VietABank: Tập đoàn Việt Phương “soái ngôi” Chủ tịch từ SJC

Thứ sáu, 28/09/2012, 11:03
Dưới áp lực tăng vốn lên 3,000 tỷ để tồn tại, VietABank đã “gửi phận” cho nhóm cổ đông liên quan đến ông Phương Hữu Việt trong năm 2010. Thương vụ khép lại với nhiều tai tiếng bởi nhóm cổ đông mới đã đem cầm cố lượng cổ phần này khi chưa hoàn tất việc mua với nhiều ngân hàng.
 
Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) ra đời từ năm 2003 trên cơ sở hợp nhất Công ty Tài chính Cổ phần Sài Gòn và Ngân hàng TMCP Nông thôn Đà Nẵng.

Ngày mới thành lập, VietABank có vốn điều lệ hơn 76 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập nắm cổ phần lớn nhất là Ban Tài chính Thành ủy với tỷ lệ 29.8% (Trước hợp nhất, Công ty Tài chính Cổ phần Sài Gòn được đầu tư bởi 6 đơn vị, đặc biệt trong đó có Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX:
ACB) và Ngân hàng Nông thôn Đà Nẵng).
 
Khách hàng giao dịch tại Việt Á
 
Qua 8 năm hoạt động và nhiều lần tăng vốn, cổ đông sáng lập vẫn là những thành viên chủ chốt và nắm quyền lực tại ngân hàng.

Đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT là ông Đỗ Công Chính, đại diện cho cổ đông lớn SJC. Cùng tham gia HĐQT tại VietABank còn có đại diện các cổ đông lớn khác như bà Nguyễn Thị Phụng (Eximbank), ông Lâm Triều (Quỹ ĐTPT Đô Thị TPHCM nắm gần 3% vốn) và ông Phan Văn Tới (CCI).
 
Đến năm 2010, dưới áp lực phải tăng vốn lên trên 3,000 tỷ đồng để tồn tại theo quy định của NHNN, VietABank đã bán 51 triệu cổ phiếu cho Tập đoàn Đầu tư Việt Phương và vị Chủ tịch Phương Hữu Việt của tập đoàn này.

Cơ cấu sở hữu ngân hàng VietABank có sự thay đổi lớn, Tập đoàn Đầu tư Việt Phương và ông Phương Hữu Việt trở thành cổ đông lớn nhất, sở hữu 17.36% vốn điều lệ của Việt Á. Các cổ đông lớn còn lại gồm CTCP Đầu tư và Phát triển Hòa Bình (11.62%), CTCP Phú An Thạnh (8.85%), Eximbank (
EIB) và Văn phòng Thành ủy TPHCM.
 

Ngay sau khi bước chân vào ngân hàng, nhóm cổ đông mới vươn mình, ông Phương Hữu Việt giữ cương vị Chủ tịch thay cho ông Đỗ Công Chính.

HĐQT của VietABank đã được “thay máu” với 4 thành viên mới: ông Việt, bà Nguyễn Thị Loan (Đại diện CTCP Đầu tư và Phát triển Hòa Bình), ông Nguyễn Khánh Linh (hiện đang là TGĐ Quản lý Quỹ Bản Việt, cá nhân ông đang sở hữu 200,000 cp, tương đương gần 0.06% vốn VietABank) và ông Trần Văn Ngọc (Đại diện CTCP Phú An Thạch).

 
Thương vụ kết thúc với những “lùm xùm” và bê bối của nhóm cổ đông mới. Cụ thể, nhóm cổ đông mới đã đem cầm cố và chuyển nhượng cổ phần VietABank cho nhiều tổ chức tín dụng mặc dù chưa hoàn thành quá trình mua bán cổ phần với Ngân hàng VietABank.

Cụ thể, vào tháng 7/2010, VietABank ký hợp đồng về nguyên tắc, bán 36 triệu cp cho Tập đoàn Việt Phương và 15 triệu cp cho ông Phương Hữu Việt với giá 10,600 đồng/cp với 3 đợt thanh toán: (Đợt 1 – Trước 31/7/2010) Đặt cọc 5-10%; (Đợt 2 – Trước 30/9/2010) Thanh toán 50% và (Đợt 3 – Trước 30/11/2010) Thanh toán số tiền còn lại.

Tuy nhiên, toàn bộ số cổ phần này bị phát hiện đã được cầm cố tại nhiều ngân hàng khác nhau trong vòng khoảng 1 năm sau khi ký hợp đồng hứa mua trên. Nhiều ngân hàng đã lần lượt gửi văn bản về Ngân hàng đề nghị phong tỏa số cổ phần do Tập đoàn Việt Phương và ông Việt nắm giữ.
  • Ngày 30/11/2010, Oceanbank có văn bản đề nghị phong tỏa hơn 34.2 triệu cổ phần thế chấp của Tập đoàn Việt Phương và ông Phương Hữu Việt.
  • Ngày 7/3/2011, GPBank gửi 2 văn bản đề nghị HĐQT VietABank xác nhận và phong tỏa chứng khoán với tổng số hơn 14,250 triệu cổ phần của Tập đoàn Việt Phương.
  • Ngày 24/6/2011, MaritimeBank (MSB) cũng đề nghị VietABank xác nhận và phong tỏa toàn bộ 36 triệu cổ phần của Tập đoàn Việt Phương và 15 triệu cổ phần của ông Phương Hữu Việt.
Đặc biệt, khi chưa đến hạn nộp tiền lần cuối, Tập đoàn Việt Phương ký giấy chuyển nhượng cổ phần VietABank cho Công ty Chứng khoán ACB (ACBS).

Thế nhưng, mãi đến ngày 29/12/2010 mới tiến hành họp ĐHĐCĐ để thông qua quyết định chuyển nhượng 14.25 triệu cổ phần của VietABank cho ACBS với giá 10,000 đồng/cp. Việc làm này đã vi phạm hợp đồng mua cổ phần với Ngân hàng VietABank về hạn chế chuyển nhượng sau 24 tháng.

 
Câu hỏi được đặt ra lúc bấy giờ là nguồn vốn để mua cổ phần VietABank của hai cổ đông lớn này là từ đâu ra, có hay không nhóm cổ đông lớn đã sử dụng chính cổ phần hứa mua để cầm cố cho chính thương vụ này?
 
Đến nay, những cổ đông sáng lập, ban lãnh đạo cũ của VietABank có nhiều dấu hiệu của sự rút lui. Văn phòng Thành ủy đã có quyết định thôi cử ông Trần Quốc Hải – Phó Chủ tịch HĐQT VietABank làm đại diện vốn góp tại ngân hàng; cổ đông lớn SJC do ông Đỗ Công Chính làm đại diện và từng giữ chức vụ Chủ tịch qua nhiều năm cũng thông báo đăng ký bán 11,661,634 cp ngay từ quý đầu tiên của năm 2012.
 
Còn công ty Vimedimex (VMD), đơn vị liên quan đến Phó Chủ tịch mới Nguyễn Thị Loan lại tăng cường sở hữu cổ phần tại VietABank. Đại hội thường niên 2012 của VMD vừa qua đã thông qua việc tăng vốn lên 200 tỷ đồng, trong đó sẽ dành 100 tỷ đồng mua cổ phần VietABank.
 
Ngoài vị trí Chủ tịch HĐQT VietABank, ông Việt còn giữ chức Chủ tịch Tập đoàn Việt Phương, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam – Liên bang Nga, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Ucraina và Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam.
 
Còn bà Nguyễn Thị Loan - Phó Chủ tịch VietABank, đồng thời là Chủ tịch Đầu tư và Phát triển Hòa Bình, Chủ tịch Chứng khoán Hòa Bình và là Phó Chủ tịch Vimedimex (HOSE: VMD).

 
Theo VietStock

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích