“Phố Tây” không bao giờ ngủ

Thứ hai, 14/01/2013, 10:47
Khi cả thành phố đã ngủ say, phố Bùi Viện (nằm trong ngã ba ăn chơi của Sài Gòn: Bùi Viện - Phạm Ngũ Lão - Đề Thám) mới bắt đầu cuồng nhiệt. Những cô gái lả lơi, uốn éo trong lòng các ông khách tây trong tiếng nhạc ầm ỹ. Thi thoảng lại có đôi ngất ngưởng dìu nhau đi tìm bãi đáp. 
“Phố Tây” không bao giờ ngủ
Quán bar chật ních người

12h đêm, vừa đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, anh bạn kiến trúc sư gốc Bắc đã gọi điện. “Lên taxi về ngay phố Bùi Viện, quận 1 nhé”.  Anh lái taxi khi nghe điểm đến hỏi luôn “anh làm tour du lịch à? Ra phố Tây giờ này đông vui lắm”.

15 phút sau, vừa đến đầu phố tôi đã choáng ngợp bởi tiếng nhạc sàn phát ra chát chúa. Ngay lề đường, cả tây lẫn ta ngồi la liệt, ánh đèn chớp nhiều màu lập lòe. Anh bạn dắt tôi vào hàng bia lề đường cuối phố. “Cứ ngồi đây đã, tí nữa anh dẫn chú lên đầu phố, khối chuyện để xem đấy”.

“Đêm Sài Gòn, ngồi đây là đông vui nhất. Ngồi thoải mái đến sáng, nhâm nhi mấy chai bia, đồ ăn không đắt lại tha hồ ngắm… tây lẫn ta”, anh bạn tôi nháy mắt.

Quả thật, người đi lại như mắc cửi. Tây có, ta có, tây mặc thoáng đã đành ta còn thoáng hơn. Quần áo cũn cỡn khoe da thịt, phấn son đậm đà. Ngay phía bên kia đường, một quán bar bày cả bàn ghế trên lề đường, mấy ông Tây ba lô thản nhiên ôm ấp các “kiều nữ” với đủ tư thế.

Lạ là ở chỗ, tầng một trông như quán bar nhưng tầng trên lại tồi tàn như những nhà ống lâu năm. Cửa mở nhưng lại che vải đến 2/3, phía trong là ánh đèn hồng mờ ảo.

Trả lời thắc mắc của tôi, anh bạn tủm tỉm “có nhu cầu thì lên tầng luôn!”. Toàn “người tình thuê” cả đấy, giá nào cũng có từ 10 đô đến vài trăm đô, mà các cô không thích dân châu Á đâu, cứ phải tóc xanh mũi lõ, bao nhiêu tuổi cũng chiều”, bạn tôi giảng giải.

1h đêm, một du khách người Úc, chừng 60 tuổi lảo đảo ngồi vào cạnh bàn chúng tôi. Với giọng khàn khàn, ông ta ngồi lẩm bẩm hát những bài ca buồn về tình yêu của Bob Dylan.

Hỏi chuyện được biết vợ ông ta đã bỏ ông 10 năm nay. Ông ta đến TP.HCM sống bằng tiền trợ cấp, thuê nhà trọ, sáng ngủ, tối đi chơi. Cứ thế mà cũng vài năm rồi…

Xung quanh chúng tôi, nhiều bàn các “thực khách”  ngoại quốc ngồi rôm rả, có người cầm mỗi chai bia cả tối.“Ở đây chẳng bao giờ đóng cửa, sáng chiều bán đồ ăn nhẹ, tối, đêm bán bia”, chị chủ quán nói.

2 giờ đêm, anh bạn tôi bảo: “Nhổ neo thôi, lên đầu phố”. Hơn két bia với 2 đĩa cánh gà hết hơn 400.000 đồng. “Phố Tây mà rẻ nhỉ”, “Toàn Tây ba lô, đắt thì bán cho ma à?”, anh bạn trả lời thắc mắc của tôi.

Lên một quán bar to nhất nhì phố, anh bạn lấy một bàn ngay lề đường. Vừa ngồi xuống là đội quân bán dạo kẹo cao su, hoa hồng đã ùa tới, cả người lớn và trẻ con, một chị bế cả con nhỏ đang ngủ cũng đứng bán. Có đứa trong nhóm tóc vàng hoe, chắc là sản phẩm một cuộc tình một đêm nào đấy.

Hàng đoàn taxi đổ khách liên tục xuống quán này. Cứ cách vài nhà lại có các siêu thị mini mở cả đêm bán đủ thứ. Thỉnh thoảng lại có vài chị sồn sồn phóng xe qua ngó nghiêng.

“Chắc là đi tìm chồng hả anh?”, “Chồng con gì, “hàng” đấy, giờ này ra đường chỉ toàn cave thôi”, “Phố này tiện là có vài khách sạn, giá bình dân, thích là có “bãi đáp” luôn. “Ngã tư quốc tế” (Tạ Hiền – Lương Ngọc Quyến) ngoài Hà Nội chỉ bằng 1/10 ở đây, chưa kể ngoài đó đến 12h phải đóng cửa trong này thì vô tư”.

Trả lời thắc mắc của tôi khi thấy mấy bàn khách Tây lại có cả cô người Việt mang cả trẻ con, ăn mặc không khác mấy đứa bán kẹo cao su dưới lòng đường là mấy, anh bạn tôi nói khẽ: “Đánh vào lòng thương người đấy, tây nó mà nhận làm con nuôi thì nhà nó đỡ khổ. Chẳng cần phải nhập quốc tịch ngoại quốc, chỉ cần vài tháng nó lại cho mấy trăm đô là sướng rồi. Mà đấy không phải mẹ nó đâu, trẻ thế đã làm gì có con”.

Tôi nghe xong vừa chạnh lòng, vừa ớn lạnh cho các em khi ngộ nhỡ gặp phải những kẻ xấu, bệnh hoạn.

3h sáng, khách vẫn nườm nượp ra vào. Có điếu thuốc lá hút dở vừa vứt xuống lòng đường là có ngay nhân viên của quán ra dọn ngay. Để ý mới thấy quán nào cũng thế.

“Có lẽ được sử dụng lề đường nên phải giữ vệ sinh?”, anh bạn chẳng buồn trả lời thắc mắc hồn nhiên của tôi mà đứng dậy, cầm chai bia kéo tôi lên tầng hai.

Qua một cánh cửa nhỏ có người bảo vệ, là căn phòng khoảng chừng 40m2 với cơ man nào là người không khác gì một sàn nhảy thu nhỏ. Nhạc ầm ĩ, khói thuốc từ những bình shisha nghi ngút đủ màu. Chen lấn một hồi chúng tôi mới trèo lên được gác xép của sàn nhảy.

Trên đó chỉ có vài ba đôi đang nhảy nhót không ngừng với những hành động uốn éo kỳ dị. Có em đeo kính không hề nhảy đứng yên nhìn xuống dưới, lại gần mới biết hóa ra đằng sau em, một anh Tây đen đang đưa tay mình “khám phá” khắp nơi. “Cứ chụp ảnh thoải mái, ở đây không cấm đâu em”, biết ý tôi, anh bạn nhắc.

“Phố Tây” không bao giờ ngủ
Phố Bùi Viện ban đêm

Mất một lúc chúng tôi mới chen được về phía quầy bar, anh bạn nhắc ngay “cẩn thận kẻo mất đồ nhé”. Ở quầy bar không ít các em đứng hút thuốc một mình. “Gay đấy! bọn này toàn lừa Tây say thôi, 40% ở đây là lừa đảo”, anh bạn hét vào tai tôi. Hóa ra thế, ở đây đủ cả, từ những “cô gái ăn sương”, đến những cô có ước mơ lấy chồng Tây, cả những người thuộc thế giới thứ 3 nữa…

4h30 sáng, 2 anh Tây sau một hồi tu hết vài chai rượu quay ra choảng nhau ngay tại sàn nhảy. Mấy anh bảo vệ lực lưỡng xông vào ghì cổ lôi ra ngoài. Quá nhức đầu vì đứng cạnh cái loa công suất lớn, tôi ra hiệu bảo anh bạn ra về.

Đi bộ về khách sạn bình dân cuối phố, anh bạn tôi nói: “Một ngày các quán ở đây kiếm nhiều tiền lắm đấy, nhạc bật to đến sáng nhưng nhà nào không chịu được là có người mua ngay. Đây là nơi ăn chơi chủ yếu củaTây ba lô, Tây sang trọng chơi ở các vũ trường lớn cơ”.

Tôi bước mà lòng nặng như chì. “Phố Tây” không bao giờ ngủ, phận người nhỏ nhoi thức trắng đêm…

Theo ANTĐ

Các tin cũ hơn