"Kinh tế Việt Nam 2012 vẫn bất ổn và đang xấu đi"

Thứ bảy, 29/09/2012, 07:23
Rủi ro trong hệ thống ngân hàng tăng lên, lòng tin thị trường sụt giảm mạnh... là những tín hiệu cho thấy nền kinh tế Việt Nam 2012 rất khó khăn và đang có dấu hiệu xấu đi.

>> Kinh tế Việt Nam: ‘Bơi không áo tắm’
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 7: “Quả đấm thép” dân doanh
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam: Cắt "sở hữu chéo" trị nợ xấu
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam: Gấp rút khơi thông tín dụng

Tại Diễn đàn kinh tế mùa thu 2012 được tổ chức ở thành phố Vũng Tàu sáng nay, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, với bối cảnh phức tạp của cả kinh tế thế giới và trong nước, đã có hai luồng ý kiến trái ngược nhau khi đánh giá về thực trạng và triển vọng kinh tế 2012.

Điều này cho thấy tính chất khó khăn, phức tạp và khó dự báo của kinh tế Việt Nam trong năm nay.

Theo ông Thiên, những gì diễn ra trong ba phần tư chặng đường của năm cho thấy kinh tế Việt Nam thực sự khó khăn, sa sút và đến mức đáng quan ngại. Sa sút không chỉ thể hiện ở con số định lượng như tăng trưởng GDP giảm, doanh nghiệp phá sản, đóng cửa tăng.

Yếu kém còn thể hiện đặc biệt rõ nét ở xu hướng gia tăng xu hướng các biến cố, là những tín hiệu chỉ báo mức độ rủi ro hệ thống tăng lên, các loại tin đồn có tác động gây rối dư luận, làm suy giảm mạnh lòng tin thị trường vốn đã suy yếu sau mấy năm nền kinh tế gặp khó khăn.



Ông Trần Đình Thiên tại hội nghị sáng nay. Ảnh: Lệ Chi

Thế nhưng cách tiếp cận hiện nay, ông Thiên cho rằng vẫn chủ yếu theo tinh thần “nền kinh tế đang khó khăn” và hầu như chưa mổ xẻ, chưa thấy hết và định vị đúng mức độ gay gắt của những nguy cơ mang tính cơ cấu và hệ thống đang đe dọa nền kinh tế.

Trong khi đó, thực tiễn lại trông đợi nhận diện đúng sự khác biệt của năm 2012 với các năm khác để trên cơ sở đó có cách tiếp cận mới, vượt qua lối mòn tư duy và hành động của các năm trước (vốn làm cho bất ổn và lạm phát cứ lặp đi lặp lại).

Đây mới là việc cấp thiết cần mổ xẻ thay vì nổ lực một cách thiên lệch bám vào các con số chỉ tiêu GDP. “Nếu không tạo ra được sự khác biệt như vậy trong cách tiếp cận, nền kinh tế sẽ phải tiếp tục chấp nhận tình trạng lạm phát bất ổn tái đi tái lại.

Ông Thiên cũng cho rằng, Việt Nam cần phải bỏ ngay các chỉ tiêu tăng trưởng GDP địa phương, bởi nó chỉ là những con số ảo trong khi doanh nghiệp thì đang khó khăn trầm trọng. Nền kinh tế hiện nay thể hiện sự bất ổn thông qua sự nhảy múa của lạm phát, lúc trồi, lúc sụt.

Ngoài ra, muốn biết tình hình kinh tế cuối năm như thế nào thì phải nhìn vào số liệu đơn đặt hàng từ giữa năm, nhưng theo nghiên cứu của HSBC thì cho thấy số đơn đặt hàng chưa có gì sáng sủa.

Bên cạnh đó là con số nợ xấu 202.000 tỷ đồng, nay thêm cục máu đông hàng tồn kho mà tập trung nhiều là bất động sản. Chỉ tính riêng Hà Nội và TP HCM, tồn kho bất động sản vào khoảng 70.000 tỷ đồng. Theo ông Thiên, may mắn lắm thì phải 7 năm sau mới có thể xử lý hết cục máu đông bất động sản này.

"Qua đó cho thấy con số nợ xấu ngân hàng to đến mức nào và tôi đề nghị Quốc hội phải làm rõ vấn đề nợ xấu và xử lý nó triệt để hơn chứ không thể để yên được nữa", ông nói.

Ông Thiên cho rằng các vấn đề cần làm hiện nay là đổi mới về cải cách đất đai, tiếp theo là cải cách doanh nghiệp nhà nước theo nghĩa thị trường, sau đó là cải cách ngân sách nhà nước một cách quyết liệt. Và vấn đề quan trọng cuối cùng là phải công khai minh bạch, dám nhìn thẳng vào sự thật để hành động.

Dự báo kinh tế năm 2013, ông Thiên cho rằng khó có cơ sở để tăng trưởng cao, nguy cơ bất ổn và lạm phát vẫn tiềm tàng do các cơ sở cho khôi phục ổn định và tăng trưởng còn yếu. Tuy nhiên, đây là năm vẫn có cơ hội cho sự chuyển biến kinh tế, nhưng mục tiêu tăng trưởng GDP 2013 chỉ nên ở mức 4-4,5%.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội tán thành với quan điểm của ông Thiên khi cho rằng việc hạ nhanh lạm phát có phần dễ dãi và gấp tất yếu sẽ có hệ lụy phụ và chưa bộc lộ hết. Điều này được ông Kiên ví như chiếc ô tô đang chạy với 120km/h cho giảm ngay xuống 60km/h thì xe dễ lật đổ và hỏng máy.

Do đó, cần đánh giá kỹ mặt được và những hệ lụy của việc thực hiện nhiệm vụ năm 2012 và mục tiêu 2013. "Vì vậy, khen hay chê lúc này đều hơi sớm", ông Kiên nhấn mạnh.

Ông Trần Du Lịch, cũng đồng tình quan điểm khi cho rằng, nếu nhìn về cơ hội để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, thì nay đúng là khó khăn hơn trước. Muốn tái gì đi nữa thì cũng cần phải có đủ sức mới làm được. Muốn vậy phải có quyết tâm cao.

Nhưng hiện nay, vấn đề nợ xấu, khả năng hấp thụ vốn thấp nên ông ủng hộ kế hoạch thay đổi chiến lược chuyển chỉ tiêu 5 năm thành 3 năm để xử lý vấn đề trước mắt và tạo dựng niềm tin, còn nếu cứ bám víu kế hoạch 5 năm thì sẽ dẫn đến bế tắc. Ông kiến nghị Quốc hội phải quyết sách ngân sách 2013 giảm 10% so với 2012, để giải quyết bài toán ngân sách.

Về nợ xấu, tất cả ngân hàng thương mại phải trích lập đủ dự phòng nợ xấu, lấy vốn chủ sở hữu ra trích lập. Những doanh nghiệp làm ăn được nhưng do khó khăn thì nên khoanh nợ để họ tiếp tục có vốn làm ăn mới.
 

Theo Vnexpress

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn