Tháng 10: Thị trường chứng khoán đầy nhạy cảm

Thứ hai, 01/10/2012, 11:31
Thị trường chứng khoán trải qua Tháng 8 và Tháng 9 đầy biến động của đa phần là tin xấu, nhất là sự kiện tại ACB và kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Trong những cơn biến động này, nhà đầu tư “nhanh chân thoát hàng” là người ít chịu thiệt thòi nhất.
Thực tiễn này đẩy tâm lý nhà đầu tư vào tình trạng “thường trực sẵn sàng, nhạy cảm với thông tin và hành động ngay”. Vì thế, thị trường chứng khoán sẽ bước vào Tháng 10 đầy nhạy cảm.
 
Đáy của chỉ số
 
Thị trường nhạy cảm đầu tiên với hiện trạng “đáy của chỉ số”. Hiện nay, chỉ số HNX đã quanh 55 điểm, đáy của lịch sử và cũng là điểm đáy của đầu năm.
 
Những nhà đầu tư lạc quan và “tham khảo lịch sử” sẽ nhận định đây là thời cơ “bắt đáy” nhằm hưởng lợi “một khúc sâu” như đã diễn ra vào cuối quý 1, đầu quý 2 của năm nay. Khi ấy, nhà đầu tư đã thắng lớn khi chỉ số lên đến 91 điểm. “Xuống sâu thì tức phải lên” là chân lý mà mọi nhà đầu tư đều công nhận.
 
Nhưng nhà đầu tư bi quan, theo trường phái “ảnh hưởng từ hiện thực” đã chưa chấp nhận “vào hàng” lúc này vì cho rằng thực tế kinh doanh hiện nay của doanh nghiệp niêm yết “tệ hơn nhiều” so thời điểm đáy của đầu năm. Và liệu có “thế lực mạnh” nào sẽ “đổ tiền” vào thị trường lúc này để làm chuyển biến tình hình?

Bức tranh “đổ tiền vào thị trường” để gom hàng giá rẻ, thâu tóm doanh nghiệp, ngân hàng và đẩy thị trường lên cao của đầu năm đã và đang rõ dần. Sẽ khó thuyết phục những nhà đầu tư hoài nghi khi cho rằng một thế lực mạnh khác sẽ lại “đổ tiền vào thị trường” như đã diễn ra vào giao điểm xuân-hè đầu năm.

 

“Chim sợ cành cong”
 
Thị trường cũng nhạy cảm với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết như “con chim sợ cành cong” sau kết quả kinh doanh bán niên 2012 được công bố. Ở đó, lấy HNX làm điển hình, đã có đến 50 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chuyển từ lãi trước kia sang lỗ hiện nay, rơi vào diện “không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ”.
 
Tháng 10, khi kết quả kinh doanh quý 3 được công bố, nhà đầu tư bi quan cho rằng, về tổng thể, sẽ “tệ hơn” vì sản xuất kinh doanh vẫn đình đốn và mỗi một quý trôi qua, tình hình không chuyển biến tốt lên thì ắt phải xấu thêm vì phát sinh mới chi phí trả lãi vay và những chi phí quản lý khác. Kinh doanh như “đi ngược dòng nước, không tiến ắt phải lùi”.
 
Nhà đầu tư lạc quan thì cho rằng trên sàn có đến 700 doanh nghiệp niêm yết, bên cạnh nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh xấu đi, thậm chí đang mờ dần sự hiện diện thì vẫn còn đó hàng loạt đơn vị vẫn đầy triển vọng với thị giá cổ phiếu rẻ và hấp dẫn như chưa bao giờ có vì “thị giá chạy xuống theo xu hướng thị trường”. Đây cũng là thời cơ trong lịch sử để sở hữu cổ phiếu có giá trị với giá rẻ.
 
Cổ phiếu ngân hàng đã không còn là “thành trì vững chắc” dưới con mắt nhà đầu tư như trước. Một câu nói cũ nhưng vẫn còn giá trị: “Những gì tốt nhất thì nhà đầu tư đã biết, những gì xấu hơn, nhất là tình trạng nợ xấu, thì vẫn còn ẩn khuất”.

Khó ai đoán được kết quả kinh doanh quý 3 của các ngân hàng, vì nó phụ thuộc nhiều vào độ công khai rủi ro nợ xấu. Người ta chỉ biết rằng có ngân hàng khó khăn về thanh khoản trong khi nợ xấu chỉ vài phần trăm, khi đi sâu vào thì Ngân hàng Nhà nước mới phát hiện nợ xấu đến vài chục phần trăm.

 
Tháng 10 này, kết quả kinh doanh ngân hàng vẫn khả quan nhưng không bằng trước kia vì nợ xấu ngày càng phải công khai nhiều hơn. Tuy nhiên, thị giá cổ phiếu ngân hàng đã giảm một bậc.
 
Đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng đang dần rõ nét là đầu tư có mạo hiểm, nhất là những cổ phiếu thị giá cao.
 
Cổ phiếu ngành dầu khí cũng được thị trường quan tâm lớn. Lúc này thì đã rõ trong ngành dầu khí phải phân biệt bốn loại cổ phiếu cơ bản:
 
(1) Cổ phiếu khai thác, dịch vụ và kinh doanh sản phẩm dầu khí. Đây là loại cổ phiếu có hiệu quả cao và ổn định, khó giảm sâu trước những biến động của thị trường.
 
(2) Cổ phiếu ngành xây lắp, bất động sản dầu khí (PVX và hệ thống công ty con) cần phải xếp loại vào cổ phiếu bất động sản và đồng hành cùng những thăng trầm của bất động sản.
 
(3) Cổ phiếu Tài chính Dầu khí (PVF) cần xếp vào cổ phiếu ngân hàng để thấy được những thăng trầm về nợ xấu, nhất là thăng trầm của những khách nợ là doanh nghiệp bất động sản ngành dầu khí.
 
(4) Và cuối cùng, PVI (Bảo hiểm dầu khí) là doanh nghiệp bảo hiểm có lợi thế ưu việt là hệ thống khách hàng dầu khí với doanh số bảo hiểm lớn lao.
 
Cổ phiếu bất động sản ngày càng đối diện thử thách lớn trước thực trạng bất động sản đóng băng ngày càng sâu hơn.

Bên cạnh hiện trạng giá giảm sâu, không bán được hàng, nhà đầu tư đã nhận diện dần nguy cơ lớn lao về những khoản trả lãi vay khổng lồ mà doanh nghiệp chưa đưa vào chi phí để tính lãi lỗ. Những khoản lãi vay khổng lồ này vẫn treo đâu đó, ở ngân hàng dưới dạng “chờ thu”, ở doanh nghiệp dưới dạng trái phiếu chưa thanh toán hay “bổ sung vào giá trị sản phẩm dở dang”, là những “quả bom nổ chậm” trên sàn.

 
Tuy nhiên, nhà đầu tư lạc quan lại nhìn thấy cơ hội lớn khi có thể mua vào với thị giá thấp những cổ phiếu bất động sản không nợ vay đáng kể, có thể tồn tại và chờ dịp khởi sắc khi thị trường ấm lên.
 
Nhà đầu tư bắt đầu “e ngại” với những cổ phiếu hiệu quả cao trước đây như cao su thiên nhiên, mía đường, do tình trạng giá sản phẩm giảm. Giá cao su thiên nhiên giảm sâu nhưng doanh nghiệp vẫn có lãi đáng kể vì chi phí lớn nhất là nhân công cạo mủ được cố định ở khoảng 35% giá bán sản phẩm.
 
Doanh nghiệp cao su thiên nhiên, dù lợi nhuận có thể chỉ hơn 60% năm 2011, vẫn có thể trả cổ tức theo kế hoạch, vẫn tích lũy tăng vì trước nay nhà đầu tư chỉ nhận được cổ tức quá “khiêm tốn” từ lợi nhuận doanh nghiệp.
 
Giá bán đường giảm khoảng 10% của quý 3 cũng sẽ đưa đến kết quả kinh doanh ngành mía đường thấp hơn trước kia. Tuy nhiên, với kết quả từ 6 tháng trước, doanh nghiệp mía đường sẽ không gặp “tổn thương” nhiều.
 
Tháng 10, nhà đầu tư cũng “nhạy cảm” trước nỗi lo “mất vốn” trước một lượng đáng kể doanh nghiệp dạng “khủng hoảng lỗ” mà nay càng không thấy lối ra khi kết quả quý 3 được công bố. Đây là những doanh nghiệp mà kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục, những doanh nghiệp vận tải biển nợ quá lớn.
 
Thị trường đành phải chứng kiến những doanh nghiệp này lún sâu hơn vào thực trạng phá sản, mờ dần để đi đến biến mất khỏi sàn. Đây là nổi buồn của thị trường, của nhà đầu tư trước thực trạng kinh doanh phiêu lưu, vay nợ lớn, cho nợ tiền không đảm bảo của những nhà CEO đơn vị.
 
Tuy nhiên, những nhà đầu tư lạc quan lại nghĩ rằng “sau một cánh cửa đóng lại sẽ có nhiều cánh cửa được mở ra”, “thất bại sẽ sinh ra thành công”. Thay vì dốc toàn bộ vào những cổ phiếu thanh khoản lớn nhưng rủi ro, nhà đầu tư có thể bố trí một phần vốn lâu hơn vào những cổ phiếu “giá bèo” nhưng không bao giờ phá sản để bị hủy niêm yết chẳng hạn như DHI lúc giá chỉ 3 chấm.
 
Nhà đầu tư có thể tranh thủ khái niệm “cảnh báo” quá rộng như khái niệm “bệnh” mà trong đó không phân biệt giữa bệnh ung thư và bệnh cảm xoàng để tìm ra trong số những đơn vị bị cảnh báo có những đơn vị sẽ rời cảnh báo.

Đó là những đơn vị nợ không đáng kể, vẫn sản xuất kinh doanh liên tục, doanh thu ổn định, lỗ “một ít” mà vào cảnh báo, không có nguy cơ gì lớn cả. Những đơn vị dạng “đá quý nằm trong đá sỏi” này lại thường có thanh khoản không cao, vì nếu có thanh khoản cao đã không thể có giá bèo.

 
Bên cạnh những ảnh hưởng “nhạy cảm” từ kết quả kinh doanh ảm đạm của nhiều doanh nghiệp, những nhà đầu tư lạc quan sẽ tìm thấy cơ hội ở nhiều doanh nghiệp, ngành vẫn phát triển ổn định như dược phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin, phát điện … Thậm chí, một số đơn vị có kết quả khả quan vì nguyên liệu giảm như sản xuất lốp xe, curoa, ngành nhựa, …
 
Đâu rồi niềm tin?!
 
Cuối cùng, có một điều mà có lẽ thị trường Tháng 10 không “nhạy cảm”. Đó là lòng tin vào sự khởi sắc của thị trường như kỳ vọng của Lãnh Đạo Bộ Tài chính trước những nỗ lực nới lỏng tiền tệ thời gian qua. Ước vọng dù sao cũng chỉ là ý chí, những nhà đầu tư cẩn trọng đã phần nào đúng khi cho rằng những nỗ lực kinh điển về giải cứu nền kinh tế như hạ mặt bằng lãi suất, bơm thêm tiền vào lưu thông qua kênh tài khóa, tín dụng … đã chưa đủ lượng, khó tiếp cận, chưa khẩn trương kịp lúc nên đã chưa chuyển biến thực trạng kinh doanh của nền kinh tế.
 
Từ thực trạng kinh doanh quý 3, nhà đầu tư mong rằng Chính phủ sẽ nỗ lực lớn lao hơn nữa trong việc phục hưng kinh tế.

Theo VietStock

Các tin cũ hơn