Ngân hàng mua giá cao hơn tiệm vàng
Ông Nguyễn Thanh Trúc - Tổng Giám đốc Cty vàng bạc Agribank- cho biết, đến thời điểm này, vàng AAA của Cty đã dập được 2.000 lượng sang SJC, nhưng tất cả đều đã bán sang tay cho NHTM, bởi cầu từ các ngân hàng rất cao từ giờ cho đến cuối năm.
“Việc dập lại các thương hiệu vàng miếng khác về cơ bản làm tăng nguồn cung vàng miếng SJC chứ không làm tăng nguồn cung vàng trên thị trường nói chung”, ông Trúc nói.
Mở cửa phiên giao dịch ngày 1-10, giá vàng SJC niêm yết: 47,05 - 47,42 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra. Chưa đầy một giờ sau, bảng giá SJC điều chỉnh tăng lên: 47,10 – 47,45 triệu đồng/lượng mua vào bán ra.
Lúc này, các ngân hàng: ACB, Eximbank vẫn chào giá mua vào cao 10 ngàn đồng tức ở mức 47,11 triệu đồng/lượng.
Chị K.H (Trung Liệt, Hà Nội) sau khi đi tham khảo giá tại nhiều cửa hàng trên các phố vàng như: Trần Nhân Tông, Hà Trung, Hàng Bạc rồi quyết định bán 20 cây vàng cho một ngân hàng. Chị H cho biết: Giá vàng khó đoán sẽ lên cao hay xuống nữa nên tôi bán bây giờ cho an toàn”.
Cuối giờ chiều ngày 1-10 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới ở mốc: 1.768 USD/ounce (44,54 triệu đồng/lượng) tăng 4,2 USD so với buổi sáng. Quy đổi theo tỷ giá của NHNN, giá vàng trong nước cao hơn thế giới tới 3 triệu đồng/lượng.
Như vậy, sau hơn chục ngày Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép Tổng Cty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) gia công lại 13 tấn vàng, tương đương 350.000 lượng (vàng thương hiệu phi SJC và vàng SJC móp méo), nhằm tăng cung cho thị trường, đến hôm qua, khoảng cách giá vàng trong nước vẫn đứng ở mức cao hơn 3 triệu đồng so với giá thế giới.
Điều này lý giải, cơn khát vàng của NHTM chưa dứt, vì thực tế người dân đi mua gom vàng không nhiều, mà lực cầu chủ yếu từ ngân hàng.
Nên cho nhập khẩu?
Nếu thời gian tới NHNN không có động thái nào, giá vàng trong nước vẫn tiếp tục bỏ xa giá vàng thế giới, bởi cầu từ phía ngân hàng vẫn tăng cao. Hiện 5 NHTM ACB, Đông Á, Techcombank, Eximbank và Sacombank vẫn đang mua vào.
Theo ông Nguyễn Thanh Trúc - Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng: Hiện nay NHNN lo lắng việc nhập khẩu vàng sẽ dẫn tới tình trạng buôn lậu, nhưng chính việc cấm nhập khẩu mới làm gia tăng buôn lậu và vàng nhái SJC, vì lượng vàng nguyên liệu khan, trong khi cầu tăng đột biến.
NHNN nên có chính sách để tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp cũng như người dân khi kinh doanh vàng bằng cách cân đối cả gia công vàng phi SJC và tăng cường từ nhập khẩu.
Trao đổi với báo chí, ông Cao Sỹ Kiêm - Nguyên Thống đốc NHNN cho rằng: “NHNN quá chậm chạp trong việc bình ổn giá vàng. 13 tấn vàng dập lại chưa thể làm giá vàng trong nước sát giá thế giới, vì bản chất nguồn cung trên thị trường đang thiếu trầm trọng.
Với tình hình hiện nay, ông Kiêm cho rằng NHNN nên cho nhập khẩu vàng. “Nếu nhập 20 tấn vàng trở lại thì sẽ không ảnh hưởng gì đến tỷ giá USD/VNĐ”- Ông Kiêm nói.
Theo Tiền Phong