Dân rủ nhau bỏ phố về tết sớm, chuyên gia nói gì?

Thứ ba, 05/02/2013, 17:31
Các nhà xã hội học, chuyên gia kinh tế cùng "mổ xẻ" nguyên nhân khiến người dân rời thủ đô về quê đón tết sớm hơn mọi năm.

Một ngày sau khi tiễn ông Táo về trời, đường phố Hà Nội kém đông vui hơn hẳn so với cùng kì năm trước. Theo ghi nhận của PV tại các bến xe ở thủ đô, lượng người rời thành phố sớm để về quê đón tết tăng vọt.

Tuy nhiên, các nhà xã hội học cũng như các chuyên gia kinh tế không quá bất ngờ trước chuyện người lao động lũ lượt rời thủ đô sớm hơn mọi năm.

ve que

Theo ghi nhận của phóng viên VTC News tại các bến xe ở thủ đô, lượng người rời thành phố sớm để về quê đón tết tăng vọt.

Trao đổi với PV, Tiến sĩ Nguyễn Đức Vinh – Trưởng phòng Dân số và phát triển thuộc Viện Xã hội học (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết: “Chúng tôi chưa có số liệu thống kê xem lượng người về quê ăn tết ở thời điểm này ra sao nên khó có thể so sánh một cách khoa học xem lượng người đó tăng hay giảm so với cùng kì năm ngoái để đi đến kết luận cụ thể.

Tuy nhiên, theo phản ánh của báo chí, dù mới chỉ 23, 24 âm lịch, nhưng nhiều người dân đã rời thành phố sớm, bắt xe về quê đón tết, tôi có thể lý giải như sau: Mọi năm, vào dịp cận tết người ta có nhiều cơ hội làm ăn, dễ kiếm tiền hơn nên họ ở lại tới tận đêm 30 tết cũng được. Năm nay có thể họ đang làm, nhưng cảm thấy không ăn thua lắm nên bỏ dở, về quê ăn tết thôi”.

“Thật ra không phải vì đến ngày tiễn ông Táo, người ta lũ lượt kéo nhau về thì đáng lo ngại. Mà điều đáng lo ngại đã được nói đến trong suốt năm qua đó là kinh tế suy thoái.

Chuyện người ta rủ nhau về quê sớm chỉ như thêm một bằng chứng cho những hậu quả chúng ta nhìn thấy được khi nền kinh tế suy thoái, chứ không phải điều mới.

Khi kinh tế suy thoái, thu nhập của người dân giảm đi, tỉ lệ thất nghiệp cao hơn kéo theo sự bùng nổ của các tệ nạn xã hội như nạn trộm cắp... Đó mới chỉ là những suy luận theo lý thuyết của tôi còn thực tế thì khó nói trước.

Năm nay tôi đoán mọi người sẽ chi tiêu ít hơn còn vui hay không còn tùy vì ngay cả khi nghèo đói, thời chiến tranh người ta vẫn vui vẻ đó thôi. Theo quan sát của tôi, không khí mua sắm có vẻ kém nhộn nhịp so với cùng kì mọi năm”, ông Vinh nói thêm.

Đồng quan điểm với ông Vinh, ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội lý giải: “Do doanh nghiệp gặp khó khăn phải ngừng sản xuất hoặc sản xuất đình trệ, thậm chí có doanh nghiệp phải giải thể, bị phá sản…nên người lao động phải trở về nông thôn sớm.

Dù sao ở nông thôn cũng có một hệ số an toàn vì đó là quê nhà của họ, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau. Về mặt chủ trương, Đảng và Nhà nước ta vẫn khẳng định là tiếp tục quan tâm tới các đối tượng chính sách, các hộ nghèo và chắc chắn họ sẽ nhận được sự quan tâm.

Tuy nhiên, sự quan tâm đó chỉ là hỗ trợ thôi chứ không thể giải quyết được các nhu cầu căn bản của những đối tượng đó trong dịp tết này. Do vậy sẽ có một bộ phận người nghèo rất khó khăn trong việc đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là dịp Tết này.

Theo tôi, có lẽ nhiều người sẽ phải cố bằng lòng, chấp nhận đón một cái tết không đầy đủ, thậm chí nhiều khó khăn”.

Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam phân tích: “Như tôi được biết, năm nay kinh tế khó khăn, việc kinh doanh của các doanh nghiệp không mấy thuận lợi nên thưởng Tết sẽ giảm nhiều so với trước.

Một số ngành những năm trước đây ở vào thời kì phát đạt thường thưởng Tết lớn như ngành ngân hàng, chứng khoán…, năm nay có lẽ sẽ thưởng ít đi. Một số ngân hàng gặp khó khăn thậm chí còn thông báo sẽ không có thưởng Tết.

Không chỉ thưởng Tết, các nguồn thu nhập khác của người lao động năm nay đã bị giảm sút nhiều. Tôi nghĩ rằng thưởng Tết là giọt nước tràn ly làm rõ hơn nữa việc đời sống của người lao động hiện nay đang còn gặp nhiều khó khăn.

Người lao động đã biết điều này rất rõ và họ cũng không ảo tưởng gì về mức thưởng Tết năm nay cho nên chắc chắn họ sẽ chi tiêu một cách tiết kiệm, thận trọng trong tình hình hiện nay”.

Có thể thấy, chuyện người lao động lũ lượt về quê đón tết sớm hơn mọi năm là một trong những bằng chứng hùng hồn cho những hệ lụy có thể nhìn thấy được từ việc suy thoái kinh tế.

Theo TS Lê Quốc Phương, Phó giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công thương, năm 2012 bức tranh kinh tế thế giới ảm đạm làm ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam.

Năm kinh tế 2012 đã đi qua, chúng ta đang bước vào năm 2013 với nhiều nỗi hoang mang giữa lúc các chuyên gia nhận định tình hình năm 2013 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận xét, chương trình tái cơ cấu kinh tế là rất mờ ảo.

Liệu năm 2012 đã là “đáy” của suy thoái, khủng hoảng chưa hay phải qua năm 2013 mới “hết hạn”?

Theo VTC

Các tin cũ hơn