Sản xuất đình trệ, hàng xa xỉ vẫn ùn ùn vào Việt Nam

Thứ sáu, 05/10/2012, 08:08
9 tháng đầu năm 2012, chỉ riêng nhập khẩu điện thoại di động, chúng ta đã chi tới 3,85 tỷ USD. Điều này thật nghịch lý trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, sản xuất đình trệ.

>> 3 ngày bán iPhone gấp 2 lần 9 tháng xuất khẩu gạo!
>> Tỷ phú lừng danh Malaysia: "Việt Nam nên đánh thuế hàng xa xỉ, ôtô ngoại đến 500%"
>> 9 tháng, bội chi ngân sách hơn 122 nghìn tỷ đồng
>> Tái xuất 16 xe Lexus nhập khẩu trái quy định

Hàng sang đe dọa cán cân thương mại

Theo số liệu công bố của Bộ Công Thương, nhìn vào bức tranh nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2012, tổng giá trị nhập khẩu đạt 78,58 tỷ USD. Đáng chú ý, tổng giá trị nhập khẩu chỉ riêng mặt hàng điện thoại di động đã tới mức báo động khi đạt mức 3,85 tỷ USD.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang đầy rẫy khó khăn, doanh nghiệp kiệt quệ, người tiêu dùng ngày càng suy giảm sức mua, thông tin này gây nhiều “phản cảm”.

Bóc tách cụ thể hơn, Việt Nam đã tích cực nhập khẩu nhiều hơn từ thị trường châu Mỹ với tỷ lệ tăng lên 354% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó chủ yếu là sản phẩm điện tử và linh kiện. Nhập siêu hàng xa xỉ chính xác đe dọa tới cán cân thương mại trong bối cảnh ADB vừa đưa ra dự báo tỷ lệ dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ tương đương 2,5 tháng nhập khẩu.



Iphone5, mặt hàng xa xỉ đang gây cơn sốt trên thị trường Việt Nam.
 

Hiện nay, Bộ Công Thương phân chia hàng hóa nhập khẩu gồm 3 nhóm, trong đó hàng xa xỉ thuộc nhóm hạn chế nhập khẩu. Danh mục nhóm hàng này bao gồm: Rượu bia, ô tô, nguyên phụ liệu thuốc lá, mỹ phẩm, điện thoại di động loại đắt tiền…

Trước tình hình nhập hàng xa xỉ tăng cao, Chính phủ buộc phải đưa ra quy định dừng mua sắm ô tô công có nguồn gốc nhập khẩu, rồi từ 1.9 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông còn ra công lệnh cấm nhập khẩu điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay, máy in, máy ảnh, camera truyền hình, camera kỹ thuật số… đã qua sử dụng.

Chủ trương này khép chặt đầu vào hàng xa xỉ, nhưng trớ trêu thay, không nhập đồ cũ thì Việt Nam lại nhập hẳn hàng mới...

TS Nguyễn Quang A tại một Hội thảo Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam mới đây đã nói: “Tôi vào cửa hàng để mua điện thoại nhưng rất ít sản phẩm của Việt Nam. Hay các bạn có thể đi sang bất kỳ cửa hàng nào khác đều thấy tất cả các sản phẩm điện thoại phần lớn có nguồn gốc xuất xứ ngoại nhập, mà cụ thể là Trung Quốc”.

Hơn 3,8 tỷ USD chỉ để nhập hàng xa xỉ điện thoại vẫn chỉ là con số nhập khẩu chính ngạch, chưa nói đến hàng qua con đường tiểu ngạch, hàng xách tay.

Cảnh báo mua sắm theo trào lưu

Có sự đối nghịch khi niềm tin của người tiêu dùng vào hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đã tăng lên (77% số người khi được hỏi đã yêu thích hàng Việt) nhưng bên cạnh đó tư tưởng “sính” dùng hàng nước ngoài một cách thái quá vẫn còn tồn tại.

Cũng có lý do nhiều hàng hóa sản xuất trong nước chưa đủ sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu và “sính” dùng hàng ngoại chủ yếu là nhóm người tiêu dùng có khả năng chi trả lớn.

TS Nguyễn Ngọc Bảo - thành viên Ngân hàng Nhà nước VN nói: Điểm đáng lưu ý nhu cầu tiêu dùng hàng xa xỉ, chủ yếu là hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam khá lớn so với trình độ phát triển kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: “Có cầu thì ắt có cung. Nếu cấm hẳn nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ thì rất dễ bị quy vào việc vi phạm cam kết WTO. Việc áp dụng mức thuế cao với các mặt hàng xa xỉ cũng chỉ hạn chế được một phần nhu cầu của những người có tiền, còn gốc rễ là phải nâng chất lượng của hàng hóa trong nước”.

Cho tới nay, nhập khẩu hàng tiêu dùng được khống chế ở mức dưới 8% giá trị nhập khẩu hàng hóa là nhờ sử dụng các biện pháp can thiệp chính sách. Điều này có nghĩa là trong trường hợp không kiểm soát quyết liệt hoặc dư địa can thiệp bị thu hẹp, thì đây là bộ phận gây áp lực gia tăng nhập siêu. Nhập khẩu điện thoại di động và những hàng không thiết yếu khác là những ví dụ rõ nét.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: Thu nhập cao để dùng hàng hiệu thì không đáng nói. Nhưng việc hàng năm phải bỏ hàng triệu mỹ kim nhập đồng hồ, điện thoại hạng sang nhập rõ ràng cần phải cảnh báo. Nhập khẩu nói chung và nhập khẩu hàng xa xỉ nói riêng dĩ nhiên cần phải có nguồn vốn ngoại tệ.

Trong khi nền kinh tế đang gồng mình chống đỡ với khó khăn, doanh nghiệp thiếu vốn mà “ngoại tệ” vẫn chảy vào điện thoại là điều cần xem xét lại.


Theo Dân Việt

 

Các tin cũ hơn