Tìm dấu vết "dị nhân"
Sau quãng đường dài hơn 20km từ thành phố Ninh Bình chạy về khu du lịch Tam Cốc – Bích Động thuộc xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư, Ninh Bình), chúng tôi đã đặt chân lên quê hương của một cụ ông nay đã 94 tuổi mà người dân địa phương quen gọi là “dị nhân người rừng”.
Đường lên ngôi nhà của "dị nhân người rừng" phải băng qua một khúc sông, qua khu rừng mới đến nơi. |
Sau những câu hỏi lân la về dị nhân, một chị bán hàng nước cho biết: “Dị nhân người rừng chỉ là chúng tôi đặt tên cho vui thôi. Tên của cụ ấy là Ưởng. Chú chả cần đi tận đây hỏi thăm, đi đến đầu xã nếu muốn hỏi thăm về cụ, chỉ cần nhắc tên thì ai cũng biết thôi.
Còn muốn vào nhà cụ, thì phải đi qua rất nhiều chướng ngại. Bắt đầu là lên đò xuôi dòng hơn 2km, qua một cái động lớn. Sau khi lên bờ, để tới được nhà cụ còn phải cuốc bộ, leo núi thêm trăm mét nữa mới tới”.
Uống vội cốc nước, chúng tôi sắp xếp hành lý hướng thẳng chiếc đò tiến về nơi cụ trú ẩn. Vượt qua khúc sông uốn lượn, qua các vách đá, hai mươi phút sau, người chèo đò đậu ở một khe đá rồi xung phong làm người dẫn đường dẫn chúng tôi đi sâu vào bên trong đến nơi cụ Ưởng ở.
Khu rừng nơi cụ Đinh Văn Ưởng đang sinh sống. |
Đến nơi, cánh cửa nhà đóng im ỉm. Chúng tôi cất cất tiếng gọi nhưng không có tiếng người đáp lại. Chờ khoảng 20 phút sau cũng không thấy cụ Ưởng, chúng tôi định chuyển đồ xuống đò ra về.
Đúng lúc đó, ở phía xa cách chúng tôi khoảng hơn trăm mét, thấp thoáng chiếc bóng của một cụ ông ngồi trên mạn đò do một người đàn bà tuổi trạc ngũ tuần đưa đón. Biết đó là người chúng tôi cần, người lái đò liền vội vàng thúc giục: “Kìa, kìa.Dị nhân các chú cần tìm đấy. May mà cụ đã về, không thì khó mà gặp cụ lắm”. Sau đó, chúng tôi được đưa tiến sát gần cụ.
Tiếp kiến "dị nhân người rừng"
Qua giới thiệu, cụ Ưởng chính là người chúng tôi cần tìm, còn người đàn bà chèo đò là con dâu út của cụ tên là Nhữ Thị Dân. Cụ có tên gọi đầy đủ là Đinh Văn Ưởng (SN 1919, trú tại thôn Văn Lâm, Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình).
Ngôi nhà trong rừng sâu của "dị nhân" Đinh Văn Ưởng. |
Cụ Ưởng năm nay đã 94 tuổi, nhưng trông cụ vẫn còn khỏe mạnh, dáng đi cúi lom khom, làn da nhăn nheo và đôi mắt đã mờ đục nhưng vẫn ánh lên vẻ tinh anh. Cụ say sưa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cụ từ một đứa trẻ hóa thành “người rừng” suốt hơn 80 năm qua.
Cụ Ưởng tâm sự, cụ sinh ra trong một gia đình nghèo đói, cha mẹ cụ sinh được hai người con, cụ là con út trong gia đình. Tuổi thơ của cụ là những tháng ngày đói khát, mò cua, bắt ốc, trèo hái cây rừng mang về đổi lấy đồ ăn nuôi cha mẹ và chị gái. Mới có 13 tuổi đầu, nhưng cụ Ưởng đã phải ngày đêm tìm kiếm thức ăn trong rừng phụ giúp cha mẹ.
Khoảng hơn 1 năm sau đó, cụ Ưởng bị thực dân Pháp bắt đi phu. Một năm sau khi bị bắt, cụ Ưởng trốn thoát khỏi bọn giặc và lẩn trốn vào khu rừng sâu. Biết cụ Ưởng bỏ trốn, thực dân Pháp càng truy lùng ráo riết, khiến cụ phải ẩn nấp tận mãi trong rừng suốt mấy năm trời. Khi giặc rút đi, cụ Ưởng mới dám ra ngoài.
Ở lâu trong rừng, cụ Ưởng quen dần và quyết tâm gắn bó với khu rừng và muông thú. Dần dần cụ được người dân đặt cho cái tên là “người rừng”.
Chân dung "dị nhân" Đinh Văn Ưởng hơn 80 năm sống trong rừng sâu. |
“Cuộc đời tôi dù khó khăn, vất vả nhưng được hòa mình vào thiên nhiên tôi thấy vui rồi anh ạ. Mỗi buổi sáng thức dậy nghe tiếng chim hót, đêm đến nghe tiếng chó sói, hổ báo gầm rú nhưng tôi không bao giờ cảm thấy sợ sệt và xem chúng như những người bạn sống với mình”, cụ Ưởng tâm sự.
Dù sống một mình trong hang động, không ánh điện, không nước sạch, cụ Ưởng vẫn sống rất lạc quan. Hằng ngày, cụ nuôi sống bản thân bằng cách trồng rau dọc sườn núi, mò cua, bắt ốc, câu cá phụ vào bữa ăn qua ngày.
Mặc dù những ngày đó, muông thú trong rừng rất dễ săn bắt nhưng cụ không bao giờ bắt chúng mà coi đó như người bạn của mình. Cứ vài tháng, cụ lại chở lúa do cụ trồng trên núi về nhờ con cháu xay xát rồi lại quay trở lại hang.
Theo lời kể, đến năm ngoài 20 tuổi, cụ Ưởng cưới vợ. Ban đầu hai vợ chồng cụ sống hòa nhã trong núi, sau khi vợ mang bầu, cụ đưa vợ về trong quê sinh nở. Cụ vẫn sống một mình trong hang, thỉnh thoảng mới về thăm vợ con. Sau đó cha mẹ cụ lần lượt mất sớm khiến cụ Ưởng vô cùng đau khổ và sống khép mình hàng tháng trời trong khu rừng sâu mới chịu ra ngoài.
Chỗ ăn ngủ của cụ Ưởng suốt mấy chục năm nay. |
Cụ Ưởng và con dâu út Nhữ Thị Dân. |
Qua cuộc trò chuyện với chị Nhữ Thị Dân, con dâu út của cụ Ưởng, chúng tôi được biết, cụ Ưởng sinh được 5 người con (3 trai, 2 gái). Không giống như cụ Ưởng, các con của cụ đều được nuôi cho ăn học tử tế và có nhà cửa đàng hoàng.
Những năm gần đây, cụ được con cháu động viên về ở cùng nhưng mỗi lần quay về, cụ lại phát bệnh đau ốm triền miên. Khi quay lại sống cảnh trong hang, bệnh tình của cụ tan biến nhanh chóng và khỏe hẳn ra.
“Tôi sống trong này quen rồi anh ạ. Đã có đôi lần mấy đứa con đưa tôi về nhà nó ở nhưng cứ theo về được vài ngày, tôi lại sinh bệnh đau ốm nên lại phải trở lại rừng. Tôi như người nghiện sống cảnh hoang sơ chốn núi rừng vậy”.
Sau cuộc trò chuyện vui vẻ với dị nhân Đinh Văn Ưởng, chúng tôi được cụ và chị Dân đưa đi thăm “cơ ngơi” nơi cụ sống. Trước mắt chúng tôi là những khoảnh rừng bát ngát với những loài cây trái như vải, nhãn, mít, bưởi… đang độ ra hoa. Đi sâu vào phía trong, mới thấy “cơ ngơi” mà ông cụ tạo dựng hoành tráng như thế nào.
Hang đá cụ Ưởng ở trước khi xây được nhà. |
Cụ Ưởng bảo những ngọn núi quanh đây trước kia là “vùng đất chết”, chả bao giờ có một nhành cây, ngọn cỏ, vì là núi đá. Nhưng cụ Ưởng đã "hô biến" chúng thành những ngọn núi có “hồn”, tràn đầy sức sống. Cụ đã san phẳng những khe núi, kè đá, vận chuyển đất từ dưới đưa lên, đổ vào những khe núi, rồi rắc hạt, chăm bón, vun trồng.
Chị Nhữ Thị Dân dẫn chúng tôi đến một cửa hang khá rộng, nền đã được đục đẽo bằng phẳng, một số vật dụng vẫn còn còn sót lại. Theo lời chị Dân hang đá này đã từng là một trong những nơi cư trú của cụ Ưởng. Trước kia, ông cụ cũng sống trong các hang, sâu trong rừng già, nhưng khi đã có tuổi, cụ chuyển dần về phía dòng sông để tiện cho việc sinh hoạt và đi lại.
Trong số những điểm tới thăm quan tại đây, chúng tôi đặc biệt ấn tượng tới ngôi nhà của cụ Ưởng. Ngôi nhà này được xây cách đây 13 năm, nó được xếp nên từ những hòn đá do chính cụ Ưởng đục đẽo từ trên núi đem về.
Nhìn bề ngoài nó giống như một công trình cổ khiến nhiều du khách nước ngoài ghé qua phải tò mò. Bên trong ngôi nhà ấy, đồ đạc đáng giá nhất là những cái bát, cái đũa đã phai sơn, chiếc giường cụ Ưởng nằm đã bị mục nát theo thời gian.
Cụ Ưởng bên hai người con và giấy khen do Sở NN và PTNT tỉnh Ninh Bình trao tặng năm 2005. |
Trong suốt 80 năm qua, dù sống “mai danh ẩn tích”, song cụ Hưởng được người dân địa phương hết sức yêu quý bởi những gì mà cụ đã cống hiến cho núi rừng nơi đây. Những năm sống trong khu rừng, cụ Ưởng trồng hàng ngàn cây ăn quả như mít, xoài, bưởi, ổi,… nếu ai có nhu cầu thưởng thức trái cây thì cụ đều cho không.
“Tôi chưa thấy ai yêu rừng, yêu thiên nhiên như ông cụ. Rừng như là gia đình, là bạn bè của cụ. Cụ đau xót mỗi khi cây do chính bàn tay mình vun vén bị kẻ xấu tàn phá, sát hại. Công lao của cụ Ưởng đối với địa phương lớn lắm, khó có thể đong đếm được”, một người dân nhận xét.
Ông Đinh Văn Bằng, Phó chủ tịch UBND xã Ninh Hải, nhận xét: “Cụ Đinh Văn Ưởng đáng tuổi ông tôi. Từ khi lớn lên chúng tôi đã thấy cụ sống ẩn dật trong khu rừng. Hằng ngày, cụ Ưởng rất thích tự trồng cây ăn trái, nuôi cá, nuôi thú. Cụ Ưởng nuôi trồng không phải để bán, ai muốn xin cụ đều cho không lấy một đồng nào. Chính quyền địa phương đánh giá rất cao sự cống hiến của cụ”.
Được biết, do tuổi cao sức yếu nên việc ở trong khu rừng không còn thường xuyên đối với cụ. Vài tháng trở lại đây, cụ được con cháu đưa về nhà ở vài tuần rồi lại vào rừng.
Chia tay cụ Ưởng chúng tôi thật sự khâm phục về một con người đầy nghị lực, có sức mạnh phi thường, có tinh thần lạc quan trước cuộc sống.
Theo Infonet