Hiện nay người tiêu dùng Việt Nam không chỉ đối mặt với việc giá xăng dầu liên tục tăng, mà hàng ngày họ đang bị nhiều của hàng xăng dầu "móc túi" bằng nhiều chiêu thức từ tinh vi đến trắng trợn.
Điều khiến nhiều người lo lắng là cơ quan chức năng chỉ mới phát hiện được những sai phạm mang tính chất nhỏ lẻ. Thực trạng này đã đẩy người tiêu dùng sống chung với ám ảnh sợ hãi về hiểm hoạ "cháy nổ" thường trực.
Trắng trợn "móc túi" khách hàng
Trong nhiều năm trở lại đây, hiện tượng nhiều cửa hàng xăng dầu tìm cách "móc túi" khách hàng bằng hàng chục thủ đoạn khiến người dân vô cùng bức xúc. Người tiêu dùng Việt Nam đã quen với việc mỗi lần có thông tin xăng chuẩn bị tăng giá là hàng loạt cửa hàng tìm cách đóng cửa.
Lý do đưa ra thật đơn giản: "Hết xăng". Nhưng ai cũng hiểu được, các cửa hàng đang găm hàng đợi giá. Thủ đoạn này đã diễn ra trên địa bàn cả nước nhưng hiện vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để dẹp bỏ.
Tuy nhiên, đây chưa phải là điều tồi tệ nhất của "ông năng lượng". Vì mới đây, người dân "chết đứng" với những thủ đoạn tinh vi mà các chủ hàng xăn hiện tiến hành. Dó chính là hành vi bán xăng dỏm, đo lường "điêu".
Cơ quan công an đang tiến hành niêm phong hầm chứa xăng.
Mới đây nhất, cơ quan chức năng tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP. HCM đã phát hiện ra hai trường hợp gian lận. Thông tin ban đầu mà báo Người đưa tin nắm được, không loại trừ đây là hai thủ đoạn "mới" mà các chủ cửa hàng xăng dầu sử dụng để móc túi khách hàng.
Thông tin từ TP. HCM cho biết, tối ngày 26/9, hàng trăm người dân đi lại trên tuyến đường quốc lộ 13 đã dắt xe máy "bủa vây" trạm xăng dầu Lan Anh (220 quốc lộ 13, phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM). Họ "bắt đền" chủ cây xăng vì nghi ngờ bị đổ xăng "dỏm" khiến xe máy không nổ được.
Chỉ trong thời gian từ 18h đến 20h10, số lượng xe bị hư hỏng do đổ xăng được đưa đến cây xăng lên con số trên 100.
Tại hiện trường, PV được nhiều người dân cho biết, họ vừa đổ xăng ở trạm xăng Lan Anh, chạy vài trăm mét thì tất cả đều đồng loạt tắt máy. Lúc đầu, nhiều người không hiểu được lý do tại sao xe mình bỗng dưng "tắt lịm". Nhưng lạ ở chỗ, hàng trăm người cùng rơi vào cảnh ngộ tương tự.
Và, họ đều có điểm chung là vừa đổ xăng tại tram xăng Lan Anh. Chính sự trùng lặp "khó hiểu" này khiến nhiều người đưa xe về đây để bắt chủ trạm xăng đền bù.
Thời điểm, đến 19h50' ngày 26/9, tại trạm xăng Lan Anh có trên 50 chiếc xe máy bị chết máy được người dân đưa đến "bắt đền". Tuy nhiên, trước việc khách hàng tụ tập đòi đền bù, nhân viên trạm xăng Lan Anh vẫn không thừa nhận. Càng không thấy lãnh đạo trạm xăng xuất hiện để trả lời phản ánh của khách hàng.
Dù bị người dân gây áp lực phải giải quyết quyền lợi nhưng nhân viên tại đây vẫn "chai mặt" tiếp tục bán xăng cho khách. Chỉ đến khi có sự xuất hiện của lực lượng Công an phường 26 (quận Bình Thạnh) thì các nhân viên tại đây mới ngừng bán xăng để giải quyết vụ việc.
Trao đổi với chúng tôi, tài xế lái xe tải tên Lê Văn Châu (quận Bình Thạnh) vẫn còn giữ lại một can xăng "dỏm" của trạm xăng này cho biết: "Từ lâu cây xăng này đã có hiện tượng bán xăng dỏm. Tuy nhiên, người dân gần đây ai cũng biết nhưng chưa có bằng chứng để tố cáo".
Chủ tiệm sửa xe Hoàng Nguyên, nằm gần trạm xăng Lan Anh cho biết, vào tối 26/9, nhân viên của tiệm có tham gia súc bình xăng cho các nạn nhân. Khi tiến hành kiểm tra bình xăng thì phát hiện là xăng dỏm. Thực tế, đây là loại tạp chất chỉ có mùi như xăng nhưng chủ yếu là nước. Trong một lít xăng thì có đến hai màu trắng, vàng phân làm hai tầng khác nhau.
Một kỹ sư hóa học là nạn nhân trong vụ đổ xăng "dỏm" bức xúc: "Tôi có chuyên môn trong lĩnh vực hóa học. Tôi dám chắc 100%, xăng tại trạm xăng này bị pha methanol, một loại cồn công nghiệp với số lượng lớn. Đây chính là nguyên nhân vì sao chỉ trong vài phút đồng hồ, hơn 100 chiếc xe máy đã bị hư hỏng ngay".
Cũng trong ngày 26/9, trên địa bàn Hà Nội, Đoàn kiểm tra liên ngành 127 TP. Hà Nội đã bắt quả tang cây xăng Việt Hồng (địa chỉ Biên Giang, Thanh Oai, Hà Nội) có hành vi ăn cắp xăng dầu. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng đã giám định và phát hiện một cột bơm dầu diesel 0,05S gian lận 0,9% còn hai cột bơm xăng RON 92 không vi phạm.
Được biết chủ của hàng là ông Nguyễn Thanh Tỉnh. Cây xăng này treo biển đại lý cho Xí nghiệp xăng dầu L133, thuộc công ty xăng dầu Hà Sơn Bình. Cây xăng này hàng ngày tiêu thụ trung bình khoảng 800 - 900 lít xăng Ron 92 và khoảng 100 - 200 lít dầu diesel. Hiện tại, cơ quan chức năng này đang niêm phong cây xăng này để điều tra và xử lý.
Chị Nguyễn Thị Tí tại trạm xăng Lan Anh
Theo quy định, một cây xăng mức sai số trong bán lẻ xăng dầu cho phép là 0,5 %. Nếu vượt mức này sẽ vi phạm bằng các hình thức như hành chính, thậm chí rút giấy phép.
Trao đổi với PV, một đồng chí trong Đoàn kiểm tra liên ngành 127 (đề nghị giấu tên) cho biết: "Sự việc này rất khó lý giải. Bởi cây xăng vi phạm đã được kiểm định đo lường mới đây. Mẫu dán tem vẫn còn nguyên, không có dấu hiệu tháo dỡ và vẫn còn thời hạn".
Những lý lẽ kiểu "trên trời"
Trước vụ việc xăng "dỏm" có dấu hiệu gia tăng thị trường và tiềm ẩn những nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng, PV Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Ngọc Dũng, Giảng viên bộ môn Ô tô, máy động lực (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM).
Theo TS. Dũng, việc người dân nghi ngờ cây xăng Lan Anh bán xăng "dỏm" là có lý. Bởi, thông tin báo Người đưa tin cung cấp là xăng tại trạm xăng Lan Anh sau khi hút ra có màu xanh nhạt, phía dưới can có màu tím.
Qua đây, có thể thấy xăng trên đã bị pha dung dịch, hóa chất công nghiệp để hạ giá thành của xăng.TS. Dũng cũng không loại trừ khả năng có thể mẫu xăng được bán tại trạm xăng Lan Anh bị pha nước nên mới tách ra có hai màu riêng biệt. Thực tế thời gian qua, việc pha chế trên đã diễn ra thường xuyên tại nhiều trạm xăng.
Tuy nhiên, trạm xăng trên gặp "hạn", bị phát hiện là do những ngày qua, khí hậu tại TP.HCM xuống thấp, trời mưa nhiều nên những dung dịch lẫn vào xăng không đạt được độ hòa tan hiệu quả.
Việc ngang nhiên chiếm đoạt khách hàng bằng các thủ đoạn trắng trợn đang khiến cho người dân hết sức bức xúc. Tuy nhiên, khi những trạm xăng này bị "bắt" quả tang thì các chủ tiệm luôn tìm những lý lẻ "trơ trẽn" để biện hộ. Chiều ngày 27/9, PV đã có mặt tại trạm xăng dầu Lan Anh ghi nhận thấy, cây xăng này đã ngừng hoạt động.
Cùng ngày, cơ quan quản lí thị trường cùng cơ quan công an kinh tế của quận Bình Thạnh cũng đến kiểm tra lượng xăng tồn, lấy mẫu xăng và tiến hành niêm phong cây xăng. Sau khi kiểm tra 4 hầm chứa, bao gồm hai hầm xăng còn mức 53 cm và 15cm, hai hầm dầu có mức 8 cm và 16 cm, cơ quan công an cũng tiến hành niêm phong cả trạm xăng dầu Lan Anh.
Tại buổi làm việc, đại diện cây xăng trả lời rằng, xăng có vấn đề có thể là do nước mưa đã ngấm vào bồn chứa. Tuy nhiên, cơ quan công an đã phản bác bởi rất trường hợp đó, khó có thể xảy vì hầm xăng được xây dựng rất kiên cố. Hơn nữa, nắp hầm xăng được lắp miếng đệm chống thấm nước nên khả năng nước tràn vào bình xăng hầu như bằng không.
Các sự việc liên tiếp xảy ra trong thời gian qua cho thấy, những trường hợp "ăn cắp" đã được chủ các cửa hiệu chuẩn bị chu đáo. Điều đó có nghĩa là, họ bất chấp hậu quả để chiếm đoạt tiền bạc của người tiêu dùng.
Theo Nguoiduatin