Những ứng viên cho ngôi vị Giáo hoàng

Thứ hai, 11/03/2013, 16:54
Một số Hồng y được nhắc đến như ứng cử viên tiềm năng của chức vụ người đứng đầu Vatican, với những chính sách khác nhau, từ đối thoại với Hồi giáo, theo đường lối bảo thủ cho đến thân thiện với mạng xã hội.

Các Hồng y từ khắp nơi trên thế giới đang làm lễ cầu nguyện cuối cùng trước khi bước cuộc bỏ phiếu kín bên trong nhà nguyện Sistine vào ngày mai, để bầu ra người kế nhiệm Giáo hoàng Benedict XVI. Không có cuộc "vận động tranh cử" nào, nên cách duy nhất để một ứng cử viên thể hiện mình phù hợp với chức vụ Giáo hoàng là lên tiếng cho biết mình muốn giữ chức đó.

Nhiều cái tên đã xuất hiện trong các cuộc họp tại Vatican và 115 Hồng y sẽ quyết định ai là người phù hợp nhất để trở thành vị Giáo hoàng thứ 266, lãnh đạo một tổ chức lịch sử với sự trung thành của 1,2 tỷ giáo dân, nhưng cũng đi kèm với những thách thức về thái độ với các tôn giáo khác, hay phương thức quản lý và một số scandal làm ảnh hưởng đến hình ảnh của tòa thánh.

Dù không có người nổi bật lên, nhưng những ứng cử viên được nhắc đến nhiều nhất, thường đến từ một số nước nhất định và tập trung vào các vấn đề mà nhà thờ phải đối mặt. Dưới đây là 4 nhân vật đáng chú ý, phản ánh một số khía cạnh mà các Hồng y quan tâm để lựa chọn.

Hồng y Angelo Scola (Italy)

Hồng y Angelo Scola, tổng giám mục Milan, nổi tiếng trong việc thúc đẩy đối
thoại giữa Công giáo và Hồi giáo

Kể từ khi Giáo hoàng Benedict XVI công bố thông tin sẽ từ chức, Hồng y Scola, 71 tuổi, được coi là có nhiều cơ hội nhất cho chức vụ Giáo hoàng. Ông là quan chức cấp cao trong hệ thống nhà thờ Italy.

Hồng y Scola là tổng giám mục Milan, cựu giáo trưởng của Venice. Đây là hai thành phố từng là nơi làm việc của 5 vị Giáo hoàng trong thế kỷ trước. Ông cũng được coi là "đối thủ" của Giáo hoàng Benedict XVI trong cuộc bầu chọn 8 năm trước.

Mặc dù không có ý định sắp xếp, nhưng nhà thờ La Mã có đến một phần tư Hồng y là người Italy, gấp đôi số lượng đến từ Mỹ và số còn lại đến từ châu Phi, châu Á và châu Đại Dương. Tuy nhiên, tầm nhìn của Hồng y Scola vượt ra ngoài phạm vi Italy.

Một trong những điều ông quan tâm hàng đầu là đối thoại và thấu hiểu giữa các tín đồ Thiên chúa và Hồi giáo. Ông đã tích cực thúc đẩy điều này qua tổ chức Oasis được thành lập tại Venice, địa điểm gặp gỡ lịch sử giữa phương Đông và phương Tây.

Một số nhà bình luận nhận thấy sự cần thiết phải đáp lại thế giới Hồi giáo, và coi đây là thách thức hàng đầu mà nhà thờ phải đối diện. Giáo hoàng Benedict XVI cố gắng tiếp cận với những người Hồi giáo, nhưng lại gặp phải sai lầm khi trích dẫn một nhà văn thời trung cổ chỉ trích Hồi giáo giống như là một tôn giáo bạo lực.

Vụ sảy miệng từng châm ngòi cho các cuộc biểu tình trong thế giới Hồi giáo. Trong khi đó, Hồng y Scola, người thường xuyên có những chuyến đi tới Trung Đông, được đánh giá là có nhiều tài ngoại giao hơn Giáo hoàng Benedict XVI và được dự đoán sẽ không mắc phải sai sót như vậy.

Hồng y Gianfranco Ravasi (Italy)

Hồng y Gianfranco Ravasi, Bộ trưởng Văn hóa Vatican.

Trong khi Hồng y Scola thúc đẩy cuộc đối thoại với các tôn giáo khác thì người đồng nghiệp của ông ở giáo phận Italy Gianfranco Ravasi, 70 tuổi, Bộ trưởng Văn hóa của Vatican, lại gây ấn tượng với các nhà quan sát với vị trí của một học giả uyên bác quan điểm về thuyết vô tri, hướng tới những người vô thần và cách giao lưu khéo léo của ông.

Ông có một blog, thường xuyên cập nhật Facebook và tài khoản Twitter với những giáo dân. Trong một hội nghị ở Vatican hồi tháng 10 năm ngoái, những người tham gia nói rằng việc giáo hoàng tiếp theo có sự giao lưu tốt trên mạng xã hội sẽ thuận lợi cho nhà thờ trong việc chuyển tải các thông điệp tới những người vô thần trong thời đại kỹ thuật số.

Ông biết nhiều ngoại ngữ, tweet bằng tiếng Anh, nói chuyện bằng tiếng Italy, gây ấn tượng với mọi người khi phát biểu bằng tiếng Arab hoặc Do Thái một số lần. Hồng y Ravasi cũng nhận được sự ủng hộ của những người Công giáo mong muốn quay trở lại truyền thống Giáo hoàng là người Italy.

Hồng y Odilo Pedro Scherer (Brazil)

Hồng y Odilo Pedro Scherer, Tổng Giám mục của Sao Paulo

Là một người Brazil gốc Đức, Odilo Pedro Scherer là tổng giám mục Sao Paulo, giáo phận công giáo lớn nhất ở quốc gia có số lượng tín đồ đông nhất trên thế giới. Khoảng 40% giáo dân Công giáo sống ở Mỹ Latin và một số giáo sĩ trong khu vực nhấn mạnh rằng đã đến thời điểm cho một Giáo hoàng đến từ Nam Mỹ.

Hồng y Scherer nhiệt tình ban hành những phương pháp mới để tiếp cận những tín đồ, trong khi vẫn duy trì tư duy bảo thủ của giáo lý Công giáo La Mã, cũng như quan điểm cứng rắn với các vấn đề xã hội, ví dụ như từ chối công nhận hôn nhân đồng tính.

Ở tuổi 63, ông nổi bật là một người trẻ trung và khỏe mạnh, so với cựu Giáo hoàng 85 tuổi, và ông cũng không xa lạ với Vatican khi từng phục vụ nhiều năm ở văn phòng tòa thánh trước khi trở về Brazil. Tuy nhiên, ông bị coi là hơi thiếu cuốn hút để trở thành vị Giáo hoàng tiếp theo, khó có thể kết nối đám đông như các Giáo hoàng trước đã làm.

Hồng y Marc Ouellet (Canada)

Hồng y Marc Ouellet, người Canada

Nếu các Hồng y quyết định làm nên lịch sử khi lựa chọn một Giáo hoàng không đến từ châu Âu thì Hồng y Marc Ouellet của Canada là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất của khu vực châu Mỹ, nơi tập trung hơn một nửa giáo dân trên toàn thế giới.

Hồng y Ouellet, 68 tuổi, từng mô tả việc trở thành Giáo hoàng là "cơn ác mộng" mà không ai muốn theo đuổi. Ông giữ chức người đứng đầu văn phòng Vatican, có tư tưởng bảo thủ, và được những người ủng hộ tin rằng nếu trở thành Giáo hoàng, ông sẽ có đủ khách quan. Ouellet được cho là có bàn tay cứng rắn để cải cách việc quản lý đang gặp nhiều khó khăn và rối rắm, vốn bị bao vây bởi những vụ bê bối rò rỉ tài liệu mật ở tòa thánh.

Các ứng viên khác

Một số cái tên khác cũng được nhắc đến như Hồng y Peter Erdo của Hungary, một chuyên gia về giáo luật, Hồng y Peter Turkson đến từ quốc gia châu Phi, Ghana, người tích cực chiến đấu vì đói nghèo cho các giáo dân ở châu Phi.

Hay Hồng y Timothy Dolan, tổng giám mục New York, nhân vật tôn giáo nổi tiếng của Mỹ, một hậu duệ đầy lạc quan của công giáo chính thống. Một người nữa là Hồng y Philippines Luis Antonio Tagle, người lãnh đạo Công giáo La Mã nổi bật nhất ở châu Á.

Tuy nhiên, Hồng y Scherer bác bỏ ý kiến địa lý là nhân tố ảnh hưởng đến quá trình bầu chọn Giáo hoàng mới. "Yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến cuộc họp kín không phải là Giáo hoàng đến từ đâu mà là người đó có phải là phù hợp nhất cho vị trí lãnh đạo nhà thờ trong thời điểm lịch sử này hay không", ông nói.

Theo VNE

Các tin cũ hơn