Lễ dựng nêu bắt đầu bằng một đám rước, có đầy đủ nghi thức cờ lọng, trống kèn, đội nhạc, đội vác lêu và lính hầu… Xuất phát từ cửa Hiển Nhơn, đám rước băng ngang sân sau điện Thái Hòa đến đến Thế Tổ miếu. Tại đây, một hương án với đầy đủ vật phẩm, hương hoa được bày biện sẵn từ sáng sớm trên sân trước Hiển Lâm các.
Tốp lính vác cây nêu đi qua cửa Hiển Nhơn vào Hoàng thành Huế |
Lễ dựng nêu, còn gọi là lễ thướng tiêu nhằm ngăn ngừa ma quỷ xâm hại, quấy phá trong cộng đồng, nhất là trong những ngày đầu năm mới. Lễ là một tập tục có từ lâu đời của người phương Đông nói chung và người Việt nói riêng. |
Phần cúng bái của chủ tế và một số vị chức trách được tiến hành trang nghiêm và bài bản theo nghi thức truyền thống, theo tiếng hô xướng của vị “quan” cầm lỗ bộ, trong tiếng đại nhạc và tiểu nhạc cung đình. Cây nêu sau đó được dựng lên ở giữa sân cỏ, trở thành biểu tượng tranh đấu giữa cái thiện và cái ác, giữa thiên thần và quỷ dữ bảo vệ cuộc sống bình yên cho mọi người.
Dưới thời Nguyễn, tục dựng nêu được tổ chức rất bài bản, thường vào ngày 25 Tết Âm lịch như là một dấu mốc cho sự ngừng nghỉ các công việc làm trong năm.
Tiến sĩ Phan Thanh Hải, giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết: “Mục đích của lễ thướng tiêu vừa góp phần tạo nên bản sắc văn hóa truyền thống, vừa làm cho không gian cung đình thực sự ấm áp, thể hiện đúng văn hóa truyền thống xưa của người Việt.
Cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn góp phần giúp cho nhân dân và du khách hiểu thêm được những nét truyền thống đặc sắc của người Việt”.
Lễ hạ nêu tại sân Hiển Lâm các sẽ được tiến hành vào sáng mồng 7 tháng giêng, thành một dấu mốc cho một năm làm việc mới.
Đội nhạc cung đình trong lễ rước nêu |
Dâng hương trang trọng trước hương án đầy đủ lễ phẩm |
Cây nêu sẽ được dựng tại sân Hiển Lâm các – Hoàng thành Huế cho đến sáng mồng 7 tết Quý Tỵ |
Theo Tuổi Trẻ