S&P nói gì khi rút lại đánh giá tín nhiệm HAGL?

Thứ tư, 03/10/2012, 07:15
Hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) cho biết vừa rút lại tất cả các đánh giá tín nhiệm mà hãng này dành cho Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai. Động thái này được S&P lý giải là thực hiện theo yêu cầu của Hoàng Anh Gia Lai.

>> Công ty bầu Đức yêu cầu S&P rút công bố xếp hạng tín nhiệm

Ngày 1/10, S&P công bố rút lại bản báo cáo giá tín nhiệm dành cho Hoàng Anh Gia Lai mà tổ chức này vừa công bố ngày 1/10. Trong báo cáo ban đầu của S&P, tổ chức này đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp dài hạn đối với Hoàng Anh Gia Lai ở hạng ‘B-’, đi kèm triển vọng ‘tiêu cực’.

Đánh giá này không thay đổi so với kết quả đánh giá tín nhiệm mà S&P đưa ra đối với Hoàng Anh Gia Lai hồi tháng 7. Cùng với đó, đánh giá tín nhiệm dành cho số trái phiếu không đảm bảo có thứ hạng ưu tiên cao đáo hạn vào năm 2016 của Hoàng Anh Gia Lai cũng giữ ở mức ‘B-’.

Tuy nhiên, “sau đó chúng tôi rút lại tất cả các đánh giá trên theo đề nghị của Hoàng Anh Gia Lai”, S&P cho biết.

 
S&P cho biết, trước khi tổ chức này rút lại đánh giá tín nhiệm đối với Hoàng Anh Gia Lai, thì hồ sơ rủi ro kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai là ở cấp độ ‘dễ bị tổn thương’ và hồ sơ rủi ro tài chính là ở cấp độ ‘vay nợ cao’.

“Ở thời điểm rút đánh giá tín nhiệm, đánh giá đối với Hoàng Anh Gia Lai phản ánh quan điểm của chúng tôi về mức độ thanh khoản yếu, rủi ro cao đi kèm với việc thực thi các kế hoạch mở rộng mạnh mẽ của Hoàng Anh Gia Lai cũng như dòng tiền không ổn định của doanh nghiệp này”, nhà phân tích tín nhiệm Wee Khim Loy của S&P nhận định.

Nhưng chuyên gia Wee cũng cho rằng, cơ cấu chi phí bất động sản có lợi của Hoàng Anh Gia Lai trong lĩnh vực phát triển bất động sản và tên tuổi thương hiệu đã vững vàng của công ty này ở Việt Nam là những thế mạnh bù đắp cho những điểm yếu nói trên.

S&P cho biết, trước khi tổ chức này rút lại đánh giá tín nhiệm đối với Hoàng Anh Gia Lai, thì hồ sơ rủi ro kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai là ở cấp độ ‘dễ bị tổn thương’ và hồ sơ rủi ro tài chính là ở cấp độ ‘vay nợ cao’.

S&P nhận định, môi trường kinh doanh thách thức trong 6-12 tháng tới sẽ tiếp tục ảnh hưởng bất lợi tới tình hình hoạt động và gia tăng áp lực đối với dòng tiền của Hoàng Anh Gia Lai. Tổ chức này dẫn chứng rằng, trong 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận hoạt động của Hoàng Anh Gia Lai giảm mạnh xuống còn 258,3 tỷ đồng, so với mức 1.706 tỷ đồng của cả năm 2011.

“Chúng tôi dự báo doanh thu bất động sản của Hoàng Anh Gia Lai còn chịu áp lực trong thời gian còn lại của năm 2012 do biến động tỷ giá tiền đồng, mức lãi suất khá cao, và sự thận trọng của khách hàng trong vấn đề mua nhà”, báo cáo của S&P cho biết.

Theo quan điểm của S&P, nguồn thu bán điện từ các dự án thủy điện sẽ chỉ bù đắp một phần khiêm tốn sự suy giảm mạnh mẽ của nguồn thu bán bất động sản của Hoàng Anh Gia Lai trong thời gian còn lại của năm 2012.

Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu từ bán căn hộ của Hoàng Anh Gia Lai giảm còn 598 tỷ đồng, so với mức 1.766 tỷ đồng của năm 2011, S&P đưa số liệu. Tổ chức này cũng không kỳ vọng các mỏ quặng sắt của Hoàng Anh Gia Lai sẽ tạo ra dòng tiền đáng kể trong vòng 6 tháng tới.

S&P dự báo, chi phí đầu tư cơ bản của Hoàng Anh Gia Lai năm nay sẽ vào khoảng 4,6 nghìn tỷ đồng. Trong nửa đầu năm nay, Hoàng Anh Gia Lai đã đầu tư cơ bản khoảng 3,6 nghìn tỷ đồng.

Theo S&P, trước khi rút đánh giá tín nhiệm, tổ chức này đánh giá mức độ thanh khoản của Hoàng Anh Gia Lai là ‘yếu’. “Chúng tôi ước tính rằng nguồn tiền thu về của công ty trong năm 2012 sẽ thấp hơn so với số tiền mà công ty sử dụng do chi phí đầu tư cơ bản mạnh mẽ vào các rừng cao su, dự án thủy điện và mỏ quặng sắt”.

Đánh giá của S&P về thanh khoản của Hoàng Anh Gia Lai cũng đã tính đến yếu tố doanh nghiệp này tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các ngân hàng trong việc đảo các khoản nợ ngắn hạn và Hoàng Anh Gia Lai có sự tiếp cận tốt với thị trường vốn trong nước.

Theo nhận định của S&P, thì hơn 80% số nợ ngắn hạn của Hoàng Anh Gia Lai liên quan tới lĩnh vực thủy điện, khai mỏ và trồng cao su, đều là những ngành được Chính phủ Việt Nam khuyến khích, không như bất động sản.

“Triển vọng ‘tiêu cực’ đối với Hoàng Anh Gia Lai trước khi rút đánh giá tín nhiệm phản ánh quan điểm của chúng tôi rằng, thanh khoản của công ty này còn yếu trong 12 tháng tới”, chuyên gia Loy phát biểu.

S&P cho biết, quan điểm của tổ chức này dựa trên dự báo rằng, doanh số bất động sản của Hoàng Anh Gia Lai còn chịu áp lực trong 6-12 tháng tới đây. Ngoài ra, mức đầu tư cơ bản cam kết của Hoàng Anh Gia Lai là lớn. Sự cải thiện thanh khoản của doanh nghiệp này sẽ phụ thuộc vào những nguồn nhất định, chẳng hạn như bán tài sản.

“Ở vào thời điểm rút đánh giá, khả năng được thăng hạn tín nhiệm của Hoàng Anh Gia Lai trong 12 tháng tới là hạn chế, xét tới những rủi ro nói trên”, S&P kết luận.


Theo VnEconomy

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn