Tết Nguyên đán là dịp nhà nhà sum họp, đón một năm mới, thưởng thức món ăn dân tộc và gửi đến nhau những lời chúc may mắn, hạnh phúc và an lành cho một năm mới.
Giao thừa, khoảnh khắc ấy thiêng liêng, đặc biệt với mỗi chúng ta bao nhiêu thì với những người Việt hiện đang sống, học tập, làm việc ở nước ngoài lại là giờ khắc xúc động và nghẹn ngào bấy nhiêu. Có dịp trò chuyện với những người Việt sống ở Mỹ, Pháp, Đức, Nga... chúng tôi ghi lại được nhiều câu chuyện khá xúc động của họ.
"Nhớ mùi bánh chưng đêm Giao thừa"
Từ miền nam nước Pháp xa xôi, bà Vũ Thị Liên (quê Hưng Yên,, hiện đang sống tại thành phố nhỏ Bagneres de Bigorre tâm sự: "5 cái tết xa quê, năm nào tôi cũng thèm khát được ăn tết cổ truyền tại quê hương mà không thể. Bố mẹ đã mất ở quê nên tôi sẽ chẳng bao giờ còn được trở lại cảnh cả nhà quây quần canh nồi bánh chưng rồi mở chiếc bánh đầu tiên cho đêm Giao thừa.
Tôi nhớ và thèm lắm nồi bánh chưng khi còn nhỏ, thèm cái cảnh cả nhà chuẩn bị gạo, đỗ, thịt gói bánh chưng, tất cả giờ chỉ còn lại trong ký ức".
“Ở thành phố tôi đang sống không hề có người Việt nào sinh sống như những vùng khác. Chồng tôi là người tây, biết vợ nhớ tết Việt nên mỗi độ năm mới về là lại chở vợ tới một thành phố khác cách nhà hơn 100km để mua vài chiếc bánh chưng, ít gạo nếp, đậu phộng, đỗ xanh và một số nguyên liệu như nấm, mộc nhĩ, miến để nấu xôi và làm nem. Đó là những món ăn đậm chất Việt mà lúc nhỏ mẹ tôi vẫn làm cho cả nhà thưởng thức", bà Liên tâm sự.
Cũng theo bà Liên, bên Pháp không có bàn thờ gia tiên như ở Việt Nam, tất cả lễ nghi, phong tục chỉ còn được nhớ và giữ trong đầu. Tết cũng chẳng có pháo, chẳng có tiền lì xì. Chỉ có xôi, bánh chưng, chả nem để mời vài người bạn thật thân thiết thưởng thức món ăn của Việt Nam.
Sống ở trời tây, bà chỉ còn biết kể cho chồng nghe tất cả về quê vợ, về phong tục tết cổ truyền của Việt Nam. Bà bảo: "Nhớ Việt Nam quá, có lần về quê, tôi đã mang một cây mai có rất nhiều nụ sang đây với hy vọng nó sẽ nở nhiều hoa nhưng nó không thể nở vì quá lạnh".
Sống ở Đức 26 năm, ký ức còn lại của anh Phùng Đình Khải (quê ở Phú Cường - Ba Vì, Hà Nội) hiện sống tại Đức nói về tết, anh Khải nhớ lại: "Ngày bé, chỉ là có gói bánh chưng, mùng một được mừng tuổi, rồi theo mẹ đi chúc tết họ hàng và hàng xóm hoặc kéo theo đám bạn đi chúc tết thầy cô".
Trò chuyện với anh rất nhiều lần, cả qua mạng, cả trên điện thoại nhưng chưa lần nào tôi thấy anh nói nhiều, nói dài không dứt xen lẫn trong những cảm xúc nhớ quê như khi nhắc về cái tết cổ truyền của dân tộc. Anh bảo, anh nhớ nhất hồi nhỏ, tết năm nào cũng hai túi quần đầy pháo. Sáng mùng một làm miếng bánh chưng rồi chạy đi tới chiều mới về, ăn xong lại đút đầy pháo vào túi quần rồi đi tiếp tới tối.
Người Việt họp mặt ở Đức.
"Hồi ấy trẻ con nghịch dại lắm! Cả lũ đi trên đường đê, thấy có đống phân trâu thì cắm pháo vào đó rồi đốt. Nhiều khi có người đi qua, đúng lúc pháo nổ, cả bọn lũ lượt hò nhau bỏ chạy. Chưa kể có mấy đứa còn nghịch hơn, thấy mấy cô gái đi xe đạp, các ông ấy châm pháo rồi chạy theo xe, đút xuống dưới yên xe đạp làm người ta hết hồn", anh Phùng Đình Khải kể.
Nói về ngày tết ở xứ người, anh bảo, những năm đầu ở Đức, trên bàn ăn ngày tết chỉ có vài món đơn sơ và bia rượu là chủ yếu. Nhớ không khí tết, vài cậu thanh niên bàn nhau mua diêm về và tự cuốn thành pháo, chừng 1 - 2 quả gọi là có khí thế. Ngồi vào mâm cỗ tết, món mà anh Khải sợ nhất là lúc Giao thừa là phải nhìn thấy cánh phụ nữ ôm nhau khóc.
Vài năm trở lại đây, mâm cỗ ngày tết của cộng đồng người Việt ở Đức đã nhiều hơn, có chân giò hầm măng, miến, nem và quan trọng nhất là nước mắm, một thứ nước chấm không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt Nam trên mâm cỗ. Tuy nhiên, theo anh Khải, bánh chưng là món rất khó để có được đúng hương vị quê nhà.
"Lá dong không có, chúng tôi phải gói một hai lớp giấy bạc, rồi bọc giấy ở bên ngoài. Có khi chỉ gói chừng cần 1 - 2kg gạo nếp nhưng phải luộc tới hai nồi vì phải luộc bằng nồi áp suất.
Cứ bật bếp lên, bánh chưng sôi rồi một lúc lâu lại tắt, để vài tiếng sau lại mở bếp tiếp, 2 - 3 lần như vậy là bánh đủ chín. Mấy năm nay, lá dong đã bắt đầu có mặt ở Đức nhưng giá khá đắt, một bó nhỏ xíu được vài cọng bán cả 10USD nên mọi người vẫn chỉ dám gói bên trong cho xanh gạo, bên ngoài vẫn phải dùng giấy bạc", anh Khải nói.
Chia sẻ về tết xa quê, anh Michael Bùi (quê Vũng Tàu, hiện sống tại 1816 George St., Ridgewood, Đông Bắc Hoa Kỳ) cho biết, 32 năm sống ở xứ người, tết là thời khắc anh nhớ nhà, nhớ tuổi thơ nhiều nhất. Anh bảo, những cái tết đầu tiên xa quê, tuyết trắng xóa, cả đám bạn chỉ còn biết ôm nhau khóc ròng nên hầu như mọi người Việt bên Mỹ rất sợ tết đến.
Giữ phong tục Tết Việt ở xứ người
Có nhiều người Việt, dù sống xa quê mấy chục năm trời nhưng tết đến, những phong tục Tết Việt luôn được gìn giữ. Các thế hệ người Việt sống ở nước ngoài cũng được cha mẹ, ông bà kể lại những nét văn hóa truyền thống quý báu ấy.
Việc gìn giữ Tết Việt ở xứ người cũng không hề đơn giản. Theo anh Phùng Đình Khải, người Việt Nam ở nơi anh sống có khoảng hơn 20 gia đình và phần đa định cư ở đây đã trên 20 năm.
Hiếm hoi lắm mới có một dịp để cùng nhau tổ chức tết, phần vì công việc mỗi người khác nhau, người làm công ty nghỉ cuối tuần, người mở tiệm ăn thì ngày đó lại bận tối tăm mặt mũi. Mặc dù vậy, cộng đồng người Việt tại đây vẫn cố gắng tổ chức tết, có khi một năm tổ chức một lần, có khi hai năm.
Ngoài thời gian thì khó khăn nhất là nơi tổ chức. Có năm chúng tôi phải đi thuê, nhưng cũng có năm mượn được của nhà thờ. Đăng ký thuê hoặc mượn phòng chúng tôi phải chuẩn bị từ ít nhất hai tháng trước đó.
Tết xa xứ đầy nước mắt...
Sau đó làm thông báo rộng rãi tới mọi người, kể cả những người ở vùng lân cận, rồi bầu ra ban tổ chức và mỗi người một chân một tay. Để chuẩn bị cho bữa tết chung đó, chị em phụ nữ sẽ chia nhau mỗi người một việc. Tiền thu được từ mọi người sẽ giao cho chị em đi chợ và sắp thành từng nhóm để chuẩn bị.
Ba bốn người chịu trách nhiệm gói bánh chưng sẽ cùng đi chợ và cùng làm nem. Một vài gia đình Việt Nam khác có quán ăn sẽ lo những thứ khác. Phần nhiều bà con mà gia đình có tịệm ăn ủng hộ, chứ không lấy tiền. Người nấu một nồi súp to, người thì làm cơm rang, mì xào, hoặc phồng tôm mang tới", anh Khải cho biết.
Để buổi liên hoan có thêm không khí vui tươi, một vài chị em lo dậy các cháu múa hát và chuẩn bị trang phục truyền thống áo dài trình diễn. Cánh đàn ông thì lấy trong vườn nhà một cây nếu có rồi về cắt hoa bằng giấy làm hoa đào cho có không khí tết.
Từ khi cậu con trai bắt đầu chập chững biết đi, anh Khải đã luôn mong muốn con biết một chút gì về quê hương, về Tết Việt. Theo đó, mỗi năm dịp Tết đến, anh đều gói 1 - 2kg gạo nếp. Cậu con trai của anh cũng nghiền ăn bánh chưng từ đó.
Những người định cư là vậy, tết của những nhân viên người Việt làm hợp đồng ở Nga cũng cảm động không kém. Trải qua 4 cái tết ở bên Nga, anh Nguyễn Văn Tùng (sinh năm 1988, quê Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội), hiện sống tại Cmonilo, nhà số 114 (thành phố Chelyabinsk, Nga) sợ nhất là thời khắc giao thừa đón năm mới.
Sang Nga năm 2008, anh Tùng làm nhân viên tại Spa Saigon, thuộc Tổng công ty OOO Binlco. Công ty Tùng có tất cả gần 50 người Việt Nam, mỗi dịp tết đến, mọi người lại tụ họp gói bánh chưng, bánh tét, tổ chức tết rất đông vui.
Đêm giao thừa, tất cả người cùng quây quần bên mâm cỗ và chiếc ti vi nghe Chủ tịch nước đọc diễn văn chúc mừng năm mới rồi cùng bắn pháo hoa, đón giao thừa, giao lưu văn nghệ hát nhạc xuân và cùng chơi trò chơi. Anh kể: "Món ăn tất cả đều là món cổ truyền Việt Nam, có cả tiết canh lợn. Mấy bạn nữ dùng một cành táo và hoa giả làm cành đào, rất nhiều bao lì xì được chuẩn bị để mừng tuổi. Sang mồng 5 tết, hoa táo nở trắng xóa rất đẹp".
Tuy xa quê nhưng những nhân viên này vẫn giữ tục xông nhà sáng mùng 1 tết. Cả ngày mùng 1 và mồng 2, công ty của anh Tùng đi trượt tuyết cùng cả người Nga. Những người bạn Nga cũng tham gia vào hoạt động tết ta của Việt Nam tổ chức vào đêm giao thừa ở tại nhà hàng Việt.
Giám đốc công ty anh Tùng cũng là người Việt nên những hoạt động tết được chuẩn bị chu đáo. Công ty còn đặt mua lá dong từ Việt Nam mang sang từ 28 tết để gói bánh chưng và làm giò lụa.
Đúng đêm giao thừa tính theo giờ Việt Nam, anh Tùng gọi điện về chúc tết cả nhà. "Cảm xúc lúc đó khó tả lắm, tôi cảm thấy nôn nóng, hồi hộp muốn hét lên và không cầm được nước mắt nếu thấy mẹ nghẹn ngào qua điện thoại. Đêm giao thừa, ai cũng muốn bay về nước, nhiều chị có chồng, con ở Việt Nam thì ôm nhau khóc vì nhớ. Sang năm, tôi sẽ cố gắng dành dụm tiền để về nước ăn tết cổ truyền", anh Tùng chia sẻ.
Theo thống kê, cộng đồng người Việt ở Mỹ hiện có gần 2 triệu người, đông nhất là bang California và Texas. Con số này chiếm gần một nửa tổng số hơn 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm ăn, học tập tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Người Việt ở Đức có chừng 125.000 người, tập trung đông nhất ở Thủ đô Berlin. Ở Pháp khoảng 300.000 người Việt và ở Nga khoảng 80.000 người. |
Theo Nguoiduatin