"Nghị quyết Trung ương 4 thể hiện sự đột phá về tư duy lãnh đạo"

Thứ sáu, 08/02/2013, 10:27
Nhân dịp đầu năm mới, nguyên Bí thư trung ương đảng, nguyên phó Thủ tướng Vũ Khoan đã dành cho phóng viên một cuộc trò chuyện cởi mở về nhiều vấn đề trăn trở, suy ngẫm và tâm huyết về sự phát triển của đất nước, về vai trò của các thế hệ trẻ.

Nhân dịp đầu năm mới, nguyên bí thư Trung ương Đảng, nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan đã dành cho phóng viên một cuộc trò chuyện cởi mở về nhiều vấn đề trăn trở, suy ngẫm và tâm huyết về sự phát triển của đất nước, về vai trò của các thế hệ trẻ. Đặc biệt, ông đã kể lại những điểu mắt thấy tai nghe về những đức tính quý báu của Bác Hồ trong thời gian ông được vinh dự phục vụ Bác.

Năm qua, việc triển khai Nghị quyết (NQ) T.Ư4 đã thực sự trở thành một sự kiện chính trị thu hút sự quan tâm chú ý của toàn dân. Ông có cảm nhận gì về điều này?

- Đúng là NQ T.Ư4 là một dấu ấn của 2012, thể hiện sự đột phá về tư duy lãnh đạo nhận thức rõ về tính nghiêm trọng của tình hình, thẳng thắn chỉ ra thực trạng, đề ra các chủ trương mạnh mẽ, đáp ứng tâm tư của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhờ vậy đã tranh thủ được sự đồng tình và dấy lên niềm hi vọng của tất cả mọi người về sự chuyển biến tình hình theo hướng tích cực hơn, có lợi cho đảng, cho đất nước.

Quá trình thực hiện xem ra khá rầm rộ, kiểm điểm từ trên xuống dưới trong một thời gian khá dài, trên diện rộng.

T.U 4

"Trong thời gian hiện nay, để làm chủ đất nước cần phải có cả tri thức lẫn kĩ năng, kĩ năng làm việc, kĩ năng sống", nguyên bí thư Trung ương Đảng, nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ.

Nay đã nghỉ hưu, tôi không có đủ thông tin về sự đánh giá của toàn xã hội đối với kết quả bước đầu song qua tiếp xúc với khá nhiều người thuộc nhiều lứa tuổi, tầng lớp, ngành nghề, vùng miền khác nhau, tôi có cảm giác ai ai cũng kỳ vọng về một thái độ quyết liệt hơn và một kết quả cao hơn; nay có vẻ đang trông đợi chí ít là những hành động tiếp theo thực sự thiết thực, cụ thể để chỉnh sửa những điều đã nêu rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 mà cả xã hội bức xúc.

Nhìn lại việc chọn nhân tài, dùng người, Bác Hồ của chúng ta đã làm rất tốt ngay từ những buổi đầu thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Bác đã chọn lựa vào nhà nước rất nhiều những người tài giỏi, tâm huyết một lòng đi theo cách mạng, phụng sự nhân dân. Vậy vì sao hiện nay ta lại chưa làm tốt việc này, thưa ông?

- Thời Bác Hồ có một điều vô cùng quý giá là tạo được niềm tin mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân, làm động lực cho mọi người dâng hiến trí tuệ, tài năng và cả tiền của cho sự nghiệp của dân tộc. Chẳng dấu gì, bố vợ tôi là Giáo sư Hồ Đắc Di, từng làm hiệu trưởng trường Y trong nhiều năm.

Xuất thân của cụ có thể nói là "Danh gia vọng tộc" trước đây, đã từng du học tại pháp 18 năm, nhưng đã từ bỏ tất cả vinh hoa phú quý để đi theo cụ Hồ, đi theo cách mạng.

Mình là con dân thường thì dễ hiểu, đằng này những người như vậy và nhiều nhân sĩ danh tiếng khác mà tôi trực tiếp biết được tr0ongj vọng trong xã hội cũ nhưng sẵn sàng bỏ hết để đi theo Bác. Thoạt tiên tôi rất khó hiểu, nhưng lâu dần tôi hiểu ra rằng, họ chỉ cần có niềm tin, không cần gì khác cả!

Chức tước không đòi hỏi, thậm chí khước từ để tập trung làm khoa học, còn về vật chất thì nhà nước cho cái gì hưởng cái đó, không mảy may xin xỏ, khi nổ ra chiến tranh, người con trai duy nhất xung luôn vào quân đội ra chiến trường, không chạy chọt gì hết. Tất cả chỉ là niềm tin, niềm tin vào nghĩa lớn, vào con người Bác Hồ, vậy thôi! Thời chống Pháp, chống Mỹ, mọi người đều có niềm tin sâu sắc và động lực mạnh mẽ.

Hiện nay, những tiêu cực ngay trong đảng,  trong chính quyền làm xói mòn lòng tin thì nguy hiểm lắm, đúng như T.W4 nói có thể đe dọa sự tồn vong của chế độ, của đất nước.

Được biết, ông từng có một thời gian được làm việc bên cạnh Bác Hồ. Chúng ta đang có cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xin ông có thể kể lại những điều mắt thấy, tai nghe về Bác?

- Tôi xin kể ra đây vài câu chuyện mà tôi trực tiếp thấy ở Bác. Trong những chuyến sang Liên Xô làm việc, không phải những chuyến thăm chính thức, mà đi làm việc không bao giờ Bác đi chuyên cơ cả. Bộ máy đi theo chỉ 3 - 4 người thôi, thường chỉ có anh Vũ Kỳ làm thư ký, bác sĩ Nhữ Thế Bảo, nhiều khi không có bảo vệ, không cần phục vụ. Phiên dịch có lần có, có lần không.

Còn quà tặng, Bác không bao giờ cho mua cái gì cả, Bác cho hái bưởi, hái cam trong vườn Phủ Chủ Tịch rồi đóng vào sọt mang theo.

Còn quà cho các cô phục vụ ở nhà khách, Bác tích lại những chiếc hộp thuốc lá hút hết mang tặng cho các cô phục vụ để làm hộp đựng kim chỉ! Bác không cho phép sắm mới quần áo, giầy dép, có gì mặc nấy, kể cả quần lót đã sờn. Đó toàn là những câu chuyện rất cụ thể mà tôi được "mục sở thị", không biết giờ mấy ai làm được tính tiếc kiệm đó của Bác.

Bác ra đi tìm đường cứu nước từ khi có mười mấy tuổi, sống hàng chục năm bên chân trời phương Tây, vậy mà vẫn giữ nguyên được bản sắc tốt đẹp của người Việt.

Hồi đó tôi dịch cho Bác là khổ lắm, vì Bác hay dùng những câu phương ngôn, ngạn ngữ thuần Việt. Ai cũng bảo học tập Bác Hồ, tôi chưa thấy ai học ngoại ngữ như Bác. Bác Hồ biết thành thạo chín, mười thứ tiếng, nhưng hằng ngày bác vẫn chăm chỉ học thêm tiếng Nga mà Bác đã quên nhiều. Có lần lên dịch cho Bác, tôi thấy Bác mở một hộp thuốc lá, lấy một mẩu giấy viết tay lẩm nhẩm học từ ngữ Nga.

Theo lời Bác, trong mẩu giấy ghi 20 chữ, mỗi ngày Bác thường hút 20 điếu nên phải 20 lần mở hộp ra, như vậy nếu rơi rụng thì mỗi ngày Bác cũng thêm được 10 chữ. Lúc đó Bác đã ngoài 60, ở cương vị Bác gọi phiên dịch lúc nào chẳng được, tuổi đã cao mà Bác còn học như vậy. Không biết có cán bộ cấp cao nào học ngoại ngữ như thế không?

Về tác phong, Bác rất chu đáo, tỉ mỉ từng tí một. Một lần tôi đi theo bác từ trên cầu thang xuống ở Phủ Chủ Tịch để đón khách, bác quyệt tay vào bậu cửa rồi nói: "Cháu ơi sao chỗ này còn bụi bẩn thế, chú gọi các cô lau lại cho sạch!". Một vị Chủ tịch nước bận trăm công nghìn việc như Bác mà vẫn quan tâm đến một việc nhỏ như vậy. Bác cũng rất nghiêm, nghiêm khắc với chính mình và đòi hỏi người khác cũng phải nghiêm túc.

Chỉ có những người như Bác, tự mình nghiêm khắc với mình, nói đi đôi với làm mới tạo nên được lòng tin với mọi người.

Nói chuyện với thanh niên tôi nhắn nhủ các cháu rằng, khoan nói chuyện hội nhập to tác, hãy làm cho người ta kính trọng mình, chứ không phải chỉ mỗi mình phục vụ người ta. Hoa anh đào người ta mang tặng mình vặt trụi hết thì làm sao người ta tôn trọng mình được. Làm sao để họ phục mình mới là khó.

Biết bao xương máu mới làm cho người ta trọng dân tộc mình, nhưng những cách hành xử không đẹp sẽ làm mất đi những giá trị quý báu, cái danh tiếng của đất nước.

Thưa ông, mùa xuân bao giờ cũng gắn liền với sự trẻ trung và tươi mới. Ông có nhắn gửi gì đến với thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước?

- Cá nhân tôi, nhân dịp đầu xuân, đối với các bạn trẻ có hai điều mong ước. Điều mong ước thứ nhất, đó là sự khẳng định lại mạnh mẽ vận mệnh đất nước nằm trong tay thế hệ trẻ.

Từ xưa đến nay vẫn vậy, không nên nói thế hệ trẻ là "tương lai của đất nước" mà hiện tại đã làm chủ rồi còn gì. Nhìn lại quá khứ, làm cách mạng cũng là thế hệ trẻ, kháng chiến cũng thế hệ trẻ, bảo vệ và xây dựng tổ quốc, rồi đến đổi mới cũng là thế hệ trẻ cả. Và bây giờ càng là thế hệ trẻ.

Con người sinh ra ở đời đã là chủ nhân của đất nước rồi! Chỉ có điều trong thời gian hiện nay, để làm chủ đất nước cần phải có cả tri thức lẫn kĩ năng, kĩ năng làm việc, kĩ năng sống.

Tôi thấy điều rất cần hiện nay là kĩ năng: Kĩ năng sống và kĩ năng làm việc. Nếu không nâng cao trình độ của mình ở cả hai mặt này, thì chỉ có tụt hậu thôi. Vì vậy, tôi tha thiết mong thế hệ trẻ nâng cao, mở rộng kiến thức đi đôi với việc hoàn thiện kỹ năng; có vậy mới sánh vai cùng các nước tiên tiến được.

Còn đối với tổ chức đoàn, tôi vô cùng mong mỏi Đoàn thay đổi mạnh mẽ phương thức làm việc sao cho thiết thực, áp sát với nguyện vọng và phong cách của giới trẻ, chứ đừng già hóa. Đoàn cần làm trẻ lại mình nhiều hơn nữa.

Xin cảm ơn ông.

Theo GDVN

Các tin cũ hơn