Khi Bộ Giáo dục thông báo năm nay sẽ không thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử, nhiều học sinh đã đồng loạt xé đề cương môn này.
Đoạn clip được cho là được quay tại THPT Nguyễn Hiền, TP.HCM vào ngày 30/3. Nhưng khi được tung lên mạng vào ngày 7/4, nó đã khiến nhiều người phải suy nghĩ về cơ chế dạy và học hiện nay.
Nhiều học sinh cùng đồng loạt xé đề cương
Nick thalamgiotmua nhận xét: “Hậu quả nặng nề của việc xem nặng thành tích, xem nhẹ chất lượng cốt lõi bên trong của sự học là đây. Học sinh thời nay đi học vì bị ép học chứ không học vì ham học, đam mê tìm hiểu kiến thức. Chính vì vậy khi "thoát" được một môn hay "qua" được 1 môn là các em "vứt ngay".”
Đề cương trắng xóa sân trường
Đây quả thật là hiện trạng có thể trông thấy ở rất nhiều môn học được nhiều học sinh xem là môn phụ như: địa lý, lịch sử, kỹ thuật,…
Nhưng nếu đỗ lỗi cho các em hết thì không chính đáng vì quả thực việc dạy các bộ môn này còn thiếu khoa học và chưa mang lại được sự ham thích như các môn tự nhiên.
Rất nhiều bạn đọc quan tâm, chia sẻ vấn đề này
Hình ảnh đề cương trắng xóa cả sân trường phần nào phản ánh quá khứ của không biết bao nhiêu thế hệ học sinh từng phải đau đầu với những môn học được xem là “ác mộng”. Vì không ít người tin rằng, nếu không thi khối C thì các môn học này với công việc tương lai mà nhiều em định hướng chẳng ăn nhập với nhau.
Nếu nói học lịch sử để biết văn hóa ông cha thì xin thưa liệu bây giờ được hỏi, bao nhiêu người lớn có thể trả lời chính xác những mốc lịch sử quan trọng của dân tộc khi làm một cuộc khảo sát nho nhỏ? – Chị Hồng Tâm, nhân viên văn phòng ở Q.Tân Phú thắc mắc.
Không ít bình luận về hiện tượng "ai cũng biết" sau mỗi đợt thi
Nick Nam Tran cho rằng cần thay đổi việc dạy môn lịch sử: “Học sinh không coi môn Lịch Sử ra gì hết! Ngày xưa mình đi học cũng không có thích môn Lịch Sử nhưng cũng không đến nỗi làm như vậy. Lịch Sử là một môn cũng rất quan trọng bởi vì người Việt Nam cần hiểu và biết lịch sử Việt Nam từ thời ông cha.
Môn lịch sử có thể cuốn hút học sinh bằng nhiều cách như không kiểm tra một tiết bắt học sinh nhồi nhét tất cả mà thay vào đó là thuyết trình về một chủ đề lịch sử tự chọn hay là một bài nghiên cứu về lịch sử hay những hoạt động khác làm cho học sinh thích thú với môn lịch sử hơn”.
Việc xé đề cương môn lịch sử trước hết sẽ khiến các thầy cô bộ môn này cảm thấy buồn nhưng nó là xuất phát từ một thực tế trong việc dạy và học hiện nay. Nếu chịu khó thay đổi lịch sử vẫn có thể rất cool, khi đó những hình ảnh học sinh, sinh viên xé đề cương lúc kết thúc môn sẽ không còn xuất hiện nữa.
Theo Nguoiduatin