Người Việt sang Tây làm 'nô lệ xưởng đen'

Thứ tư, 03/10/2012, 13:58
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội mua bán người đối với vụ việc một số đối tượng trong và ngoài nước cấu kết đưa người lao động sang Liên bang Nga, sau đó cưỡng ép bóc lột sức lao động.

>> Hàng trăm người bị lừa xuất khẩu lao động 
>> Cảnh giác hiện tượng lừa đảo xuất khẩu lao động sang Bồ Đào Nha


Đây là điều tất yếu đối với những chiếc vòi bạch tuộc đã nhiều năm tàn nhẫn bóc lột người lao động thông qua những địa ngục trần gian mang biệt danh "xưởng đen", cái tên kinh hoàng đối với bất kỳ ai đã từng một lần trong đời bị giam cầm tại đó…

“Xưởng đen” và “xưởng trắng”

Theo điều tra riêng của PV Chuyên đề ANTG, những công xưởng may mặc chuyên bóc lột sức lao động mà người Việt làm chủ hoặc người Nga làm chủ do người Việt đứng sau giật dây là một sản phẩm khá đặc thù trên đất Nga, đặc biệt là trên địa bàn Moskva.

Đó là một câu chuyện dài, liên quan đến ngành hàng may mặc do người Việt đứng đầu đã bùng nổ trên đất Nga từ thời Liên Xô cũ. Đây là một hệ thống khép kín, từ tuyển người, nhập vải, gia công sản xuất rồi kinh doanh tại các chợ đầu mối do các "tướng" (những người có số vốn tầm vài triệu USD, chưa đến tầm "soái") tại Nga thao túng.

Từ những năm 90, thế kỷ trước, nguồn hàng quần áo có quy mô lớn mà người Việt đánh sang Nga vẫn chủ yếu tập trung từ 2 nguồn: đồ thể thao của Hàn Quốc sang Nga theo đường biển và đồ Trung Quốc.




Công nhân sống trong điều kiện chật chội và bị giám sát nghiêm ngặt tại những
"công xưởng" tồi tàn. Ảnh: BBC.

Trước đó, lượng hàng người Việt đưa sang rất nhỏ, chủ yếu là hàng áo gió xách tay bằng đường hàng không và "con lợn" đi theo đường biển. Khi nguồn hàng từ Trung Quốc thống trị, nhiều người Việt đã sang ở hẳn tại các nhà máy Trung Quốc để đặt hàng đánh về Nga để bán ở chợ.

Nhưng một thời gian sau, cách đánh hàng này đã bộc lộ nhược điểm: vòng quay tiền rất lớn vì hàng phải đặt trước cả mùa, chưa kể hàng nhỡ không bán chạy là "chết há mồm".

Chính vì vậy, các chủ kinh doanh người Việt đã cắt ngắn vòng quay tiền bằng cách có những chủ chỉ nhập vải về bán cho các xưởng may.

Vào đầu vụ quần áo, các chủ xưởng sẽ chủ động sản xuất tại chỗ. Không rõ thời điểm chính xác, nhưng khoảng 5-7 năm gần đây, hình thức kinh doanh sản xuất kiểu này nở rộ, kiếm ăn được. Mỗi một xưởng có khoảng 200 công nhân mỗi năm sinh ra lợi nhuận ngót nghét khoảng 1 triệu USD.

Tính trung bình, mỗi tháng một công nhân có thể đem lại lợi nhuận cho chủ xưởng khoảng 3.000 USD. Tất nhiên, để tối đa hóa lợi nhuận, những công nhân này sẽ bị vắt kiệt sức với cường độ làm việc có thể lên tới 14 tiếng/ngày. Vì đường đi của thị trường như vậy nên đã nảy sinh ra 2 loại xưởng sản xuất: "xưởng trắng" và "xưởng đen".

"Xưởng trắng" là những chủ xưởng đưa lao động Việt Nam sang Nga, có đóng tiền "khẩu" (công nhân được phép ở lại Liên bang Nga lao động hợp pháp, có giấy khám sức khỏe), đăng ký đầy đủ với cơ quan nhà nước, đáp ứng mọi yêu cầu về mặt bằng sản xuất, điều kiện an toàn lao động, môi trường, phòng chống cháy nổ, bản quyền mẫu mã sản phẩm...

Trung bình, chi phí tiền "khẩu" cho mỗi lao động ở Nga là khoảng 1.000 USD-1.200 USD/năm. Với những xưởng may mặc quy mô từ 200 công nhân trở lên, mỗi năm, các chủ "xưởng trắng" phải bỏ ra một phí không hề nhỏ.

Rất hiếm "tướng" Việt đầu tư bài bản một hệ thống "xưởng trắng" như thế này vì thủ tục khó khăn, lãi không cao, trái với tư duy "đánh nhanh thắng nhanh" của họ.

Nhưng cũng có những chủ xưởng chỉ biết tối đa hóa lợi nhuận, không quan tâm tới "khẩu" của công nhân, đã hình thành nên một hệ thống "xưởng đen", nói trắng ra là xưởng may bất hợp pháp.

Những "xưởng đen" này được hình thành theo quan điểm thu lợi nhuận tối đa với mức đầu tư tối thiểu, từ máy móc cho đến điều kiện sinh hoạt của người lao động. Cũng vì "xưởng đen" thường bị các cơ quan chức năng Nga "đập" nên thông thường các ông bà chủ chấp nhận bỏ xưởng luôn nếu cần.

 



Da của các công nhân nữ bị nổi mẩn do điều kiện vệ sinh tồi tệ và thiếu nước tắm. Ảnh: BBC.
 

Những ông bà chủ "xưởng đen" thường đưa công nhân sang bằng giấy tờ du lịch, chỉ có giá trị lưu trú trong thời hạn từ 30-50 ngày, rồi biến họ thành các lao động bất hợp pháp.

K., một ông chủ "xưởng đen" đã giải nghệ do liên tục bị cảnh sát "đập" cho biết, các chủ "xưởng đen" ở Moskva đều thuê xưởng quanh khu vực ngoại ô để tiện phục vụ cho thị trường rộng lớn này, cách thủ đô khoảng 100-200km.

Địa điểm các ông chủ lựa chọn thường là các "ca-khốtx", là các nông trang tập thể ngày xưa đã bị giải tán. Những địa điểm hoang vu là nơi lý tưởng bởi luôn luôn biệt lập trong rừng. Những nhà máy cũ cũng là địa điểm được săn tìm bởi sự hiu quạnh của chúng.

Ăn theo sự phát đạt của hệ thống "xưởng đen" là cả một chuỗi dịch vụ hỗ trợ. Có những người chuyên đi thuê lại các nhà máy cũ hoặc công xưởng bỏ hoang, sửa sang lại rồi cho các chủ "xưởng đen" thuê.

Có thêm cả những đường dây tỏa về các địa phương ở Việt Nam để thuyết phục người lao động sang Nga làm việc, thậm chí là lừa họ sang Nga làm việc với mức lương hấp dẫn và chế độ đãi ngộ tốt… để cung cấp cho các "xưởng đen".

Trong "địa ngục xưởng đen"

Chị Nguyễn Duy Thanh Nhân, trú tại quận Bình Tân, Tp HCM, một lao động Việt Nam được đưa sang Nga lao động chui tại Công ty Vinastar, kể lại với các điều tra viên: khi sang đến nơi, họ bị thu hết hộ chiếu, trở thành lao động chui, bị nhốt trong công ty vì nếu ra ngoài sẽ bị cảnh sát bắt giữ ngay vì không có giấy tờ tùy thân.

Hàng ngày, họ bị bóc lột lao động từ 12 đến 18 tiếng đồng hồ dưới sự giám sát chặt chẽ của bảo vệ. Có những hôm mất điện, người lao động muốn đi ra ngoài vệ sinh cũng phải có bảo vệ đi kèm. Ai bỏ trốn bị bắt lại sẽ bị đánh.

Chị Kim Tài, quê ở Khánh Hòa cho biết, tất cả đều bị bệnh da liễu do điều kiện sinh hoạt quá tồi tàn, không có nước tắm rửa, giặt giũ. Mỗi tuần, mỗi người lao động chỉ được nhận 1 bình khoảng 9 lít nước để sinh hoạt.

Chị Kim Loan ở Phú Yên cho biết, mức lương do Vinastar trả là 500 USD/tháng nhưng tiền ăn bị trừ lên tới 4,5 triệu đồng/tháng, và chỉ có bữa sáng và bữa tối với thịt gà và rau bắp cải úa vàng. Đói quá, mọi người mua thêm mỳ tôm thì bị ép mua với giá 500.000đ/thùng.

Theo lời K., đã từng là chủ "xưởng đen", khi người lao động do các chân rết ở Việt Nam đưa sang, các chủ xưởng ngay lập tức thu giấy tờ và nhốt trong xưởng. Lý do tránh công nhân lang thang ra ngoài bị cảnh sát kiểm tra giấy tờ là một chuyện, cái chính là tránh công nhân bị xưởng khác hốt mất.

Thông thường các hệ thống "xưởng đen" phải chi một khoản không nhỏ trả cho các đường dây đưa người trái phép sang Nga, nên để hạn chế tối đa việc công nhân nhảy xưởng, cả "xưởng đen" biến thành một trại tù đúng nghĩa.

Nếu xưởng nằm trong các tòa nhà cũ gần khu dân cư, ông bà chủ sẽ khóa trái cửa xưởng gần như 24/24 chỉ trừ những lúc bảo vệ đưa cơm hoặc hàng hóa vào, cửa sổ cũng sẽ bị bịt kín tránh người khác nhòm ngó.

Cũng chính vì lý do này nên khi hỏa hoạn xảy ra tại xưởng may trong tòa nhà 16 phố Công xã Paris ở thành phố Yegorevsk, 14 người Việt đã thiệt mạng do không thể thoát ra ngoài vì cửa xưởng đã bị khóa chặt.

 



Đón 81 lao động từ Vinastar trở về Việt Nam.
 

Cảnh sát miêu tả khu nhà xưởng này như một mê cung, với hàng chục người chen chúc nhau trong một căn phòng với kích thước bằng một phòng đơn khách sạn. Mỗi công nhân ở trong một khoang nhỏ.

"Điều kiện sống rất tồi tệ. Chật chội, không đủ điều kiện vệ sinh, dây điện lằng nhằng, giường ngủ tự chế. Không tưởng tượng được người ta sống trong cảnh thế này", một quan chức Cục Di trú Nga bình luận.

Triệt phá đường dây lừa người vào "xưởng đen"

Ngày 3/5/2012, thông qua Công ty TNHH XNK Thanh Hiền, chị Nguyễn Duy Thanh Nhân, trú tạị phường Bùi Tự Toàn, quận Bình Tân, Tp HCM, đã nộp 12 triệu đồng để được xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Liên bang Nga.

Theo hợp đồng ký tại Việt Nam giữa chị Nhân với Công ty Vinastar có địa chỉ tại Moskva, chị Nhân sẽ được làm nghề may, mức lương trung bình 700 USD/tháng, thời hạn lao động 3 năm. Phía Công ty Vinastar sẽ lo ăn ở và chịu trách nhiệm lo kinh phí, thủ tục để người lao động sang Nga làm việc, người lao động hưởng chế độ theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật Nga.

Nhưng khi lên máy bay, chị Nhân mới biết visa xuất cảnh của chị sang Nga là loại visa thăm thân, chỉ có thời hạn 48 ngày. Sang đến Liên bang Nga, các đối tượng đã thu hộ chiếu và yêu cầu chị Nhân ký lại hợp đồng lao động với nội dung không giống với hợp đồng đã ký tại Việt Nam.

Không ép buộc được chị Nhân ký lại hợp đồng, Công ty Vinastar quay sang bắt chị hoàn lại số tiền chi phí sang Nga là 2.500 USD và tiền vé máy bay về nước. Chị Nhân phản đối và yêu cầu Công ty Vinastar phải đưa chị về nước vô điều kiện vì chính công ty không thực hiện đúng hợp đồng.

Trước sự quyết liệt của chị Nhân và sự ủng hộ của những lao động khác, Vinastar đã phải làm thủ tục đưa chị về nước.

Về đến Việt Nam, chị Nhân đã đem đơn kêu cứu của 105 lao động đang làm việc tại Công ty Vinastar ở Liên bang Nga tới các cơ quan chức năng yêu cầu giải cứu người lao động, đồng thời gửi đơn lên Bộ Công an tố cáo hành vi của một số tổ chức, cá nhân trong nước đã môi giới, tuyển dụng đưa người sang Liên bang Nga cho Công ty Vinastar bóc lột sức lao động.

Sau khi nhận đơn, từ ngày 11/8 tới nay, C45 Bộ Công an đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan chức năng tại Liên bang Nga đưa được 81 lao động trở về nước. Ngay sau khi về đến Việt Nam, các lao động đã tới C45 để tố cáo.

Căn cứ vào lời khai của 81 lao động, Cơ quan điều tra đã xác định họ sang làm việc cho Công ty Vinastar và Garion Open tại Moskva. Từ năm 2010, Công ty Vinastar đã tuyển hơn 100 lao động từ Việt Nam sang, trong đó chỉ có 45 người có danh sách đăng ký tại Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Qua điều tra sơ bộ, Cơ quan điều tra xác định được 3 đối tượng trú tại Việt Nam, đã có hành vi đứng ra tuyển dụng và tổ chức cho nhiều người xuất cảnh sang lao động tại Công ty Vinastar. Các đối tượng này sử dụng bản hợp đồng ký sẵn của Vinastar để lừa các lao động trong nước có nhu cầu đi XKLĐ và yêu cầu họ phải đóng số tiền đặt cọc từ 10-15 triệu đồng/người.

Tuy nhiên, các trường hợp mà 3 đối tượng này đưa sang Liên bang Nga làm việc đều không có thị thực nhập cảnh thuộc diện lao động vào Nga. Trong danh sách người lao động do doanh nghiệp XKLĐ đưa đi làm việc tại Công ty Vinastar cũng không có tên những người thuộc diện 3 đối tượng này đưa sang.

Trong số 81 lao động làm việc trở về, có 10 lao động được đưa sang làm việc tại Công ty Garizon Open. Công ty này có đến 2 địa chỉ trên cùng một phố tại Moskva nhưng không đúng như địa chỉ trong hợp đồng với người lao động. Hiện Cơ quan điều tra cũng đã phát hiện một số đối tượng có hành vi môi giới, tổ chức cho các lao động Việt Nam sang làm việc bất hợp pháp tại Công ty Garizon Open.

Các đối tượng môi giới đều đã thừa nhận có nhận tiền đặt cọc của người lao động, gọi là tiền "thu lời bất chính", sau đó tổ chức đưa họ sang lao động bất hợp pháp ở Liên bang Nga. Sau khi đưa người lao động ra nước ngoài, các đối tượng đã bỏ mặc người lao động bị cưỡng ép làm việc.

Đại tá Phạm Văn Sỹ, Trưởng Phòng 6- C45, khuyến cáo người lao động cần cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo XKLĐ. Các công ty ở nước ngoài thường sử dụng các hợp đồng mẫu đã ký sẵn với nội dung hấp dẫn để cho các cò mồi dựa vào đó tuyển dụng, lừa đảo người lao động. Vì vậy, người lao động có nhu cầu XKLĐ tuyệt đối không đi qua môi giới của các cò.

Các công ty có chức năng XKLĐ phải quan tâm, có trách nhiệm đối với người lao động đi XKLĐ qua công ty mình suốt giai đoạn từ khi họ sang làm việc đến khi chấm dứt hợp đồng. Các công ty phải tuyệt đối tránh tình trạng thu tiền môi giới rồi bỏ mặc lao động. Đề nghị ai còn là bị hại của các công ty trên liên hệ với Phòng 6, Cục C45, số điện thoại: 06944037, E-mail: chongbuonnguoi@gmail.com


 

Theo CAND

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích