Tòa án Thái phát lệnh bắt thủ lĩnh biểu tình

Thứ ba, 03/12/2013, 11:36
Một tòa án Thái Lan hôm 2/12 đã phát lệnh bắt giữ lãnh đạo phong trào biểu tình Suthep Thaugsuban với tội "nổi dậy", do nỗ lực dẫn dắt hàng trăm nghìn người lật đổ chính phủ.
[Caption]lãnh đạo phong trào biểu tình Suthep Thaugsuban

Lãnh đạo phong trào biểu tình chống chính phủ Thái Lan Suthep Thaugsuban. Ảnh: AFP

"Lệnh bắt giữ được ban ra với tội danh "nổi dậy", mức phạt là tử hình hoặc tù chung thân", Chayut Thanataweerat, phó cảnh sát trưởng Bangkok nói trên truyền hình. Dù "nổi dậy" được xem là một tội nghiêm trọng, án tử hình hiếm khi được Thái Lan áp dụng cho tội danh này.

Tuần trước, một tòa án cũng phát lệnh bắt giữ ông Suthep vì chỉ huy cuộc chiếm đóng các cơ quan bộ ngành của chính phủ.

Suthep vốn đang đối mặt với tội giết người do ra lệnh tổ chức một cuộc đàn áp người biểu tình đẫm máu năm 2010, khi ông còn là phó thủ tướng cho chính quyền đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, thủ lĩnh biểu tình của phe đối lập Thái Lan vẫn bất chấp các vấn đề pháp lý trên, tuyên bố quyết tâm lật đổ chính phủ đương nhiệm của Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Mỗi tối, ông Suthep lại có những bài phát biểu hùng hồn để thu hút những người ủng hộ khắp Bangkok, phản đối một đạo luật mà ông cho là tạo điều kiện để cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra quay về, được Hạ viện thông qua hôm 2/11. Ông cáo buộc chính phủ của bà Yingluck bị anh trai Thaksin điều khiển, và muốn thay thế ban lãnh đạo bằng một "Hội đồng Nhân dân".

Hàng nghìn người ủng hộ ông đã đổ xuống đường biểu tình từ ngày 24/11, với đỉnh điểm là vụ đụng độ làm 4 người chết, hơn 50 người bị thương, bên ngoài tòa nhà chính phủ hôm qua.

Họ cũng ồ ạt bao vây và chiếm giữ nhiều cơ quan chính phủ then chốt ở Bangkok. Cảnh sát buộc phải bắn đạn cao su, hơi cay và dùng vòi rồng để trấn áp đám đông đang đối phó bằng cách ném đá.

Ông Suthep, 64 tuổi, có thâm niên ba thập kỷ tham gia chính trường Thái Lan, từ chức vụ trưởng thôn đến một nghị sĩ và sau đó trở thành phó thủ tướng trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2011.

Hôm 1/12, trong cuộc gặp với thủ tướng tại một địa điểm bí mật, ông Suthep cho bà Yingluck chỉ hai ngày để "trao trả quyền lực lại cho nhân dân".

Tuy nhiên, bà Yingluck hôm 2/12 khẳng định sẽ không từ chức và bác yêu cầu của người biểu tình về việc chỉ định thủ tướng mới, bởi điều này trái với hiến pháp. Bà khẳng định mở cửa tất cả các kênh để tìm giải pháp chung và sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể để lập lại hòa bình.

Theo VNE

Các tin cũ hơn