Bàn chân bị loét, phải cắt bỏ
Ths.Bs. Nguyễn Trần Kiên, quyền trưởng khoa Chăm sóc bàn chân (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết, khoa có 24 giường bệnh và lúc nào cũng kín bệnh nhân, trong số đó chủ yếu là bệnh nhân đái tháo đường type 2 (mắc bệnh do ăn uống không kiểm soát và lười vận động)...
Việc điều trị cho những bệnh nhân loét bàn chân đái tháo đường gặp nhiều khó khăn, phức tạp do các bệnh nhân này có thể cùng lúc có nhiều biến chứng khác của đái tháo đường như biến chứng tim mạch, thận, mắt…
Bệnh đái tháo đường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó loét bàn chân do đái tháo đường là biến chứng khá phổ biến - (Ảnh tư liệu) |
Mặt khác các loại tổn thương bàn chân nặng và phức tạp cũng làm cho vấn đề điều trị trở nên phức tạp hơn.
Có những bệnh nhân đã phải cắt bỏ một phần (hoặc cả bàn chân) do biến chứng nguy hiểm này.
Chi phí điều trị đối với bệnh nhân tiểu đường bị loét bàn chân lớn (kể cả chi phí trực tiếp cho bệnh nhân và chi phí gián tiếp do người bệnh mất khả năng lao động trong thời gian nằm viện, người nhà chăm sóc).
Nếu bệnh nhân có BHYT thì gánh nặng kinh tế sẽ giảm đi, còn các bệnh nhân không có BHYT phải tự chi trả thì chi phí điều trị cũng là một vấn đề lớn đối với đa số bệnh nhân và gia đình họ.
Bệnh viện Nội tiết trung ương là cơ sở hàng đầu trong điều trị loét bàn chân đái tháo đường trên toàn quốc.
Ở cơ sở này có sự phối hợp nhiều chuyên ngành khác nhau trong điều trị vết loét bàn chân đái tháo đường nên vết loét được làm liền nhanh chóng, dẫn đến số ngày điều trị trung bình của khoa chăm sóc bàn chân giảm đáng kể, dưới 14 ngày và do đó làm giảm chi phí điều trị cho người bệnh.
Hiện nay, các phương pháp điều trị loét bàn chân đái tháo đường tiên tiến trên thế giới đã được sử dụng tại khoa Chăm sóc bàn chân như: ghép da tự thân, ghép da dị loại, các loại yếu tố tăng trưởng khác nhau, hệ thống máy hút áp lực âm và bước đầu sử dụng tế bào gốc đồng loại nuôi cấy.
Do ăn uống, đời sống tăng cao
Bà Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường type 2 (do ăn uống không hợp lý và lười vận động) ở các thành phố lớn đối với người trưởng thành là 7-8%. Trên phạm vi cả nước, tỷ lệ này là 4-5%.
Do thói quen ăn uống vô độ và lười vận động, ngày càng nhiều người mắc bệnh tiểu đường |
Ngoài ra, có tới 15% người trưởng thành bị rối loạn dung nạp đường huyết lúc đói, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây nên bệnh tiểu đường type 2.
Thống kê của Viện dinh dưỡng cũng cho thấy trên phạm vi toàn quốc, 30% người trưởng thành có rối loạn cholesterol và tình trạng này có dấu hiệu gia tăng theo thời gian.
Với đối tượng bị thừa cân béo phì, thống kê trên người trưởng thành ở Việt Nam (theo ngưỡng quốc tế) là 11%. Còn theo ngưỡng BMI thì tỷ lệ này lên tới 23%.
Bà Lâm lưu ý: Những đối tượng không chú ý đến vấn đề ăn uống khoa học, hợp lý thì nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa nguy hiểm (như tiểu đường) là rất cao, đặc biệt là những đối tượng có thu nhập cao, kinh tế ổn định, thường xuyên sa đà vào những bữa tiệc, nhậu.
Theo nhận định của mình, bà Lâm cho biết hiện người Việt Nam có chế độ ăn quá dư thừa năng lượng. Một người làm văn phòng mỗi ngày chỉ nên ăn 1.800-2.000kcal, tuy nhiên con số thực tế thường là 2.500-3.000 kcal.
Theo Vietnamnet