Bộ trưởng Vũ Đức Đam: "Làm nghiêm để lập lại kỷ cương lĩnh vực ngân hàng"

Thứ sáu, 28/09/2012, 08:20
Bình luận về thông tin khởi tố một số bị can nguyên là lãnh đạo ACB, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam tái khẳng định không có vùng cấm trong việc xử lý các vi phạm ngân hàng.

>> Vì sao ông Trần Xuân Giá và 3 nguyên lãnh đạo ACB bị khởi tố?
>> “Khởi tố ông Trần Xuân Giá không ảnh hưởng đến ACB”
>> Chính thức khởi tố các ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang
>> Trần Xuân Giá: vinh quang và cay đắng


Thông tin được chờ đợi trong phiên họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 27/9 là việc khởi tố 4 bị can đồng phạm với ông Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải về tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng.

Những bị can này (gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Á Châu - ACB Trần Xuân Giá và 3 nguyên Phó chủ tịch Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang) đã phê duyệt cho ông Lý Xuân Hải ủy thác cho nhân viên gửi 718 tỷ đồng ở ngân hàng khác.

Trả lời báo chí, Bộ trưởng Đam khẳng định đây là một trong các hoạt động nhằm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng và trên tinh thần mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Ông nhấn mạnh việc khởi tố được tiến hành với những người đã từ nhiệm khỏi vị trí lãnh đạo ACB, nên không ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng này.

"Khi các cơ quan có biện pháp xử lý đều đã lường trước các khả năng để đảm bảo ổn định hệ thống và bảo vệ quyền lợi người gửi tiền", Bộ trưởng nói. Ông khẳng định những sai phạm vừa qua của các cá nhân chỉ khiến các ngân hàng giảm lãi, không ảnh hưởng tới quyền lợi người gửi tiền.



Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam. Ảnh: Nguyễn Hưng


Theo Bộ trưởng, thâu tóm ngân hàng có nhiều thủ đoạn, các cơ quan chức năng và Ngân hàng Nhà nước đã nhận diện được, báo cáo Chính phủ và Chính phủ cũng đồng ý để cho các cơ quan này có biện pháp xử lý.

"Các hành vi cụ thể đó là gì sẽ được làm rõ qua từng vụ án, và tôi xin khẳng định lại là không có vùng cấm để làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng", ông nói thêm.

Bộ trưởng cho biết phiên họp thường kỳ tháng này của Chính phủ không tập trung bàn tới các vấn đề vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng. Nhưng Thủ tướng vẫn nhấn mạnh quan điểm kiên trì các giải pháp vừa trước mắt vừa lâu dài.

Trước mắt là xử lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nợ xấu, hàng tồn kho, vốn và thị trường cho doanh nghiệp. Trong dài hạn, sẽ thực hiện tốt tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế với 3 mũi nhọn.

Riêng với tái cơ cấu ngân hàng, Bộ trưởng cho biết sẽ sắp xếp theo đúng quy định các ngân hàng cổ phần yếu kém, gắn với đó là thực thi nghiêm pháp luật, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là các hành vi nhằm thâu tóm trái phép.

"Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện theo tinh thần nghiêm minh trước pháp luật, không có vùng cấm, làm nghiêm để lập lại kỷ cương trong lĩnh vực ngân hàng, xử lý các ngân hàng yếu kém, góp phần ổn định hệ thống ngân hàng", ông nói.

Ông cho biết thêm, việc sắp xếp xử lý các ngân hàng cổ phần đang được triển khai đúng tiến trên cơ sở tự nguyện và với mục tiêu cao nhất là làm lành mạnh hóa hệ thống.

Chiều nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công An) đã có thông báo về việc khởi tố đối với một loạt bị can nguyên là lãnh đạo Ngân hàng ACB về tội cố ý làm trái, ra chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền đồng và USD vào 29 ngân hàng để hưởng lãi cao hơn lãi suất trần. Trong số tiền gửi này có gần 719 tỷ đồng gửi vào ngân hàng Vietinbank và bị đối tương Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt trong một vụ án khác.

Do gây ra những thiệt hại này, ngày 20/8/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã có quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Lý Xuân Hải, nguyên là Tổng giám đốc Ngân hàng ACB (ông Hải đã có đơn từ nhiệm vào khoảng thời gian này) về tội cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng.

Đến ngày 18/9, cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB với lý do tương tự.

Đối với một số lãnh đạo khác của ACB bao gồm ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang (nguyên là Chủ tịch và các Phó chủ tịch của ACB, đã có đơn từ nhiệm), tuy cũng được xác định là đồng phạm và bị khởi tố nhưng do có nhân thân tốt, thái độ khai báo thành khẩn, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, nơi cư trú rõ ràng… nên chỉ áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cứ chú, cho tại ngoại.

Ông Lý Xuân Hải sinh năm 1965 tại Hà Nội, trước khi bị bắt cư trú tại TP HCM. Ông Hải gia nhập ACB năm 1996 trên cương vị Phó giám đốc chi nhánh Hải Phòng và được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc từ năm 2005. Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Kiên (sinh năm 1964) là một trong những thành viên sáng lập ra Ngân hàng ACB, từng giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, rồi Hội đồng sáng lập ngân hàng này.

Theo cáo bạch 2010 của ACB, ông Nguyễn Đức Kiên không còn tên trong Hội đồng quản trị ngân hàng này. Tuy nhiên, ông được cho là “cổ đông chính” của nhiều ngân hàng lớn cho đến trước khi bị bắt.

Trong số các bị can được tại ngoại, ông Trần Xuân Giá gia nhập ACB tháng 11/2006, ngay sau khi nhận quyết định nghỉ hưu từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Ông từng làm cố vấn của ngân hàng trước khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Giá từng là đại biểu Quốc hội khóa X, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, có học hàm Phó giáo sư, và từng là giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.

3 người còn lại là ông Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang, cũng giống như ông Nguyễn Đức Kiên được coi là một trong số những người sáng lập ra Ngân hàng ACB. Trước khi có đơn từ nhiệm và bị khởi tố, cả 3 ông đều có chân trong Hội đồng quản trị ngân hàng này.

 

Theo Vnexpress

Các tin cũ hơn