Ban Nội chính Trung ương và những "sứ mệnh lịch sử"

Thứ sáu, 08/02/2013, 15:01
 Được chính thức thành lập ngày 5/01/1966 (với tên gọi ban đầu là Ban Pháp chế Trung ương), trong hơn 40 năm qua, Ban Nội chính Trung ương đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự phát triển của đất nước....

Năm 1991, thực hiện nghị quyết Trung ương Đảng khóa VII, khắc phục tình trạng: “Nhiều Đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, phai nhạt lý tưởng, không phát huy được vai trò tích cực trong quần chúng.

Tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm các nguyên tắc quản lý hoặc lợi dụng những sơ hở trong cơ chế quản lý để lấy cắp của công, ăn hối lộ, buôn lậu, làm giàu bất chính, vi phạm đạo đức, lối sống cách mạng có chiều hướng tăng lên, nhất là trong cán bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý nhà nước và ngay cả trong một số cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan đảng và đoàn thể”, Ban Nội chính Trung ương được giao chức năng, nhiệm vụ mới theo Quyết định số 17-QĐ/TW ngày 23/12/1991.

tham nhung

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh bên hành lang Quốc hội (ảnh: internet).

Những năm đầu trong công cuộc đổi mới đất nước, Ban Nội chính Trung ương đã có nhiều đóng góp to lớn: tham mưu, nghiên cứu, trình Bộ Chính trị và Ban Bí thư ban hành các Nghị quyết, chỉ thị quan trọng, như Nghị quyết 08-2/1/2002 “Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tư pháp”; Chỉ thị 09-6/3/2002 “Về một số việc cần thực hiện trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay”; Nghị quyết49-2/6/2005 “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”…

Những nghị quyết, chỉ thị này đã và đang nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới. Với những đóng góp to lớn, nhân dịp 40 năm thành lập, Ban Nội chính Trung ương đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

Nhưng đến ngày 11/4/2007, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và Ban Tài chính - Quản trị Trung ương được sáp nhập vào Văn phòng Trung ương Đảng theo Quyết định số 45-QĐ/TW ngày 11/4/2007 của Bộ Chính trị. Theo quy định thì Văn phòng Trung ương sẽ có 20 đơn vị trực thuộc trong đó có vụ Pháp luật và vụ Nội chính.

Ngày 24/01/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2007/CT-TTg quy định về thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và Quy chế hoạt động của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Văn phòng Ban Chỉ đạo là cơ quan hoạt động chuyên trách, giúp việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Ngày 28/10/2011, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIII) ban hành Nghị quyết số 270/NQ-UBTVQH về danh sách Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban chỉ đạo; ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tại Hội nghị Trung ương 5 (bế mạc ngày 15/5/2012) đã quyết định lập lại Ban Nội chính Trung ương có chức năng một ban Đảng và có chức năng là cơ quan thường trực phòng chống tham nhũng trên cơ sở Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng được phân công làm Trưởng ban Nội chính Trung ương.

Trả lời phỏng vấn của Phóng viên báo Tiền phong, nguyên Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, ông Trần Đại Hưng cho biết: “Khi Hội nghị Trung ương 5 kết luận về vấn đề này, tôi thấy rất vui mừng. Sau 5 năm giải thể Ban Nội chính, chắc chắn trung ương đã có rút kinh nghiệm.

Tôi nghĩ vừa qua đã có sự thiếu hụt về tham mưu cho sự lãnh đạo của Đảng về nội chính, nhất là trong tình hình phức tạp hiện nay.

Thể hiện ở chỗ, tầm bao quát và nhiệm vụ của Ban Nội chính có tính toàn diện chứ không phải trực tiếp vào các vụ việc. Nếu đặt ở cơ quan hành pháp thì có thể sẽ dẫn đến thiếu khách quan, vừa đá bóng vừa thổi còi như có người đã nói.

Điều quan trọng là cần làm rõ chức năng nhiệm vụ của Ban làm sao đúng là cơ quan tham mưu chiến lược cho trung ương. Tham mưu chiến lược ở đây là đề xuất được những vấn đề quan trọng cần cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư một cách kịp thời chứ không chỉ xử lý vụ việc cụ thể”.

tham nhung

Với bộ máy lãnh đạo của Ban Nội chính Trung ương là những người dũng cảm chống tham nhũng, dư luận đang trông chờ một “cú đấm thép” từ Trung ương Đảng vào nạn tham nhũng đang hoành hành (ảnh: internet).

Bài viết trên báo Vietnamnet cũng nhận định: Đến nay Ban Nội chính Trung ương, bên cạnh Trưởng Ban Nguyễn Bá Thanh, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đã có ba phó ban. Trong đó, hai nhân sự là “dân” nội chính.

Ông Nguyễn Doãn Khánh, 57 tuổi, xuất thân là Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ, sau đó làm Chủ tịch UBND tỉnh.

Tại Đại hội Đảng XI, ông Khánh được bầu vào BCH Trung ương, giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ cho đến nay; Ông Phan Đình Trạc, 55 tuổi, nguyên là Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, năm 2005, ông giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh, đến cuối nhiệm kỳ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, và được bầu vào BCH Trung ương tại Đại hội Đảng XI; phó ban thứ 3 là ông Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó Chánh văn phòng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng – giai đoạn cơ quan này trực thuộc Chính phủ.

So với Ban Nội chính Trung ương từ khóa IX trở về trước, đây là lần đầu tiên cơ quan này có cấp phó là ủy viên Trung ương Đảng.

Lực lượng nòng cốt của Ban Nội chính Trung ương lần này đều là những người trực tính, dám nói, dám làm, có thái độ kiên quyết, dũng cảm chống tham nhũng, phẩm chất trong sáng, có trí tuệ, bản lĩnh, trong sạch, được nhân dân tin tưởng làm lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, dư luận đang trông chờ một “cú đấm thép” từ Trung ương Đảng vào nạn tham nhũng đang hoành hành.

Ban Nội chính Trung ương đã trải qua nhiều bước "thăng trầm", biên chế đi, tổ chức lại, sau gần 5 năm sáp nhập vào Văn phòng Chính phủ, thì đến bây giờ, cơ quan Nội chính của Đảng đang đứng trước cơ hội để khẳng định vị trí độc lập tương đối của mình.

Theo GDVN

Các tin cũ hơn