn cần có biện pháp ngăn chặn, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam triền miên trong thế nhập siêu.
Theo TTCT/Haiquan