Ngày 28/9/2012, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đã có Công văn số 1754 thông qua hồ sơ đăng ký niêm yết 2.301.170.542 cổ phiếu của BIDV.
Bà Trần Thị Anh Đào, Trưởng phòng Quản lý và thẩm định niêm yết HOSE cho biết, hồ sơ của BIDV cần bổ sung giá cổ phiếu niêm yết lần đầu. Sau khi Ngân hàng bổ sung giá, HOSE sẽ cấp quyết định niêm yết chính thức và trong vòng 90 ngày, cổ phiếu sẽ được đưa vào giao dịch, ngày niêm yết do BIDV lựa chọn.
Trước đó, ngày 25/5/2012, HOSE đã có thông báo về việc nhận được hồ sơ niêm yết lần đầu 2,3 tỷ cổ phiếu của BIDV, tổng giá trị theo mệnh giá là 23.012 tỷ đồng. Tổ chức tư vấn niêm yết là CTCK BSC. Tuy nhiên, hồ sơ niêm yết của BIDV khi đó chưa đầy đủ, vì thiếu báo cáo kiểm toán và biên bản bàn giao doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Tại ĐHCĐ của BIDV, Ban lãnh đạo Ngân hàng cho biết, BIDV có thể sẽ niêm yết vào ngày 26/6. Kế hoạch này sau đó được HĐQT BIDV lùi sang tháng 7/2012. Lý do là chờ công bố báo cáo tài chính 6 tháng, để có thêm nhiều thông tin về tài chính của Ngân hàng cho các cổ đông trước khi đưa cổ phiếu lên niêm yết.
Đến ngày 30/7/2012, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cấp mã chứng khoán BID cho BIDV và cho phép lưu ký 2.301.170.542 cổ phiếu của Ngân hàng. Tuy nhiên, hết quý III/2012, cổ phiếu BIDV vẫn chưa lên sàn.
Chỉ cần bổ sung giá cổ phiếu niêm yết lần đầu là BIDV sẽ được cấp phép niêm yết chính thức
Giới chuyên gia chứng khoán nhận định, yếu tố khiến việc niêm yết cổ phiếu BIDV gặp khó khăn là do thị trường liên tục suy giảm, khiến nguy cơ nếu một lượng lớn cổ phiếu BIDV niêm yết sẽ bị “ế”, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Trao đổi với PV, ông Phạm Quang Tùng, Phó tổng giám đốc BIDV nhấn mạnh, BIDV chắc chắn sẽ niêm yết trong năm nay, vì theo quy định, 1 năm sau IPO sẽ phải niêm yết (Nghị định số 58/2012/NĐ-CP). Hiện tại, BIDV không gặp phải khó khăn gì khi niêm yết, vì quan trọng nhất với Ngân hàng là tính thanh khoản, nên càng niêm yết sớm thì càng tốt.
Từ ngày 29/10/2012, theo Thông tư số 26/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, một trong những điều kiện để ngân hàng được niêm yết là có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% trong 2 quý liền kề. Được biết, tỷ lệ nợ xấu quý I/2012 của BIDV là 2,99%, quý II/2012 là 3,29%. Như vậy, nhiều khả năng tỷ lệ nợ xấu quý III/2012 của BIDV sẽ cao hơn 3%. Nếu chiếu theo chuẩn niêm yết mới, thì BIDV sẽ không được niêm yết.
Tuy nhiên, ông Tùng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có Văn bản số 3005 chấp thuận việc niêm yết cổ phiếu BIDV trên HOSE từ ngày 22/5/2012. Do Thông tư mới không hồi tố, nên không ảnh hưởng gì đến kế hoạch niêm yết của BIDV.
Giá khởi điểm nào cho BIDV?
Ngày 29/12/2011, toàn bộ số lượng cổ phần BIDV đưa ra đấu giá tại Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã được bán hết, với tổng giá trị 1.575 tỷ đồng. Giá trúng thấp nhất 18.500 đồng/CP (bằng giá khởi điểm), giá cao nhất đặt mua là 35.000 đồng/CP, giá trúng bình quân là 18.583 đồng/CP. Tổng số NĐT trúng giá là 16.197 người, trong đó có 128 tổ chức và 16.069 cá nhân. Hơn 42% cổ phần đăng ký mua là cán bộ, nhân viên BIDV.
HNX cho biết, tại phiên đấu giá, ba mức giá được đặt mua cao nhất là 35.000 đồng (1.000 cổ phần), 30.000 đồng (400 cổ phần) và 26.000 đồng (1.000 cổ phần). Ba mức giá có khối lượng đặt mua cao nhất là 18.500 đồng (100,73 triệu CP), 18.600 đồng (28,6 triệu CP) và 18.800 đồng (4,58 triệu CP). Tại mức giá trúng thấp nhất, tỷ lệ cổ phần phân phối là 44,42%.
Tại ĐHCĐ lần thứ nhất của BIDV ngày 8/3/2012, Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà phát biểu, giá chào sàn của BIDV sẽ không thấp hơn 150% mức đấu giá bình quân tại thời điểm IPO (tương đương hơn 27.800 đồng/CP).
Với diễn biến của TTCK hiện tại, mức giá dự kiến nêu trên của BIDV khó có thể được thị trường chấp nhận. Bản tin ngày 1/10/2012 của CTCK VCBS nhận định, thiếu vắng thông tin tích cực hỗ trợ, thị trường đã không thể đẩy lùi được những lo ngại về triển vọng yếu kém của nền kinh tế, cũng như những khó khăn mà các DN vẫn đang phải đối mặt, trong đó có áp lực từ việc giá cả đầu vào tăng cao, hàng tồn kho lớn và sức cầu yếu.
Hai chỉ số chứng khoán vì vậy cùng ghi nhận mức sụt giảm khá sâu, đáy mới trong lịch sử của HNX-Index đã được thiết lập. Bên cạnh đó, do lực cầu yếu nên tính thanh khoản của thị trường vẫn đang ở mức thấp đáng báo động. Trong ngắn hạn, VCBS chưa thấy có tín hiệu về khả năng hồi phục của thị trường.
Theo thống kê dựa trên số liệu giá tham khảo các cổ phiếu chưa niêm yết của CTCK TP. HCM (HSC), thời điểm gần nhất ghi nhận mức giá của BIDV là cuối tháng 8/2012, với mức 18.000 đồng/CP. Từ đó đến nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết giảm bình quân 5,5% giá trị, theo đó giá cổ phiếu BIDV có thể chỉ còn khoảng 17.000 đồng/CP.
Tuy nhiên, vấn đề giá khởi điểm nào cho BIDV không phải là quan trọng nhất với cổ đông của Ngân hàng tại thời điểm này, mà quan trọng hơn chính là thanh khoản của cổ phiếu. Thử tính một bài toán, mua cổ phiếu giá 18.500 đồng/CP để nhận mức cổ tức dự kiến là 14%/năm (tương đương 7,5% nếu mua ở mệnh giá), cổ đông BIDV đang chịu thiệt, bởi lãi suất tiền gửi tiết kiệm thời gian qua ở mức cao khoảng 9 - 14%/năm.