Thủ lĩnh của đế chế hùng mạnh đó là một người đàn bà 58 tuổi và giữ cương vị chủ tịch và giám đốc điều hành của tập đoàn kể từ năm 2004.
Mặc cho suy thoái kinh tế bao phủ toàn cầu nhưng dưới bàn tay lãnh đạo tài ba của "nữ tướng", Sabanci Holding đã liên tục tăng trưởng với tốc độ trung bình 12%/ năm trong suốt một thập kỷ qua. Và với đà này, tập đoàn hùng mạnh sẽ tiếp tục phát triển trong 10 năm tới.
Vào năm 2011, bà Sabanci vinh dự đứng thứ hai trong bảng xếp hạng "Top 50 nữ doanh nhân thế giới" trên Financial Times. Không những thế năm 2012, bà đứng thứ 93 trong danh sách xếp hạng "Những phụ nữ quyền lực nhất thế giới" của tạp chí lừng danh Forbes. Sabanci cũng là thành viên nữ đầu tiên của Hiệp hội các nhà doanh nhân công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ.
Bà Sabanci là thế hệ thứ ba trong một gia đình kinh doanh và cũng là người phụ nữ đầu tiên điều hành đế chế do ông nội bà là Haci Omer sáng lập vào đầu thế kỷ 20. Ban đầu tập đoàn hùng mạnh ngày nay là một doanh nghiệp dệt ở Adana, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Nữ doanh nhân quyền lực nhất Thổ Nhĩ Kỳ Sabanci đang kiểm soát hành chục công ty của tập đoàn. Mạnh tay đầu tư vào lĩnh vực xi măng, chi 200 triệu USD trong 5 năm để kiềm chế khí thải, mải mê với tham vọng tư nhân hóa một công ty phân phối năng lượng, ủng hộ thúc đẩy tiến trình gia nhập EU của đất nước....chính là chiến lược tham vọng của một...người đàn bà trong việc củng cố sức mạnh Sabanci Holding.
Năm 1978, sau khi tốt nghiệp đại học (23 tuổi), Guler Sabanci chính gia nhập đế chế gia đình- theo chân năm người chú bác. Nữ thanh niên ngày ấy bắt đầu sự nghiệp của mình tại một công ty sản xuất lốp xe mới thành lập của tập đoàn. Cũng kể từ đó, bà nhiều lần nắm giữ những cương vị điều hành quan trọng của công ty.
"Sản xuất lốp xe là một cái gì đó rất mới mẻ lúc bây giờ. Khi tôi tốt nghiệp ra trường, tôi đã nuôi hi vọng mình có thể tạo ra một chiến lược tuyệt vời để phát triển công ty".
Bà Sabanci rất tâm huyết với viện bảo tàng Sakip Sabanci- mang tên người chú đã khuất của mình. Chính ông đã hiến tặng cho viện bộ sưu tập tranh và thư pháp quý giá. "Chú ấy đã sống tại đây cùng gia đình trong suốt 25 năm. Và có lẽ chú đã rất hạnh phúc vì nó đã trở thành một viện bảo tàng", bà cho hay.
Từ thiện là một hoạt động quan trọng đối với Sabanci. Bà đã giữ cương vị hiệu trưởng trường đại học Sabanci kể từ khi thành lập nó vào năm 1996. Còn quỹ từ thiện Haci Omer Sabanci Foundation, nơi bà làm chủ tịch ủy ban quản trị đã huy động được đến hơn 1,5 tỷ USD kể từ năm 1974.
Bà cũng là một người đặc biệt tôn trọng quyền lợi nữ giới. "Không phải phụ nữ nào cũng có những thứ mà tôi có. Do vậy, nếu có thể làm được điều gì để giúp họ, tôi sẽ làm vì đó cũng là bổn phận của tôi". Sabanci cho biết, không có bất cứ rào cản nào đối với vai trò của bà trong đại gia đình quyền lực của mình nhưng bà phải đối mặt với rất nhiều thành kiến, kỳ thị từ trong và ngoài công ty.
"Tuy vậy, giờ đây chúng ta thật may mắn. Thế kỷ này là của chúng ta, của những người phụ nữ". Sabanci thường xuyên ăn trưa với các nhân viên nữ để họ cảm thấy họ được đối xử một cách công bằng.
Năm 2012, bà Sabanci nhận "Giải thưởng công dân toàn cầu Clinton"- giải thưởng do cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton sáng lập- cho những cống hiến của bà trong việc chấm dứt tình trạng hôn nhân trẻ em tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Sabanci chưa từng kết hôn hay có con. Bà cho biết bà không có thời gian để nghĩ đến gia đình riêng và cũng không có điều gì phải hối tiếc. "Sẽ không bao giờ hối tiếc! Tôi không có thời gian để hối tiếc. Tôi luôn có những dự án và ước mơ. Tôi phải hành động và đi tiếp. Đó mới là con người tôi".
Theo VEF