3 rào cản của SHB khi tiếp quản Bình An

Thứ ba, 02/10/2012, 09:58
Bình An khó được trả chậm, nhân viên có thể ăn chia với nông dân, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong ngành, là thách thức với các ông chủ mới.
Cuối tháng 10 tới, đại hội cổ đông với những ông chủ mới của Công ty cổ phần thủy sản Bình An dự kiến được tổ chức nhằm thông qua những kế hoạch có tính chất sống còn đối với doanh nghiệp này. Tuy nhiên, để vực dậy một gã khổng lồ bách bệnh, cổ đông lớn nhất của Bình An là Ngân hàng thương mại cô phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) đang đứng trước nhiều thách thức không dễ vượt qua.
 
SHB là cổ đông lớn nhất của Bình An với tỷ lệ sở hữu 50% cổ phần. Cuối tháng 8 và tháng 9, ngân hàng này đã “bơm” tiền hỗ trợ Bình An trả nợ nông dân.

Theo như chia sẻ của một người trong cuộc, thì những chủ nợ có số tiền dưới 1 tỷ đồng đã được thanh toán hết, những chủ nợ lớn hơn đang được chi trả đúng như những gì SHB đã hứa. Những ngày này, tại Cần Thơ, nơi Bình An đặt trụ sở chính, người dân không còn đi đòi nợ Bình An, mọi chuyện đang được SHB ổn định theo lộ trình đã vạch ra.

 
Tuy nhiên, đó là bề mặt, ẩn sâu dưới vẻ ngoài bình yên ấy là những chuyến đi lại như con thoi và những ngày làm việc căng thẳng, kéo dài của một loạt cán bộ SHB được “bầu” Hiển (Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB) tung vào trận.

Vực dậy Bình An sẽ là trận chiến khốc liệt, đã có những cán bộ nữ của SHB bật khóc khi nhận nhiệm vụ biệt phái vào Cần Thơ để tham gia tái cấu trúc Bình An. Họ phải xa gia đình, chồng con, song dưới tài khích tướng, dùng quân của bầu Hiển, họ đã ra trận chiến.

 
Để đưa Bình An trở lại thời hoàng kim là một quá trình không đơn giản.

Đề án tái cấu trúc Bình An đang được xây dựng, trong đó phải giải quyết 3 bài toán lớn gồm: tái cấu trúc bộ máy, tái cấu trúc tài chính của công ty và đưa ra được mô hình hoạt động hiệu quả, tối ưu nhất.
 
Bình An đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng đầu tư cho vùng nuôi thuỷ sản, xây dựng hệ thống thiết bị nhà xưởng, dây chuyền máy móc hiện đại. Riêng Viện Nghiên cứu thủy sản Bình An đã ngốn tới 200 tỷ đồng. Công ty còn đầu tư kho lạnh công suất 10.000 tấn và cả Nhà máy sản xuất nước uống colagen Bình An.

Đề án tái cấu trúc phải chỉ ra được trong chuỗi vô vàn hạng mục đó, Bình An sẽ tuân theo chuỗi sản xuất nào, mỗi mảng hoạt động được đầu tư như thế nào và chiếm tỷ trọng bao nhiêu, có vai trò ra sao trong chuỗi hoạt động của cả hệ thống.

 
Đến nay, sản phẩm của Bình An đã xuất khẩu vào 80 nước, trong đó có những thị trường hết sức khắt khe như: Mỹ, Nhật Bản, EU. Bình An là một trong rất ít doanh nghiệp thủy sản có giấy phép xuất khẩu vào Mỹ với thuế suất bằng 0%. Nay tiếng xấu của Bình An lan xa, đầu ra cho các sản phẩm cũng là bài toán phải có phương án giải cụ thể.
 
Theo yêu cầu của bầu Hiển, trong những ngày đầu tháng 10 tới, nhóm biệt phái của SHB bao gồm nhiều chuyên gia, cán bộ giỏi phải đưa ra được bản đề án đầu tiên cho Bình An.
 
Một cán bộ tham gia tái cấu trúc Bình An cho biết, sự sụp đổ của đại gia thủy sản này không khó để nhận ra nguyên nhân.

Đó chính là sự yếu kém về quản trị và bộ máy điều hành. Nhìn lại sổ sách của doanh nghiệp mới thấy, Bình An đã đầu tư và chi tiền không có kế hoạch rõ ràng, dòng tiền do đó không được lập kế hoạch và sử dụng theo đúng kế hoạch. Chi phí vốn tăng cao, đầu vào không ổn định và không được kiểm soát tốt, đầu tư quá dàn trải đã kéo theo khoản nợ 1.300 tỷ đồng và nguy cơ phá sản của Bình An.

 
SHB vào cuộc và theo một thỏa thuận đã đạt được, các chủ nợ là các ngân hàng, tổ chức kinh tế đồng ý khoanh nợ, giảm lãi, miễn lãi đối với các khoản nợ của Bình An trong khoảng thời gian 3 năm, nhằm sớm đưa công ty đi vào hoạt động ổn định.

Đối với một số chủ nợ lớn như BIDV, VDB, DATC có thể sẽ chuyển nợ thành vốn góp khi Bình An tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm 2013, Bình An sẽ hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại.

 
Yếu tố con người là một trong những điểm yếu nhất dẫn đến sự sụp đổ của Bình An, liệu SHB có thay toàn bộ bộ máy cũ và thiết lập bộ máy mới? Câu trả lời là khó. SHB khó có thể xử sự như vậy, bởi đây là một lĩnh vực đặc thù, cần kinh nghiệm và cả cái tâm.
 
“Anh Hiển, anh Lê (bầu Hiển và ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB) thường xuyên trực tiếp ngồi nghe người cũ nói, chia sẻ những gì họ sẽ làm được nếu ở lại gắn bó với công ty”, một cán bộ SHB kể. Từ động thái này có thể thấy, phát huy những nhân tố cũ, bổ sung nhân tố mới có lẽ là cách xử sự sẽ được SHB lựa chọn.
 
Tuy nhiên, để đưa một thương hiệu đỉnh cao nhưng bên bờ phá sản trở lại những ngày tươi sáng khó hơn rất nhiều việc thành lập và vận hành một doanh nghiệp mới. Tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn trong ngành thủy sản chỉ ra 3 rào cản lớn mà SHB không dễ vượt qua.
 
Quan trọng nhất là vốn. Do đã mất niềm tin với nông dân và đối tác, nên Bình An khó có thể áp dụng chế độ trả chậm như trước kia. Người nông dân sẽ không cho bán thiếu, mà yêu cầu trả đủ mới được mua cá. Điều này làm chi phí vốn của Bình An tăng vọt, đáng ngại hơn là rất khó kiểm soát được chất lượng nguyên liệu. Nếu trước kia, Bình An có thể mua, đánh giá chất lượng cá rồi mới trả tiền, thì nay phải trả tiền trước rồi mới được bắt cá.
 
Quản lý nguồn nhân lực cũng là vấn đề nan giải. Trong ngành thủy sản, cán bộ quản lý đóng vai trò quan trọng, nhưng nếu thiếu những “bức tường lửa” hoặc quy trình kiểm soát chéo, tiêu cực rất dễ nảy sinh. Ăn “kênh” là căn bệnh phổ biến, theo đó nhân viên thu mua, cán bộ kho, quản lý hàng vào… sẽ “ăn dơ” với nông dân, cấu kết với nhau tăng lượng hàng thu mua, tăng phẩm cấp nguyên liệu so với thực tế để chia nhau chênh lệch.

Do đây là lĩnh vực rất khó kiểm soát, đánh giá chất lượng nguyên liệu khó có thể cân đong đo đếm bằng các thông số cụ thể, nên doanh nghiệp dễ bị “móc” tiền.

 
“Công ty thường xuyên kiểm tra chéo, áp dụng đủ cách kiểm tra mà vẫn chịu một khoản thiệt hại buộc phải chấp nhận. Nếu quản lý không chặt, đây sẽ là một lỗ hổng làm phát sinh chi phí rất lớn”, tổng giám đốc doanh nghiệp nêu trên chia sẻ. Với bộ máy quản lý mới chưa am hiểu nhiều trong ngành, cán bộ quản lý cấp trung còn lạ lẫm với ông chủ mới, SHB sẽ làm gì để Bình An hạn chế tối đa tiêu cực phát sinh?
 
Dẫu vậy, thách thức lớn nhất sẽ là sự cạnh tranh không lành mạnh đang diễn ra giữa các doanh nghiệp xuất khẩu cá basa. Bình An đã từng có nhiều khách hàng và nhiều thị trường lớn, tuy nhiên hiện giờ đó là con số 0. Kéo khách hàng cũ trở lại sau một loạt tai tiếng là điều không đơn giản, thậm chí khó hơn rất nhiều việc chào mới.
 
Trong khi đó, đối thủ của Bình An lại rất nhiều và đang chạy đua về giá. Cuộc đua tiêu cực về giá đã đẩy sản phẩm cá phi lê da trơn của Việt Nam rớt giá kỷ lục từ mức 10 USD/kg xuống 3-4 USD/kg.

Hơn 200 nhà máy, trong đó có nhiều doanh nghiệp bán hàng bằng mọi cách đã làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam. Cuộc đua về giá khiến cho không ít doanh nghiệp thay vì lãi đã trở thành lỗ. Cạnh tranh với nhóm doanh nghiệp tự phát như vậy sẽ rất khó khăn với Bình An.

 
Nhìn sâu hơn một chút, Bình An là ván bài lớn của bầu Hiển, chứ không đơn thuần là cuộc chơi buộc phải đón nhận khi sáp nhập Habubank vào SHB và xử lý các khoản nợ xấu của Habubank. Tham gia điều hành để nối lại hoạt động sản xuất-xuất khẩu, đưa Bình An trở lại đường đua và hoạt động hiệu quả là tham vọng lớn của SHB, song bên cạnh đó còn nhiều cái đích nữa.

Chưa tái cấu trúc thành công doanh nghiệp này, thương hiệu SHB tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, một thị trường không kém phần chiến lược của ngân hàng đã nổi như cồn. Ngoài việc đây là ngành đầu tư bền vững gắn với thế mạnh về nguồn lực của Việt Nam và là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thì đưa Bình An trở lại có ý nghĩa xã hội rất lớn lao.

Tuy nhiên, một mũi tên đã được SHB bắn đi, liệu nó có tới đích? Thời gian sẽ trả lời, song quả ngọt không dễ hái, bầu Hiển dày dạn trên thương trường cũng không là ngoại lệ.


Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn