Ở thời điểm những căng thẳng với Nhật Bản và các láng giềng châu Á khác, trong đó có Việt Nam và Philippines, qua những tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, dễ thay đổi đột ngột, ông Tập đã đặt ra một số nguyên tắc cho Bộ chính trị mang tính định hướng ngoại giao cho Trung Quốc, tìm cách cân bằng những cam kết theo đuổi hòa bình với một cảnh báo rằng có những yêu cầu là bất khả xâm phạm với Bắc Kinh.
Trọng tâm của thông điệp đó là lời kêu gọi của ông Tập về “những lợi ích cốt lõi của quốc gia”, một cụm từ không rõ ràng và có tác động cực kỳ rộng mà ông và nhiều quan chức cao cấp khác của Trung Quốc nhiều lần từng dùng khi nói đến những lợi ích chủ quyền và an ninh mà họ cho là không thể đàm phán được.
Báo New York Times dẫn một đoạn diễn văn của ông Tập đã được Tân Hoa Xã tung ra hôm 29-1-2013 nói: “Các quốc gia bên ngoài không nên nuôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ thương lượng về những lợi ích quốc gia cốt lõi của chúng tôi. Họ cũng không nên nuôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ nuốt trái đắng gây tổn hại đến chủ quyền, an ninh và những lợi ích phát triển của quốc gia chúng tôi”.
Bài phát biểu của ông Tập không đề cập đến tranh cãi đang diễn ra của Trung Quốc với Nhật về một chuỗi đảo đá ở biển Hoa Đông, hay bất kỳ vấn đề nào khác của chính sách đối ngoại.
Nhưng lời lẽ của ông ta có thể củng cố những kỳ vọng dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc và nhiều lo âu ở nước ngoài rằng ông ta sẽ giữ chắc những tuyên bố chủ quyền kiên quyết hơn người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào của mình. Hồ Cẩm Đào vẫn giữ chức Chủ tịch nước Trung Quốc tới tháng ba, khi quốc hội làm lễ nhậm chức cho ông Tập vào vị trí đó.
Shen Dingli, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Mỹ tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, nhận định: “Đúng, đó là một chính sách cứng rắn hơn, nói rằng chúng ta không đổi chác những lợi ích cốt lõi của mình”.
Một giáo sư môn quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, Jin Canrong, thì cho rằng những bình luận của ông Tập vạch ra những giới hạn cho chính sách đã được thiết lập của Trung Quốc, nhưng dường như ý chí của ông Tập trong vấn đề khẳng định chủ quyền quyết đoán hơn người tiền nhiệm.
Trong một chuyến thăm Mỹ cách đây một năm, ông Tập cũng yêu cầu tôn trọng “những lợi ích quốc gia cốt lõi” của Trung Quốc. Từ năm 2009, một số quan chức cao cấp của Trung Quốc bắt đầu nhấn mạnh đến một định nghĩa về những lợi ích bao phủ những tuyên bố chủ quyền rộng rãi hơn, trong khi một số cố vấn chính sách tranh cãi rằng khái niệm mở rộng đó có thể làm Bắc Kinh vướng vào những tranh chấp tốn kém và không cần thiết.
Tập Cận Bình, 59 tuổi, được coi là có khả năng lãnh đạo Trung Quốc trong thập kỷ tới, đã thúc giục các lực lượng quân sự Trung Quốc tập trung huấn luyện cho khả năng xảy ra xung đột.
Theo CATP