Năm 2013 cơ quan tố tụng bồi thường gần 1,9 tỷ đồng
Ngày 3/12, Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư Pháp) đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng tại thành phố Hà Nội. Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện về tình hình yêu cầu bồi thường, giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng.
Các đại biểu tham gia hội nghị đã nghe các nội dung về tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường cụ thể trong ngành Tòa án nhân dân, Kiểm sát nhân dân. Những khó khăn, vướng mắc và giải pháp kiến nghị để khắc phục các bất cập hiện hành và hoàn thiện pháp luật liên quan đến lĩnh vực bồi thường và giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng.
Các cơ quan tố tụng đã thụ lý 100 vụ việc trong 3 năm.
Bà Nguyễn Thị Tố Hằng, cục phó Cục Bồi thường Nhà nước cho biết: Riêng trong năm 2013, tổng số vụ việc yêu cầu bồi thường mà các cơ quan tố tụng đã thụ lý là 42 vụ việc, trong đó đã giải quyết 11 vụ việc với tổng số tiền 1,89 tỷ đồng. Còn tính tổng 3 năm triển khai Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (2010- 2013), các cơ quan tố tụng đã thụ lý 100 vụ việc, trong đó đã giải quyết 86 vụ việc với tổng số tiền bồi thường hơn 8,3 tỷ đồng.
Lĩnh vực hình sự là lĩnh vực phát sinh nhiều yêu cầu bồi thường nhất. Yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực tố tụng dân sự, tố tụng hành chính có phát sinh nhưng chưa nhiều
Bồi thường cho ông Chấn như thế nào?
Liên quan đến nghi án oan Nguyễn Thanh Chấn, vấn đề bồi thường cũng đã được tính đến. Theo đó, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước cho biết: Cục Bồi thường Nhà nước cũng đã tham mưu cho Bộ Tư Pháp những thiệt hại xác định được theo định lượng để tính toán bồi thường cho ông Chấn như tổn thất tinh thần trong thời gian bị giam giữ tù oan (khoảng 560 triệu). Các khoản khác ông Chấn muốn được bồi thường phải chứng minh được thiệt hại thực tế, từ đó các cơ quan thẩm quyền sẽ có cân nhắc, quyết định bao gồm cả những thiệt hại về tài sản bị xâm phạm, tài sản thu nhập thực tế bị mất.
Luật sư Vũ Thị Nga tại hội nghị.
Đóng góp ý kiến trong hội nghị, luật sư Vũ Thị Nga, ủy viên Hội đồng Luật sư Việt Nam, phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam nói: Đối với nhiều vụ án hình sự oan sai, trên thực tế sai phạm bắt đầu xuyên suốt từ quá trình điều tra, truy tố đến xét xử. Chẳng hạn như vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, có những tình tiết rõ ràng từ khi xét xử sơ thẩm đã có như quá trình chị Nguyễn Thị Hoan bị giết đã bị cướp mất hai chiếc nhẫn vàng, song các cơ quan tiến hành tố tụng ở Bắc Giang đã không đưa vào. Nếu xem xét ngay từ đầu thì ông Chấn đã không bị xét xử oan sai.
Trong quan hệ bồi thường nhà nước thì các chủ thể tham gia quan hệ này không tương quan lực lượng. Bên yêu cầu bồi thường (người bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra) luôn ở thế yếu so với bên phải bồi thường. Trong khi các thiệt hại thực tế xảy ra nhưng người bị thiệt hại do hoàn cảnh, điều kiện về thời gian, hoặc hoàn cảnh khác không tự mình thu thập lại được hoặc thu thập lại không còn đầy đủ nữa dẫn đến việc họ đã thiệt hại lại còn bị thiệt hại thêm.
“Đơn cử như thủ tục bồi thường trong trường hợp của ông Chấn – con liệt sĩ, lao động chính trong gia đình có cả 1 đàn con chưa đủ 18 tuổi thì tổn thất về mặt tinh thần vô cùng lớn, không chỉ đối với họ mà cả 1 thế hệ đằng sau họ”, bà Nga cho biết thêm.
Nhìn nhận ở khía cạnh khác, luật sư Đào Ngọc Lý, giám đốc Cty Luật TNHH Đào Ngọc Lý cho rằng: Cần bổ sung thêm “Các thiệt hại khác” vào danh mục thiệt hại cần phải bồi thường. Bởi lẽ, cần phải bồi thường cả những chi phí hợp lý của khách hàng và gia đình họ trong quá trình đấu tranh, truy tìm chứng cứ và tìm đến công lý. Vì dụ như chi phí mời luật sư tham gia tố tụng, tìm chứng cứ, phản ánh lên các phương tiện truyền thông, báo chí, tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền,…
Theo Người Đưa Tin