Khi được CSGT tuyên truyền, đa số các bậc phụ huynh đều ý thức được việc đội MBH cho trẻ em. |
Dù trước đó, chủ trương này đã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng cũng không tránh khỏi những khúc mắc cần giải đáp, nhất là những khó khăn và tính khả thi trong quá trình thực hiện...
Quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với trung tá Nguyễn Văn Đức - Đội trưởng Đội CSGT số 2 – CA TP.Hà Nội, phụ trách an toàn giao thông (ATGT) địa bàn quận Ba Đình và Tây Hồ - nơi có hàng chục trường học...
Triển khai nhiệm vụ mới, điều khó nhất là xác định độ tuổi của trẻ để tránh những xung đột không cần thiết giữa CSGT và phụ huynh. Các đồng chí đã giải quyết tình huống này thế nào?
- Một tuần qua, khi Đội CSGT số 2 thí điểm việc tuyên truyền với phụ huynh, chúng tôi chưa gặp trường hợp nào nói dối về độ tuổi con em mình. Đa số các bậc phụ huynh đều ý thức được việc đội MBH cho các cháu là cần thiết.
Trên thực tế, cũng không khó xác định độ tuổi của các cháu. Ví dụ, khi dừng xe kiểm tra, cán bộ, chiến sĩ thay vì hỏi bố mẹ cháu về độ tuổi, sao không hỏi luôn thẳng con trẻ điều này, bởi con trẻ không biết nói dối. Thậm chí, có cháu bé khi biết việc chúng tôi làm, còn mách luôn tội bố vừa vượt đèn đỏ...
Lãnh đạo Phòng CSGT - CATP khi giao nhiệm vụ tới từng đơn vị đã xác định, trong quá trình xử lý, lực lượng CSGT sẽ bằng nghiệp vụ để xác định được độ tuổi của trẻ. Trường hợp nào khó xác định, sẽ tập trung tuyên truyền là chủ yếu.
CSGT sẽ không kiểm tra bất cứ giấy tờ nào ngoài quy định tại Luật Giao thông đường bộ. Chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về ATGT và nâng cao ý thức công dân khi tham gia giao thông tới hàng chục trường học trên địa bàn hai quận Ba Đình và Tây Hồ.
Việc người lớn chưa ý thức được việc đội MBH cho trẻ em sẽ khác việc vi phạm giao thông thông thường của các đối tượng khác. Vậy có nên áp dụng những biện pháp mạnh như kiên quyết chặn xe vi phạm bằng mọi giá?
- Vào trước 6h hằng ngày, khi đơn vị điểm danh quân số, chúng tôi vẫn nhắc nhở cán bộ chiến sĩ những quy tắc ứng xử điều lệnh, trong đó nhấn mạnh đến tư thế, tác phong khi ứng xử với người dân. Ai cũng biết xử lý người vi phạm giao thông như tinh thần nhiệm vụ mới là phức tạp và rất có khả năng xảy ra xung đột với những lý do người dân đưa ra là chính đáng khi lo cho con đi học muộn, muộn giờ làm...
Xác định rõ những khó khăn này, mỗi cán bộ, chiến sĩ khi được phân công làm nhiệm vụ đều phải là những tuyên truyền viên tích cực về ATGT.
Trong trường hợp cần thiết, vẫn xử lý những lỗi vi phạm giao thông thông thường như không có giấy tờ, bằng lái xe, xe thay đổi màu sơn kiểu dáng, xe không gương...
Vậy trong ca làm việc sáng nay 8.4 có gì đặc biệt?
- Sáng 8/4, chúng tôi tới đơn vị sớm hơn thường nhật. Sau lễ chào cờ, những quy tắc ứng xử điều lệnh, những ứng xử về tác phong cũng đặc biệt được nhấn mạnh cùng với những bài học ứng xử đã học được khi xử lý tình huống cụ thể được quán triệt đến từng cán bộ, chiến sĩ. Với phương châm đảm bảo ATGT và nâng cao ý thức người dân, chúng tôi đã sẵn sàng với nhiệm vụ mới!
- Xin cảm ơn đồng chí!
Chở người ngồi trên xe máy không đội MBH: Phạt từ 100.000 - 200.000 đồng. Nghị định 34/2010/NĐ - CP đã quy định bắt buộc đội MBH cho trẻ em từ đủ 6 tuổi trở lên khi được người khác chở bằng xe gắn máy. Cụ thể, tại điều 9, khoản 3, mục k của nghị định này quy định, phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng với hành vi “chở người ngồi trên xe máy không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật”. |
Theo Laodong