|
Khách hàng xếp hàng chờ đợi tại quán Starbucks ngày đầu khai trương tại Việt Nam.Ảnh: nld
|
Ở đây, tôi gọi “quán cà phê Starbucks” vì tôi và nhiều lắm người Việt , chẳng ai gọi là “cửa hàng cà phê” , “cửa hiệu cà phê” như từ dùng trên báo. Nghịch cách nghe và không quen cách viết.
Ở Sài Gòn bây giờ, không biết cơ quan chức năng có con số thống kê chính xác chưa chứ có ai biết có bao nhiêu quán cà phê.
Quán cà phê ở Sài Gòn, có thể đó là một góc lề đường, dưới bóng một cao ốc hay nép vệ đường nhiều cây xanh cổ thụ. Quán cà phê Sài Gòn có thể là những quán mà nhiều người gọi chung là “sân vườn” về độ rộng, cách thiết kế của nó hoặc chỉ là cà phê hộp với những chiếc ghế dựa mà người ngồi quay mặt ra đường theo kiểu thịnh hành cách đây hơn chục năm trước.
Vậy thì cớ gì, không gọi là “quán cà phê Starbucks” mà phải gọi là cửa hàng cà phê cho nghịch tai?
Vậy tại sao chuyện cái quán đầu tiên kia cùa Starbucks lại liên quan đến ngã tư đường? Để trả lời cho câu hỏi này, lại một sự dài dòng.
Sài Gòn bây giờ, tại nhiều ngã tư, công an giao thông phải leo lên cái bục tròn như một vòng xoay nhỏ để điều tiết giao thông. Phía trong, các ngọn đèn giao thông vẫn xanh, vàng, đỏ. Phía dưới mặt đường, các vạnh dừng và vạch của người đi bộ vẫn màu trắng, nhìn rõ. Cuối cùng, trên vệ đường, một hoặc hai thanh niên đồng phục xanh cầm cờ đỏ để ra hiệu dừng, chạy xe cho người tham gia lưu thông.
Từ đây suy ngược lại, tại sao phải có những thanh niên này khi đèn giao thông vẫn hoạt động? Tại sao đèn giao thông hoạt động vẫn cần có công an giao thông điều lệnh? Vậy cái nào dư, cái nào thừa?
Nếu người tham gia lưu thông chịu đi đúng phần đường, chịu dừng đúng vạch quy định, chịu nhường đường cho người đi bộ khi đèn đỏ thì tất nhiên “điều khiển” giao thông lúc này chỉ cần đèn giao thông.
Nói như thế để thấy một điều, sự vô ý thức, sự cẩu thả, không lề lối của nhiều người xứ mình. Đường phố, ngã tư giờ tan tầm hiếm khi trật tự, đàng hoàng nếu thiếu công an giao thông hoặc thanh niên xung phong? Đó là chưa nói đến những nơi như cổng trường học, bệnh viện, bãi giữ xe… nhiều người xem chuyện chen lấn, vô lề lối là chuyện bình thường.
Ấy thế mà, rất nhiều người trẻ xếp hàng giữa nắng để chờ đến phiên có một ly cà phê của Starbukcs. Hy vọng, nhiều trong số những người trẻ ấy biết trật tự khi tham gia lưu thông, biết dừng đúng vạch, đi đúng “lệnh”.
Nhiều người nói rằng Starbucks làm truyền thông tốt, rằng “công nghệ PR” của họ quá thượng thừa… nên họ xuất hiện miễn phí nhiều nơi và nhiều nơi thành “cái loa phường” cho họ. Thì kệ, ai chi phối và ai bị chi phối từ cái “công nghệ” đó thì người trong cuộc biết rõ nhất.
Có người nói rằng họ “chờ” Starbucks vào Việt Nam lâu rồi vì uống càphê này là sở thích của họ. Không sai, ai cũng có sở thích riêng mình.
Thế nhưng, thật ra những cái tên như Pizza hut, Paris Baguette, Auntie Anne’s Pretzel đang chờ những người trẻ Việt Nam, những người đã đi nước ngoài, đã ăn đồ Tây, nói chuyện pha trộn Anh – Việt lớn lên, trở thành khách hàng thân thiết của họ.
“Trà dư tửu hậu” không phải để kêu gọi sự ủng hộ của người tiêu dùng cho một sản phẩm càphê cụ thể nào của người Việt. Nhất là sau chuyện một “ông chủ” ngành cà phê của Việt Nam “bỗng dưng phát biểu ầm trời” trên nhiều tờ báo, đến mức quá đà.
Nhưng, đến giờ này, vẫn có nhiều người, trong đó có tôi, vào quán và kêu ly cà phê đá. Còn chuyện một ly ABC gì đó theo menu tiếng nước ngoài là chuyện hy hữu, khi không còn chọn lựa hoặc giả là “thử cho biết”.
Vì thế, xin đừng tự lừa dối mình khi cho rằng uống "cà phê Tây” thì phải sống theo “Tây”, rằng đi nước ngoài nhiều nên có “văn hóa xếp hàng”.
Một ngày đẹp trời nào đó, bạn chạy xe đi làm (xe máy hay xe hơi như nhau) và không nghe những tiếng còi đinh tai, những pha “cắt đầu” mất vía hoặc những chen lấn khi dừng đèn đỏ… Như thế, là văn minh và chẳng khác “Tây” chút nào. Khi đó, chuyện xếp hàng khi bất kỳ quán cà phê nào đông khách cũng trở nên bình thường chứ không phải chỉ vào “quán Tây” mới xếp hàng như “Tây”, giả tạo và phù phiếm.
Chuyện ngã tư đường và quán Starbucks liên quan với nhau như vậy đó.
Theo SGTT