>> Tháng 10: Thị trường chứng khoán đầy nhạy cảm
>> Chứng khoán Navibank phủ nhận thông tin giao dịch với ông Đặng Thành Tâm
>> Hai sở chứng khoán sẽ hợp nhất vào năm 2014
>> 'Nhà đầu tư ngoại chê thị trường chứng khoán Việt'
Cuối tuần qua, cổ phiếu SME có lúc giảm về 200 đồng/cp, thấp nhất trong lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam. Và hẳn nhà đầu tư sẽ không tìm được ngôi chợ nào có hàng hóa rẻ như… “chợ chứng”.
Đã từng một thời, nhà đầu tư cảm thấy ngạc nhiên xen lẫn thích thú với những cụm từ cổ phiếu rẻ hơn rau hay cốc trà đá cùng những lạc quan và hi vọng thị trường đã về đáy. Nhưng ngày này qua tháng nọ, thị trường tăng thì ít nhưng giảm lại nhiều, hết đáy lớn rồi đến đáy nhỏ.
Không ít cổ phiếu tạm gọi là trà đá như thế đã lặng lẽ rời sàn vì không thể giảm thêm nữa, nhưng trên sàn chứng khoán những cổ phiếu như thế chẳng những không giảm mà còn tăng lên chóng mặt, gấp nhiều lần so với cách đây một năm.
Tính đến 28/09, thống kê tổng cộng hơn 704 mã chứng khoán niêm yết trên cả hai sàn HOSE và HNX, đang có đến 431 mã giao dịch dưới mệnh giá, chiếm trên 60%. Trong đó, HNX với 276 mã, HOSE với 155 mã.
Vốn hóa toàn thị trường chỉ còn khoảng 722,319 tỷ đồng, tương ứng với gần 34.4 tỷ USD (tỷ giá 21,000 đồng/USD). Trong đó, HNX chỉ chiếm vỏn vẹn 3.9 tỷ USD.
So với cuối tháng 6, số mã dưới mệnh giá đã tăng hơn 50 mã ở cả hai sàn, vốn hóa thị trường đã giảm đến hơn 52,523 tỷ đồng, tức giảm khoảng 2.5 tỷ USD.
60% cổ phiếu trên sàn đang giao dịch dưới mệnh giá.
Cũng tính đến hết tháng 9, trên cả hai sàn có đến 202 mã có mức giá dưới 5,000 đồng, trong khi ở cuối tháng 6, con số này là 118 mã. Đặc biệt, các mã chứng khoán có giá dưới 2,000 đồng đang kéo dài từng ngày với tổng cộng 16 mã, gấp hơn 3 lần với cuối quý 2.
“Đội sổ” thị trường hiện nay là SME với mức giá 300 đồng/cp, tuy nhiên trong phiên giao dịch cổ phiếu này có lúc rơi về mức 200 đồng sau khi Sở GDCK Hà Nội (HNX) có quyết định chính thức về việc hủy niêm yết cổ phiếu này từ ngày 6/10. Như vậy, SME đã phá kỷ lục của VKP trước đây về mức giá thấp.
Sau sự việc Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc công ty này bị bắt đến nay, SME gần như đã “chết lâm sàn”, chỉ chờ đến ngày phá sản. Tính đến thời điểm này, SME vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2011.
Khá hơn SME, nhưng các mã như NVC , VSG , PSG , SHN , THV , VCH , DDM cũng chỉ giao dịch ở mức giá từ 1,000 – 1,500 đồng/cp. Trong đó, căn cứ vào BCTC soát xét 6 tháng đầu năm, đơn vị kiểm toán đã đưa ra những cảnh báo về khả năng hoạt động liên tục của PSG, THV, SHN, VSG do tình trạng làm ăn thua lỗ liên tục và những khoản nợ “chất cao như núi”.
NVC bất ngờ tăng trần 2 phiên cuối tuần nhưng giá chỉ còn 1,100 đồng. BCTC soát xét bán niên của NVC ghi nhận khoản lợi nhuận chưa phân phối âm gần 100 tỷ đồng, trong đó lỗ ròng 6 tháng gần 72 tỷ đồng và ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 5 tỷ đồng.
Với 12 quý liên tiếp thua lỗ, VSG đang đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc. Lỗ lũy kế của công ty này tính đến 30/06 là 105 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ thực góp là 110 tỷ đồng. VSG tạm thời giao dịch ở mức giá 1,200 đồng/cp sau khi giảm xuống chỉ còn 900 đồng cách đây ít ngày.
SHN và THV hiện có mức giá 1,200 – 1,300 đồng/cp. Cả hai công ty đang gánh mức lỗ lũy kế đến hết tháng 6 lần lượt 216 tỷ đồng và trên 431 tỷ đồng, chiếm 67% và 75% vốn điều lệ hiện có. Trong đó, nợ ngắn hạn đều vượt xa so với tài sản ngắn hạn.
“Hàng chất lượng cao” có rẻ?
Được xếp vào nhóm cổ phiếu “đại gia” trong rổ VN30 và HNX30 cũng có không ít mã đang giao dịch dưới mệnh giá. Điều mà ngay cả những người bi quan nhất trước đây cũng không thể ngờ.
Cụ thể, VN30 có 4 mã cổ phiếu thuộc diện này gồm ITA (4,500 đồng), PVF (7,800 đồng), IJC (8,500 đồng) và OGC (9,200 đồng). Trong khi đó, HNX30 có đến 19 mã, như PFL (2,400 đồng), PVL (2,700 đồng), SDH (3,200 đồng), DCS (3,500 đồng), IDJ (3,500 đồng)… Đặc biệt nhiều mã có vai trò dẫn dắt thị trường nhưng hiện có mức giá mức thấp, điển hình là PVX (4,400 đồng), SCR (6,200 đồng), SHB (6,400 đồng), VCG (7,600 đồng), KLS (8,000 đồng), VND (8,800 đồng), BVS (9,000 đồng)…
ITA đã bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 20/09 do vi phạm nghiêm trọng về công bố thông tin. Tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm của công ty tiếp tục khó khăn với lãi ròng vỏn vẹn 5.7 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ hơn 4,451 tỷ đồng.
PVF là một tập đoàn tài chính lớn nhưng lãi ròng quý 2 chỉ có hơn 2 tỷ đồng.
SCR là doanh nghiệp bất động sản có lãi lớn trong 6 tháng đầu năm với gần 105 tỷ đồng, đạt xấp xỉ kế hoạch cả năm nhưng giá cổ phiếu vẫn liên tục đi xuống, chỉ còn 6,200 đồng/cp.
Đáng kể nhất là PVX, hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm phát sinh lỗ hàng trăm tỷ đồng, nhiều khoản bảo lãnh trên 500 tỷ đồng và những phát sinh ở các dự án lớn đã khiến nhà đầu tư thất vọng. 3 tháng trở lại đây, cổ phiếu mất hơn 50% giá trị và hiện chỉ còn 4,400 đồng/cp, giảm đến 34% trong vòng 1 tháng.
SHB sau khi sáp nhập HBB thì giá cổ phiếu vẫn tiếp tục giảm mạnh. Trong vòng 1 tháng, cổ phiếu này giảm thêm 11% xuống còn 6,000 đồng/cp. Tính cả quý 3, SHB giảm gần 30%, tổng khối lượng khớp lệnh trong quý với hơn 83.34 triệu đơn vị.
Trong khi đó, số mã có mức giá từ 20,000 đồng trở thành “hàng hiếm” với 69 mã tại HOSE và 33 mã tại HNX.
Thị trường đang bước vào quý cuối cùng của năm 2012, tuy nhiên chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự tích cực đang quay trở lại. Thay vào đó, nhiều khó khăn của nền kinh tế chưa được giải quyết, lạm phát có dấu hiệu bùng phát, tồn kho vẫn ở mức cao, tín dụng tăng trưởng thấp, các quỹ đầu tư chịu nhiều áp lực đóng quỹ, công ty chứng khoán ngày càng thu hẹp hoạt động… Tất cả những điều đó mang lại tâm lý dè chừng, lo ngại đối nhà đầu tư.
Do vậy, sự phục hồi của chứng khoán trong một sớm một chiều hẳn là một kỳ vọng “xa xỉ” trong giai đoạn hiện nay.