Phun thuốc độc cho rau

Thứ hai, 14/01/2013, 07:22
 Vì lợi nhuận, nhiều người trồng rau ở hai huyện Diễn Châu và Quỳnh Lưu (Nghệ An) vẫn lén lút sử dụng các loại thuốc kích thích, thuốc trừ sâu hoá chất cực độc để phun cho rau.

Phun thuốc bừa bãi

Đầu tháng 1.2013, một số người dân ở gần các cánh đồng rau thuộc huyện Yên Thành gọi điện đến Báo NTNN phản ánh: Họ không dám ăn rau bởi người trồng phun thuốc kích thích tăng trưởng và thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, không rõ nguồn gốc, rất nguy hiểm đến tính mạng con người…

ATVSTP

Một số loại thuốc ngoài luồng được người trồng rau sử dụng.

Từ thông tin này, phóng viên đến cánh đồng rau ở xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, thấy la liệt vỏ các loại thuốc trừ sâu vứt bừa bãi. Trời nhá nhem tối nhưng vẫn nhộn nhịp người đang phun thuốc cho rau. Chúng tôi đến ruộng rau chị K đang phun thuốc, nhặt một vỏ bao và thực sự bất ngờ khi thấy dòng chữ “Diệt sâu như chớp”.

Bao thuốc có nhãn hiệu ARRIO USA (Mỹ), chứa hoạt chất cypermethin. Đây là loại thuốc sử dụng cho các loại cây công nghiệp nhưng vẫn được chị K sử dụng cho rau.

Một nông dân ở cạnh đó khoe: Bọn tui mua thuốc kích thích hiệu quả lắm, kích củ rất nhanh, xu hào bằng quả trứng chỉ sau 5-7 ngày phun thuốc là củ lớn, đem đi bán luôn. Đối với cải bắp chỉ phun kích thích khoảng 3 đợt để bắp mau cuốn lá, bắp cuốn rồi mà vẫn phun là bị “nổ” bắp luôn.

Sang vạt rau khác của một nông dân vừa phun thuốc xong, chúng tôi thấy vỏ bao thuốc “đặc trị bệnh khô vằn” DUO XIAO MEISU - loại này dùng đặc trị bệnh khô vằn trên cây lúa nhưng vẫn phun tràn lan cho rau.

Chúng tôi tiếp tục về làng rau xã Quỳnh Lương, (Quỳnh Lưu), chứng kiến cảnh nhiều người dân phun thuốc sâu không đeo găng tay, bịt mặt. Vỏ thuốc trừ sâu, vứt bỏ ngổn ngang, trắng đồng, đặc biệt là thuốc kích thích sinh trưởng và các loại thuốc trừ sâu nghi ngờ có nguồn gốc Trung Quốc như SHA CHONG SUANG 90W dùng để đặc trị sâu đục quả, cây có múi...

Buông lỏng quản lý

Tiếp xúc với bà con trồng rau ở một số địa phương, chúng tôi biết, hầu hết bà con rất ít được tuyên truyền, tập huấn về sử dụng thuốc BVTV. Vì thế, nguồn thuốc BVTV và thuốc kích thích trên rau đều được bà con mua ở các hàng mà không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Điều nguy hại là đa số các loại thuốc bà con sử dụng là thuốc BVTV cực độc dùng cho cây công nghiệp và lúa nhưng được phun trực tiếp cho rau xanh. Chỉ vài ba ngày sau phun là nhổ rau bán, khi mà lượng hoá chất đang còn tồn dư rất lớn.

Trong 10 loại thuốc BVTV mà chúng tôi đã kiểm tra được trên các cánh đồng rau ở Diễn Thành (Diễn Châu) và Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) thì ông Nguyễn Xuân Bình-Trưởng phòng Thanh tra Chi cục BVTV tỉnh cho biết: Có 7 loại thuốc trừ sâu nằm ngoài danh mục thuốc BVTV của Bộ NNPTNT quy định như SHA CHONG SUANG 90W, ARRIO USA (Mỹ), DUO XIAO MEISU, MI DAN 10 WP, DIAZOL, TA SIEU, REASGANT. Hầu hết các vỏ thuốc này đều có độ độc nhóm II, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người nhiễm thuốc.

Khi được hỏi có biết mức độ độc hại của thuốc trừ sâu hay không, nhiều người sinh sống ở gần cánh đồng rau cho hay: Chẳng bao giờ họ ăn rau ở đây vì hàng ngày luôn nhìn thấy cảnh phun thuốc khích thích sinh trưởng, phun thuốc BVTV nhiều quá mức cho phép.

Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi về thực trạng phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tràn lan trên rau thì các lãnh đạo xã, phòng nông nghiệp huyện hầu hết lại tự “khen” mình.
Ông Hồ Cảnh Sáu-Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương nói: Chúng tôi chủ yếu sử dụng nguồn của thuốc BVTV An Giang, tuyệt đối không sử dụng thuốc BVTV ngoài luồng, không sử dụng thuốc kích thích cho rau quả. Xã thường xuyên kiểm tra quá trình bà con sử dụng thuốc BVTV...

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Đức –Chi cục trưởng Chi cục BVTV Nghệ An thừa nhận: Công tác quản lý chất lượng, dư lượng thuốc BVTV trên rau, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ chưa nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, ngành. Việc quản lý kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV đang còn bị xem nhẹ, chủ yếu là trách nhiệm cơ quan BVTV.

Theo Danviet

Các tin cũ hơn