Công ty bầu Đức yêu cầu S&P rút công bố xếp hạng tín nhiệm

Thứ ba, 02/10/2012, 15:02
Ngày 1/10/2012, cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P đã công bố xếp hạng tín nhiệm tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ở mức B- với triển vọng tiêu cực. Tuy nhiên sau đó theo yêu cầu từ phía Hoàng Anh Gia Lai, báo cáo xếp hạng này đã bị rút lại.
Bản tin trên website của S&P khẳng định: “Chúng tôi đã rút lại kết quả xếp hạng theo yêu cầu của Hoàng Anh Gia Lai”. Trước đó kết quả phân tích của S&P cho thấy mức tín nhiệm nợ dài hạn tại thời điểm ngày 1/10 của tập đoàn này ở mức B- với triển vọng tiêu cực. Cùng lúc đó xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu cấp cao không đảm bảo, đáo hạn năm 2016 của HAGL cũng được chấm B-.
 

Dù đã rút lại kết quả xếp hạng những S&P vẫn giữ quan điểm của mình về tình hình tài chính của HAGL. “Tại thời điểm rút lại kết quả, mức xếp hạng tín nhiệm của HAGL phản ánh quan điểm của chúng tôi về tình hình thanh khoản yếu của công ty cùng các rủi ro ở mức cao đi kèm với việc thực hiện kế hoạch mở rộng mạnh mẽ và dòng tiền dễ biến động”, bản báo cáo viết.
 
“Cấu trúc chi phí của HAGL đối với các dự án bất động sản và thương hiệu được nhiều người biết đến tại Việt Nam đã giúp hạn chế bớt những điểm yếu này”, nhà phân tích Wee Khim Loy của S&P viết. Theo các tiêu chí của cơ quan xếp hạng này thì các hoạt động kinh doanh của HAGL là “dễ bị tổn thương” còn tình hình tài chính thì “sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao”. 
 

S&P cho rằng HAGL còn khó khăn trong 12 tháng tới
 
S&P cho rằng môi trường kinh doanh đầy thách thức trong vòng 6 – 12 tháng tới sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của HAGL và gia tăng áp lực đối với dòng tiền của doanh nghiệp này. Trong nửa đầu năm 2012, lợi nhuận hoạt động của HAGL giảm mạnh xuống còn 258,3 tỷ đồng so với mức 1706 tỷ đồng của cả năm 2011. 
 
“Chúng tôi nhận định doanh số kinh doanh bất động sản sẽ ở mức thấp trong cả năm 2012 do sự biến động của đồng VND, lãi suất khá cao và sự thận trọng của người mua bất động sản”, bản báo cáo viết. 
 
Trong khi đó doanh thu của HAGL từ việc bán điện tại các dự án thủy điện được đánh giá là sẽ chỉ “bù đắp một cách khiên tốn” sự sụt giảm mạnh doanh thu của lĩnh vực bất động sản trong phần còn lại của năm 2012. Theo số liệu của S&P, nửa đầu năm 2012, doanh thu từ việc bán căn hộ của HAGL đã giảm xuống chỉ còn 598 tỷ đồng so với mức 1766 tỷ đồng của cả năm 2011. 
 
“Chúng tôi cũng không hy vọng các mỏ quặng sắt của công ty này có thể tạo ra dòng tiền đáng kể trong vòng 6 tháng tới”, S&P nhận xét. “Chúng tôi ước tính chi phí vốn của HAGL trong năm 2012 sẽ ở mức 4600 tỷ đồng. 
 
Công ty đã phát sinh chi phí khoảng 3600 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2012. Chúng tôi cho rằng các chi phí còn lại đối với các nhà máy thủy điện, khai thác mỏ và đồn điền cao su có thể bị hoãn lại nếu tình hình thanh khoản của HAGL vẫn ở mức yếu”. 
 
Và cơ quan này ước tính rằng nguồn tiền mặt của HAGL trong năm 2012 sẽ thấp hơn nhu cầu của công ty này do kế hoạch mở rộng mạnh mẽ đầu tư vào các dự án đồn điền cao su, nhà máy thủy điện và quặng sắt.
 
S&P cũng khẳng định đánh giá về thanh khoản của HAGL đã tính đến việc doanh nghiệp này tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các ngân hàng trong việc tái tục các khoản vay ngắn hạn cũng như khả năng tiếp cận tốt đối với thị trường vốn trong nước. Ước tính 80% các khoản nợ ngắn hạn của HAGL có liên quan đến các dự án đồn điền cao su, nhà máy thủy điện và quặng sắt, là những lĩnh vực chính phủ khuyến khích, không giống như bất động sản. 
 
Đối với quyết định đặt triển vọng của HAGL ở mức tiêu cực S&P cho biết: “Triển vọng tiêu cực của chúng tôi đối với HAGL trước khi được rút lại phản ánh quan điểm của chúng tôi rằng thanh khoản của công ty sẽ còn yếu trong vòng 12 tháng tới”, bà Loy nói. 
 
Đánh giá này dựa trên nhận định của S&P rằng doanh thu từ việc bán căn hộ của HAGL tiếp tục “trì trệ” trong vòng 12 tháng tới. Ngoài ra công ty này hiện có mức chi phí lớn. Hãng xếp hạng tín nhiệm của Mỹ này cho rằng HAGL có thể cải thiện thanh khoản thông qua việc bán bớt tài sản.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn