Mức "treo thưởng" kỷ lục
Những ngày qua, người dân, đặc biệt là các chủ, nài voi tại tỉnh Đăk Lăk bàn tán xôn xao về thông tin HĐND tỉnh vừa ban hành nghị quyết về việc quy định một số chính sách bảo tồn voi.
Trong đó, nghị quyết có nêu rõ, nếu voi cái mang thai, sinh sản và nuôi con được thì chủ voi được hỗ trợ hơn 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, các nài voi cũng được hỗ trợ từ 6 triệu đồng (đối với nài voi đực). Đặc biệt, đối với nài voi cái, số tiền hỗ trợ lên đến 168 triệu đồng.
Trước mức "trao thưởng" quá khủng này, nhiều chủ, nài voi mới đầu tỏ ra bán tín bán nghi. Họ vô cùng bất ngờ khi biết dự án bảo tồn voi vừa được HĐND tỉnh Đăk Lăk thông qua có kinh phí hỗ trợ tới hàng chục tỉ đồng. Trong đó, "khủng" nhất là số tiền cấp cho chủ voi cái nếu voi đẻ được con.
Theo đó, đối với chủ voi, tỉnh Đăk Lăk sẽ hỗ trợ 500 ngàn đồng/ngày cho 30 ngày voi động dục, giao phối; 300 ngàn đồng/ngày cho 10 tháng đầu voi mang thai và 600 ngàn đồng/ngày cho 18 tháng mang thai cuối. Như vậy, tính tổng số tiền mà chủ voi sẽ được nhận khi "ép" được voi sinh sản là hơn 400 triệu đồng.
Về phần nài voi, họ được trả công chăm sóc voi 200 ngàn đồng/ngày trong 28 tháng đối với nài voi cái. Bên cạnh đó, voi đực là đối tác "góp công" nhân giống cũng sẽ đem lại cho chủ và nài 24 triệu đồng. Tổng cộng, nài voi sẽ nhận được 170 triệu đồng để giúp voi đẻ.
Nhiều chủ, nài voi tại huyện Buôn Đôn, địa bàn tập trung nhiều voi nhà của tỉnh Đăk Lăk cho biết: "Khi nhận được thông tin trên, chúng tôi cảm thấy hết sức vui mừng. Bởi cuối cùng một chính sách quyết liệt để bảo tồn loài voi đã được các cơ quan Nhà nước thực hiện. Hiện có nhiều chủ, nài voi tại đây đang họp bàn tìm "kế sách" hay nhất để giúp voi sinh sản được trong thời gian tới.
Một số biện pháp cũng đã được lập ra nhưng chúng tôi đang tính toán kỹ để áp dụng sao cho hiệu quả nhất. Bởi thời gian mang thai của voi khá dài, nếu không thành công thì sẽ mất rất nhiều thời gian, tiền của để thực hiện lại".
Voi nhà tại Đăk Lăk phục vụ khách du lịch.
Ông Y Đê (ngụ huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk), người từng mấy chục năm nuôi voi nhà chia sẻ: "Ngoài mức "treo thưởng" cho chủ, nài voi, HĐND tỉnh Đăk Lăk còn thực hiện hàng loạt chương trình hỗ trợ khác như cơ quan chuyên môn tổ chức khám chữa bệnh miễn phí định kỳ cho voi nhà. Cơ quan này sẽ tư vấn cách chăm sóc voi cho người dân...
Bằng những chính sách hỗ trợ thiết thực và đánh trúng vào điều kiện thực tế của chủ, nài voi khi nuôi dưỡng, chăm sóc, nghị quyết bảo tồn voi của HĐND tỉnh Đăk Lăk nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn hồ hởi đón nhận thông tin trên, nhiều chủ, nài voi "khựng lại" vì nhận ra rằng, việc "ép" voi đẻ vào thời điểm hiện tại là điều không hề dễ dàng".
Hàng trăm kế sách, trăm lần thất bại
Trước thông tin người dân cho rằng, việc lĩnh được 400 triệu đồng tiền thưởng là quá lớn, PV đã tìm đến "thủ phủ" của loài voi, tỉnh Đăk Lăk. Theo lời giới thiệu của người dân, chúng tôi tìm gặp ông Y Mom (ngụ huyện Lắk, tỉnh Đăk Lăk), người từng tìm cách làm cho 2 con voi nhà của mình sinh sản nhưng nhiều năm không thu được kết quả.
Trao đổi với chúng tôi, ông Y Mon chia sẻ: "Nhiều năm qua, không ít người nói rằng cứ cho voi cái và voi đực sáp lại gần nhau thì chúng sẽ tự sinh sản. Nhưng có nuôi mới biết được, loài voi vô cùng "khó tính" trong chuyện sinh sản.
Trước đây có một con voi đực và một con voi cái, tôi đã áp dụng hàng trăm cách để chúng "yêu" và sinh ra voi con nhưng vẫn thất bại. Đến khi chúng đã quá già thì việc sinh sản đã ngoài tầm tay, đành bất lực nhìn chúng chết".
Theo ông Y Mom, thời gian trước đây, ông từng giúp cho nhiều voi nhà của một số người dân "yêu" và cặp đôi với nhau trong một thời gian. Tuy nhiên, chuyện chúng sinh con thì mãi không thể xảy ra. Sau này, cất công tìm hiểu, ông Y Mom phát hiện ra loài voi cực kỳ khó tính trong chuyện "tình cảm", đặc biệt là voi cái.
Nếu nó không "ưng bụng" thì có cố ép đến mấy, kết quả thu được chỉ là con số không tròn trĩnh. Đặc biệt, những con voi đực và voi cái nuôi nhốt cùng một chỗ thì chuyện chúng "yêu nhau" rồi sinh sản là chuyện rất khó có thể xảy ra.
Bởi chúng quá quen thuộc nhau và không tìm được "cảm hứng" để "yêu". "Voi cũng có tâm tính gần giống như người. Chúng phải thích nhau thì mới chịu cho "ghép đôi". Nếu không thì đừng hòng con đực được voi cái chấp nhận", ông Y Mon cười móm mém.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Thi, chuyên gia nguyên cứu về tập quán sinh sản của loài voi tại Việt Nam cho biết: "Qua nhiều nghiên cứu thực tế trên voi cho thấy, loài này rất khắt khe trong quá trình tìm bạn tình. Trước khi chúng làm bạn với nhau, hai cá thể đực, cái phải có một quá trình tìm hiểu vô cùng lâu dài.
Thậm chí, chúng phải có quá trình theo đuổi nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, voi tại Đăk Lăk phần lớn được nuôi theo cá thể riêng lẻ. Trong trường hợp nếu có một cặp voi đực - cái thì chưa chắc đã sinh sản được ra voi con".
Cùng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Công Thoại, chuyên gia đa dạng sinh học trường ĐH Đà Lạt thừa nhận, ngoài việc không chịu làm bạn tình của nhau, tuổi tác của đàn voi nhà Đắk Lắk cũng là một rào cản. Bởi hiện phân nửa voi nhà tại đây đã quá già. Nhiều con lên chức "cụ" nên không còn nhu cầu "yêu" nữa. Bên cạnh đó, voi nhà do bị ngăn cấm, giờ chúng đã quá lứa, nên "lãnh cảm" với chuyện duy trì nòi giống từ lâu.
Một lý do khác cũng khiến voi nhà tại Đăk Lăk không thể sinh sản là vì chúng bị vắt "kiệt sức". Đã từ lâu, chúng bị lấy sức kéo và là "phương tiện" để người dân làm du lịch.
Bà Nguyễn Thị Hồng (56 tuổi, ngụ huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk) cho biết: "Buôn Đôn là nơi có số lượng voi làm du lịch lớn nhất trong tỉnh và cả nước. Thông thường, mỗi con voi phải làm việc từ 6 -7 tiếng hàng ngày phải cõng 4 - 6 khách trên lưng. Tối về, chúng bị đem đi xích ở rừng.
Chính vì thế, voi nhà không còn thời gian để vui chơi, tìm hiểu bạn tình. Ngoài ra, các chủ voi cái cũng không muốn cho voi mình gần gũi với voi đực. Họ sợ voi cái bị thương, không đi làm du lịch được...".
Quá nguy hiểm chuyện thả voi vào rừng để "yêu" Nhiều chủ, nài voi tại Đăk Lăk cho biết, nếu muốn voi "yêu" và sinh sản được thì phải thả voi đực và voi cái vào rừng. Bởi họ kháo nhau rằng, thời gian trước đây, một số chủ voi thực hiện cách làm này và thu được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, sau đó xảy ra tình trạng, nhiều kẻ đi săn nhắm vào thời cơ này để bắn chết voi lấy ngà, chặt đuôi. Sau đó, người dân hoảng sợ không dám làm cách này nữa. Mới đây, Trung tâm bảo tồn Đăk Lăk đã đưa ra một số chính sách bảo tồn voi. Tuy nhiên, các chính sách này cũng chưa đề cập đến những vấn đề ai chịu trách nhiệm tính mạng voi nhà khi chúng được thả ra rừng hay việc bảo hiểm cho voi... Điều này khiến tâm lý của các chủ, nài voi càng e ngại. |
Theo Nguoiduatin