3 ngày bán iPhone gấp 2 lần 9 tháng xuất khẩu gạo!

Thứ tư, 03/10/2012, 15:50
Chỉ trong 3 ngày ra mắt, trị giá iPhone 5 bán ra đã gấp 2 lần tổng kim ngạch hàng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 9 tháng – một phép so sánh thực sự ám ảnh.
5 triệu Iphone 5 > 9 tháng xuất khẩu gạo!
 
“Bán gạo mua iPhone” – tựa bài của trang điện tử Vef.vn vừa qua thực sự ám ảnh người đọc. Theo câu chuyện của Vef, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang khó khăn, sức mua giảm sút thì hiện tượng iPhone5 bị cháy hàng và chỉ sau 3 ngày đầu tiên xuất hiện mẫu smartphone này đã bán được hơn 5 triệu theo công bố của hãng Apple hôm 24/9 quả là chuyện khó tin.

Bởi nếu quy đổi từ giá bán 1 chiếc iPhone5 tại Việt Nam hiện nay khoảng xấp xỉ 25 triệu VND/chiếc (tương đương 1.100 USD) thì 5 triệu chiếc iPhone5 có giá trị hơn 5 tỷ USD.

 
Trong khi, theo số liệu của cơ quan thống kê, trong tháng 9/2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 9,7 tỷ USD, tính chung 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 83,789 tỷ USD. So với gạo – mặt hàng xuất khẩu Việt Nam đang đứng thứ 2 thế giới - thì 9 tháng chỉ xuất khẩu được có 2,87 tỷ USD, tức chỉ hơn 50% so với giá trị của số Iphone5 bán ra trong 3 ngày”.
 
Doanh số iPhone5 được cho sẽ mang lại gần 1 đơn vị phần trăm cho GDP Hoa Kỳ

Có lẽ, cần phải nói thêm cho rõ là, iPhone 5 mới chính thức cập bến 9 quốc gia đầu tiên vào ngày 21/9, là: Mĩ, Úc, Canada, Pháp, Đức, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore và Vương quốc Anh. Như vậy, con số 5 triệu chiếc có thể nói chỉ mới là  sự khởi đẩu của một cuộc bùng nổ.
 
Đối với Việt Nam, dù các nhà mạng chưa chính thức phân phối iPhone5 song chiếc điện thoại “quả táo” cũng đã kịp có mặt trên hầu khắp các kệ hàng di động trên cả nước và thực sự gây sốt đối với giới mê công nghệ.
 
Tại cuộc họp đầu tháng 10, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, điện thoại di động nằm trong nhóm các mặt hàng cần hạn chế nhập khẩu song tổng số kim ngạch nhập khẩu của mặt hàng này trong 9 tháng cũng đạt 3,85 tỷ USD.
 
Cán cân thương mại cân bằng?
 
Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hoá 9 tháng ước đạt 83,75 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 43,8 tỷ USD, tăng 24,8% chiếm tỷ trọng 52,3% tổng KNNK cả nước; kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 39,8 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 47,7% tổng KNNK cả nước, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2011.
 
Bộ này cho rằng, cán cân thương mại đã cân bằng, do hai yếu tố, xuất khẩu tăng trưởng cao và nhập khẩu tăng trưởng ở tỷ lệ thấp hơn.

“Việc chúng ta giảm nhập siêu không có gì bất thường vì kim ngạch nhập khẩu vẫn tăng 6,6% - thấp hơn so với cùng kỳ năm trước” – đại diện Bộ này lý giải. Theo vị này, là vì các biện pháp quản lý nhập khẩu của nhóm hàng tiêu dùng của chúng ta đã phát huy tác dụng trong khi nhập khẩu nguyên nhiên liệu đầu vào vẫn tăng trưởng 10,2%.

 
Chỉ duy nhất có điều cần lưu ý – đại diện Bộ Công thương nói - trong tỷ lệ nhập khẩu khối DN có vốn đầu tư nước ngoài, tỷ trọng nhập khẩu tăng 24,8%. Trong khi khối DN 100% vốn trong nước, tỷ trọng nhập khẩu giảm 8,2%, phản ánh phần nào cho thấy các DN 100% vốn trong nước đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. 
 
Cần một tư duy khác
 
Rõ ràng, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mặc dù đã có xu hướng giảm dần trong mấy tháng gần đây, nhưng tính đến 1/9 chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến vẫn tăng 20,4% so với cùng thời điểm năm trước.

Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao như: sản xuất sản phẩm từ plastic tăng 50,6%; xi măng tăng 50,2%; sắt, thép, gang tăng 40,6%; thuốc lá tăng 40,3%; may trang phục 39,4%; mô tô, xe máy 37,8%; thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản 34,7%; phân bón và hợp chất ni tơ 30,9%; pin và ắc qui 27,5%; xe có động cơ 26,6%; chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản 25,7%; bia tăng 15,3%...

 
Trong bối cảnh như vậy, nhưng có lẽ cũng không nên “đố kỵ” với câu chuyện thành công của chiếc điện thoại “quả táo”. Ngược lại, sự khác biệt quá lớn trong mối quan hệ quá ư tương phản này nên được các nhà doanh nghiệp trong nước coi như một lời nhắc nhở về giá trị của sự đột phá tư duy, giá trị của chất xám và hàm lượng công nghệ trong sản phẩm.
 

Theo PLVN

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích