Có thể thấy, Quảng Nam là vùng đất ".. cắm sâu vào giữa hai khối núi Hải Vân và Ngọc Linh như một cái nêm lớn, đồng bằng thu hẹp lại". Đó là địa hình “rừng núi, đồng bằng và biển đan cài vào nhau trong một không gian địa lý nhỏ hẹp. Chính địa thế như vậy đã tạo nên dáng vóc và tư thế rắn rỏi, bền chắc của cư dân trước đây là Sa Huỳnh, và sau này là Chăm Pa.
Đặc điểm này đã có ảnh hưởng to lớn đến hình dáng, lối xưng hô, cách nói chuyện, và cả phong thái giao tiếp, giọng điệu ngôn ngữ… trong không những con người Chăm quá khứ mà cả người Quảng Nam hiện nay.
Đơn cử như “bản chất ngay thẳng, không có tính chất lắt léo để giành cái tốt, cái lợi cho mình và đùn đẩy điều xấu cho người khác” và “dị ứng với sự dối trá và rất tôn trọng sự ngay thẳng, thật thà”, hoặc dám mơ ước, có tư tưởng dấn thân, háo thắng và hiếu chiến.
Từ những đặc điểm ấy, khi xét về tính cách hay cãi của người Quảng Nam, ta sẽ tìm ra được nhiều nét tương đồng trong giao tiếp và ứng xử. Người Quảng Nam có cách ứng xử và xưng hô khá dân dã và vụng về. Lối giao tiếp theo phương thức ăn cục nói hòn đã phần nào phản ánh tấm lòng rộng rãi và bao dung.
Người Quảng Nam nghĩ gì nói nấy, rất bộc trực, không che đậy, giấu giếm, thấy gì nói đấy, nói mọi lúc mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh.
Khi nói chuyện, người Quảng Nam hay đi thẳng vào vấn đề, ít quanh co, ít lý sự, không rào trước đón sau, nghĩ gì nói nấy. Có đôi khi, trong cách nói chuyện, họ nói rất nhanh, và mang đậm phương ngữ Quảng Nam.
Nhiều lúc, vì một sự việc nào đó ảnh hưởng tới bản thân, họ hay nóng nảy và quát mắng những người bên cạnh, nhưng xong rồi lại thôi, không để trong đầu, ít nói chuyện cá nhân của người khác nhưng vẫn quan hệ xã giao bình thường.
Điều này đôi khi làm mất lòng người khác, nhất là những người chưa thực sự hiểu tính cách của họ. Liên hệ với người Chăm trong lịch sử, liên hệ sự suy tàn của vương quốc Chăm Pa vào nửa cuối thế kỉ 15 với những đặc điểm không hợp với quy luật phát triển của lịch sử thế giới, tính cách của nguời Chăm đã từng gây mất lòng nhiều quốc gia.
Chẳng hạn khi gặp một sự việc nào ảnh hưởng đến vương quốc thì Chăm Pa liền có một động cơ là xuất quân quấy nhiễu các quốc gia lân cận, trong đó tiêu biểu là Đại Việt.
Luận giải về đặc tính này của người Quảng, nhiều người đã cho rằng phong thổ của vùng đất đã ảnh hưởng đến khí chất của họ. Thế đất dốc, nước chảy xiết, thủy không tụ khiến cho họ nóng nảy, ưa lý sự và trong bất cứ vấn đề gì, họ cũng thích cãi, ưa cãi và ham cãi, bất kể đó là ai. Và lịch sử cũng có nhiều giai thoại về tính “Quảng Nam hay cãi”.
Chẳng hạn, sự kiện chống sưu thuế năm 1908 ở Trung Kỳ cũng xuất phát từ sự phản kháng, cãi lý của những người Quảng Nam. Họ quyết dùng lý lẽ buộc chính quyền thực dân Pháp và tay sai giảm sưu cao thuế nặng đối với người dân.
Bởi theo những người đương thời cho rằng: khi cãi thì mọi chuyện sẽ rạch ròi hơn, sáng tỏ hơn, muốn trắng đen rạch ròi mà thôi, làm cho bọn chính quyền tay sai nhận ra điều không đúng. Hơn nữa tính hay cãi là còn là sự biểu lộ lòng tự tin và ý chí học hỏi và cầu tiến của người Quảng Nam.
Bàn về vấn đề này, nhà báo - nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cho rằng, người Quảng Nam hay cãi là thể hiện dũng khí, tính cách cương trực, yêu chuộng lẽ phải, công bằng, bình đẳng.
Ông lập luận: “Người Quảng Nam biết cãi là ở một chừng mức nào đó thể hiện được dũng khí của mình. Ít nhất trước một sự kiện, tình huống nào đó của cuộc đời, người biết cãi cũng thể hiện được thái độ sống. Khi người ta lên tiếng cãi là người ta không vô cảm, không hờ hững với đời.
Nếu ta đi trên đường đời mà việc gì cũng tai ngơ mắt lấp, không nghe không thấy không biết và không có ý kiến thì sống làm gì? Cãi là một cách chứng minh quyền bình đẳng”.
Xét cho cùng, tính cách “Quảng Nam hay cãi” chịu sự cảm nhiễm khí tính người Chăm bản địa là điển hình. Khi người Việt vào trấn giữ đất này, việc hòa huyết Việt – Chăm đã phần nào đó khiến cho các thế hệ người Việt chịu sự ảnh hưởng của địa khí, phong thổ và tính cách người bản địa. Chính mối quan hệ tương hỗ này đã ít nhiều tạo nên tính cách ham cãi ở người Quảng về sau.
Theo Kienthuc