Đây là những tuyên bố mạnh mẽ nhất của Trung Quốc phản ứng trước những luận điệu hiếu chiến của Triều Tiên kéo dài hơn 1 tháng qua với lời đe dọa tấn công hạt nhân Hoa Kỳ và khơi mào chiến tranh với Seoul.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại một diễn đàn diễn ra trên đảo Hải Nam rằng không quốc gia nào “được phép đẩy một khu vực và thậm chí là cả thế giới vào tình trạng rối loạn chỉ vì lợi ích cá nhân”. Trong tuyên bố của mình ông Tập không đề cập thẳng tới Triều Tiên nhưng có vẻ như ông đang ám chỉ tới Bình Nhưỡng.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Jon Huntsman cho rằng những bình luận trên của ông Tập là chưa có tiền lệ.
“Sau khi quan sát sự khó chịu ngày càng gia tăng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đối với Triều Tiên trong nhiều năm qua, tôi thấy có vẻ lần này sự giận dữ của họ đã đến tới đỉnh điểm”, ông Huntsman nói trên đài CNN.
Các binh sĩ Triều Tiên trong một cuộc diễn tập bắn súng ngày 6/4.
Những luận điệu hiếu chiến của Triều Tiên bắt đầu khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt thêm các lệnh cấm vận trừng phạt nước này vì vụ thử hạt nhân hôm 12/2.
Mặc dù đưa ra luận điệu hiếu chiến nhưng Bình Nhưỡng vẫn chưa có hành động quân sự nào và chưa có dấu hiệu chuẩn bị cho chiến tranh. Điều đó cho thấy những lời đe dọa của Triều Tiên một phần là nhằm tới củng cố vị thế của nhà lãnh đạo Kim Jong Un đối với dư luận trong nước.
Hôm 5/4, truyền thông Hàn Quốc cho hay Triều Tiên đã điều động 2 tên lửa tầm trung ra bờ biển phía Đông nhưng hiện chưa có sự xác nhận chính thức thông tin này. Còn Washington thì cho biết sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu Triều Tiên tiến hành một vụ thử hạt nhân khác.
Trung Quốc, người “chống đỡ” cho Triều Tiên cả về mặt kinh tế và ngoại giao, tỏ ra ngày càng khó chịu đối với Bình Nhưỡng. Bắc Kinh đã nhất trí với Washington để Hội đồng Bảo an áp đặt các lệnh cấm vận với Triều Tiên và bày tỏ mong muốn rằng các lệnh cấm vận này sẽ được thực thi.
“Chúng tôi phản đối những lời lẽ và hành động khiêu khích từ bất kỳ bên nào trong khu vực và không cho phép rắc rối xảy ra trước cửa ngõ Trung Quốc”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói trong cuộc hội đàm với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon.
Hôm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ sự “lo ngại nghiêm trọng” trước căng thẳng leo thang và cho biết Trung Quốc đã đề nghị Triều Tiên “đảm bảo sự an toàn cho các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Triều Tiên theo Công ước Viên cũng như luật pháp và thông lệ quốc tế”.
Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ không bỏ rơi Triều Tiên nhưng có vẻ như Bắc Kinh đã dần mất kiên nhẫn sau nhiều năm cố gắng lôi kéo Bình Nhưỡng thoát khỏi tình trạng bị cô lập và tiến hành cải cách kinh tế.
Các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc, trong đó có cả tân Chủ tịch Tập Cận Bình, không có mối quan hệ tình cảm với Triều Tiên như các nhà lãnh đạo tiền nhiệm. Trong khi đó, nhà lãnh đạo mới của Triều Tiên, Kim Jong Un cũng khá “lạnh lẽo” trong mối quan hệ với Trung Quốc, không như cha và ông mình. Kể từ khi lên nắm quyền cuối năm 2011, Kim Jong Un chưa lần nào tới thăm Trung Quốc.
Trong khi đó, các chính trị gia Mỹ cho rằng Trung Quốc cần phải làm nhiều hơn nữa về vấn đề Triều Tiên.
Nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc vì đã “không kiềm chế một tình huống suýt trở thành thảm họa” và cho rằng Bắc Kinh đáng lẽ phải gia tăng sức ép của mình với Triều Tiên thông qua con đường kinh tế.
“Hành động của Trung Quốc là rất đáng thất vọng. Không chỉ một lần, chiến tranh đã xảy ra hết sức vô tình và tình hình hiện nay đã tiến tới mức rất nghiêm trọng”, ông McCain nói trên đài CBS.
Hôm 6/4, Hoa Kỳ tuyên bố đã hoãn một vụ thử tên lửa đạn đạo để giúp giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Theo Infonet